Người Mỹ thất vọng với "Chiến lược quốc gia về Iraq" * EU chính thức yêu cầu điều tra về cáo buộc các nhà tù bí mật. * Chính phủ Mỹ không đưa ra được thời hạn cụ thể rút quân. * Tỉ lệ ủng hộ ông Bush tiếp tục giảm.
Hôm 29.11, Anh - nước đang giữ chức Chủ tịch EU, đã gửi thư yêu cầu chính quyền Mỹ trả lời về cáo buộc Mỹ điều hành các nhà tù bí mật giam giữ nghi phạm khủng bố ở Đông Âu. Đây là lần đầu tiên EU chính thức làm việc này, trước đó chỉ có một số nước đơn lẻ yêu cầu Mỹ giải thích. EU đã cảnh báo các nước thành viên rằng, các nước này có thể mất quyền bỏ phiếu nếu họ có những nhà tù bí mật như vậy thật. Cho tới nay, 6 nước Châu Âu đã ra lệnh điều tra về cáo buộc "nhà tù bí mật". CIA, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều không bình luận gì về các vụ việc này. Một ngày sau khi nhận được thư của EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCommack lần đầu tiên nói rằng, Mỹ sẽ làm hết sức mình để có câu trả lời xác đáng, tuy không cho biết câu trả lời sẽ được đưa ra vào thời điểm nào, và cũng không khẳng định những nhà tù như vậy có thật hay không. Từ lâu, người ta đã phỏng đoán rằng CIA điều hành các nhà tù bí mật ở nước ngoài để né tránh luật pháp Mỹ và giữ cho các nghi phạm khủng bố không được quyền xét xử tại các toà án Mỹ. Tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice sẽ tới Châu Âu. Đối với Chính phủ Anh, vụ này cũng đã trở thành một rắc rối về chính trị và quan hệ công chúng. Sir Menzies Campbell - người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của Đảng Dân chủ tự do đối lập, buộc tội Chính phủ của Thủ tướng Tony Blair đã làm ngơ trước cái xấu của đồng minh Mỹ: "Ta đã bị dẫn dắt từ một nền pháp lý trong đó tra tấn tù nhân là bất hợp pháp sang nền pháp lý mà tra tấn là được phép, mà điều đó là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế". 6 tỉ USD/tháng Trong khi đó, dư luận Mỹ lại thất vọng với "Chiến lược quốc gia vì chiến thắng ở Iraq" mà Tổng thống Bush công bố hôm 30.11, lần đầu tiên trong cuộc chiến Iraq kéo dài đã hai năm rưỡi. Trong chiến lược này, Chính phủ Mỹ đưa ra ba nhóm kẻ thù ở Iraq: "Nhóm phản đối" gồm những người Arab dòng Hồi giáo Sunni từng thống trị dưới thời chính quyền cũ, nhưng giờ đã mất cả tài sản lẫn quyền lực, sự phản đối của nhóm này có thể dẹp bỏ nếu chính phủ dân chủ mới ở Iraq bảo vệ quyền lợi của người thiểu số; "Nhóm Saddam" gồm các cựu thành viên của chính phủ Saddam Hussein trước đây, cần có một lực lượng an ninh Iraq đủ mạnh để trấn áp nhóm này; và "Nhóm khủng bố" - gồm những thành viên của Al-Qaeda, nhóm này phải bị tiêu diệt và bắt giữ. Tuy nhiên, chiến lược này không đưa ra thời hạn cụ thể để rút quân khỏi Iraq. Thượng nghị sĩ Harry Reid - lãnh tụ Đảng Dân chủ trong Thượng viện, nói rằng ông Bush lại "tái chế những lời đãi bôi mệt mỏi", rằng ông đã "một lần nữa bỏ qua cơ hội vạch ra một chiến lược thực sự để thành công ở Iraq và đưa lính Mỹ trở về nhà an toàn". Ngoài sức ép từ Đảng Dân chủ đối lập, hiện giờ tỉ lệ ủng hộ của dân Mỹ dành cho ông Bush đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, 60% dân Mỹ cho rằng cuộc chiến Iraq không đáng so với những gì nước Mỹ phải hy sinh. Giờ đây Mỹ có 15 nghìn quân ở Iraq và mỗi tháng phải bỏ ra 6 tỉ USD để duy trì lực lượng này. 2.100 lính Mỹ đã thiệt mạng ở Iraq trong hai năm rưỡi qua. Vĩnh Nguyên (Theo BBC, AP) |
▪ Trung Quốc trở thành cường quốc viện trợ quốc tế (01/12/2005)
▪ Hy vọng mong manh phút chót (30/11/2005)
▪ Bangladesh: Xuất hiện đánh bom liều chết (01/12/2005)
▪ Vụ hối lộ lớn nhất trong Quốc hội Mỹ (01/12/2005)
▪ Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1.12: Rút ngắn khoảng cách đưa ART tới bệnh nhân nghèo (01/12/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (30/11/2005)
▪ HÌNH ẢNH & SỰ KIỆN (01/12/2005)
▪ Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHTT cho ngài Phó Đại sứ Thụy Điển (30/11/2005)
▪ Ngủ ở nơi làm việc (30/11/2005)
▪ Chechnya bầu cử nghị viện (29/11/2005)