Người châu Á tan mộng kiếm tiền
Các Website khác - 03/02/2009

Anh thợ hàn Mohammad Ali đến Singapore với ước mong kiếm được nhiều tiền gửi về cho gia đình ở Bangladesh, mà không biết rằng cơn bão khủng hoảng sẽ xé tan giấc mơ của anh, đẩy anh vào sống trong một cái cũi.


Người lao động di cư Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Anh thợ hàn Mohammad Ali đến Singapore với ước mong kiếm được nhiều tiền gửi về cho gia đình ở Bangladesh, mà không biết rằng cơn bão khủng hoảng sẽ xé tan giấc mơ của anh, đẩy anh vào sống trong một cái cũi.

Sau khi đã vay mượn 6.000 USD trả cho hãng môi giới việc làm đưa Ali đến quốc đảo, anh bị hãng đóng tàu sa thải vì kinh tế khó khăn. Chưa hết, những gì diễn ra sau đó với Ali và các bạn đồng cảnh ngộ thật khó có thể tưởng tượng.

Chủ hãng nhốt Ali và hơn 100 công nhân khác vào một cái chuồng để ngoài trời, để ngăn họ đi báo với nhà chức trách về việc ông ta không trả lương.

Dù trời mưa hay nắng, Ali cùng những người khác vẫn phải ở trong chiếc cũi suốt ba tháng ròng. Vụ hành hạ nhân công kết thúc vào tháng 9, khi một nhóm hoạt động vì quyền lợi của lao động nhập cư phát hiện và báo với Bộ Lao động Singapore.

Ali giờ đây sống trong một nhà ga tàu điện ngầm, mỗi ngày được một bữa ăn nhân đạo miễn phí. Anh chỉ ước về được đến nhà.

"Đến Singapore cũng chẳng hay ho gì, tôi chỉ muốn về lại Bangladesh. Ở đó có mẹ, cha, anh chị em giúp đỡ tôi. Ở đây tôi chẳng có ai", Ali nói tiếng Anh bập bẹ.

Ngành đóng tàu, xây dựng ở Singapore từng rất khát nhân công, thuê đến 800.000 người lao động nhập cư trong năm 2007. Nhưng khi kinh tế nước này trượt dần vào suy thoái, nhu cầu lao động cho các dự án lớn không còn.

Không chỉ ở Singapore. Các tổ chức hoạt động vì nhân quyền cho hay trên thế giới hiện có đến hơn 100 triệu lao động di cư bị mất việc, ở các nơi từng hiếm nhân công như Singapore, vùng Vịnh Persian và Đài Loan. Công nhân nhập cư chủ yếu là người đến từ Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Philippines và Sri Lanka.

Sa thải các lao động nhập cư đồng nghĩa với tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói ở các nước nói trên, bởi nhân công sẽ phải về nước tay trắng

"Đương nhiên, lao động nhập cư là những người đầu tiên bị sa thải" khi kinh tế khó khăn, Patrick Taran - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế, nói.

Ngân hàng thế giới dự đoán răng lượng kiều hối - nguồn thu quan trọng của nhiều nước đang phát triển - sẽ giảm đi đáng kể trong vòng hai năm tới. Năm ngoái, tổng kiều hối toàn cầu là 283 tỷ USD. Khi kinh tế suy giảm, an sinh xã hội đối với các lao động nhập cư cũng bị đe dọa.

"Thế là hết, tôi giờ đang chìm ngập trong nợ nần", công nhân Vangie Paticeria người Philippines, vừa mất việc ở Đài Loan tháng trước, chán nản nói. Anh sẽ trở về quê nhà mà không xu dính túi.

Còn Ali, công nhân hàn mất việc ở Singapore, đang lo lắng vì không có tiền để trả nợ cho các anh chị em ở nhà. Để có tiền trả cho hãng môi giới lao động, Ali đã vay của họ, và họ thì đi vay của các chủ cho vay nặng lãi. Ali vẫn quyết định về Bangladesh.

Nhiều người khác thì chọn cách ở lại, trở thành các nhân công bất hợp pháp, chấp nhận làm những công việc lương thấp và nhiều nguy cơ bị lạm dụng.

Một đồng hương của Ali là Monerul Monto đã bán cả cửa hàng ở Bangladesh để đến làm công nhân tại thành phố quốc đảo sư tử. Lương tháng của Monto bằng số tiền cả năm anh kiếm được tại quê nhà.

Giờ Monto đã mất việc nhưng vẫn không về quê bởi cho dù chỉ kiếm được vài đôla mỗi ngày, anh vẫn phải làm để trả món nợ ở Bangladesh.

"Nếu về Bangladesh, tôi sẽ chết. Tại sao ư? Ở đó làm gì có tiền. Tôi phải ở Singapore và làm việc, nhưng ở đây cũng đang không có việc gì làm", Monto nói, rồi rướn người về phía trước, thì thào một cách tuyệt vọng. "Chị ơi, nếu biết chỗ nào có việc, bảo tôi với nhé. Việc gì tôi cũng làm".

Theo VnExpress