Ông Bush cho phép nghe trộm điện thoại của dân
Các Website khác - 19/12/2005
Ông Bush cho phép nghe trộm điện thoại của dân

Cuối tuần qua, dư luận Mỹ xôn xao khi tờ New York Times số ra ngày 16.11 phát giác việc Tổng thống Bush cho phép đặt máy nghe trộm để giám sát hàng nghìn công dân Mỹ. Ông Bush đã công nhận việc này, nhưng biện hộ rằng ông không vi phạm luật pháp Mỹ.

Tự biện hộ
Tờ New York Times cho biết, năm 2002, ông Bush đã uỷ quyền cho Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) giám sát các cuộc điện thoại quốc tế và thư điện tử của hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người ở Mỹ. Việc nghe lén trong nước này không hề có giấy phép của Toà án Giám sát tình báo nước ngoài như đòi hỏi trước đây.

Sau 24 giờ từ chối khẳng định hay phủ nhận, trong bài phát biểu cuối tuần hôm 17.12 (ảnh), ông Bush đã thú nhận việc đó có thật. Ông nói: "Nhiều tuần sau vụ khủng bố 11.9.2001, tôi đã uỷ quyền cho NSA - theo luật pháp và Hiến pháp Mỹ - được nghe trộm các cuộc điện thoại ra nước ngoài của những công dân Mỹ bị tình nghi liên can tới Al-Qaeda hay các tổ chức khủng bố". Ông Bush nói rằng, báo cáo điều tra về vụ 11.9 đã chê trách việc chính quyền Mỹ không phát hiện được rằng bọn khủng bố trong và ngoài nước Mỹ đã liên lạc với nhau, vì vậy, việc nghe trộm này "là một chương trình tuyệt mật rất cần thiết cho an ninh quốc gia của chúng ta", là "công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, để giữ gìn mạng sống cho người Mỹ".

Thái độ của ông Bush lần này rõ ràng là rất bực dọc. Ông nói không có ý định chấm dứt việc nghe lén này. Ông chỉ trích báo chí đã tiết lộ một cách "không thích hợp" những thông tin nói trên và cho rằng việc rò rỉ thông tin mật của chính phủ mới là bất hợp pháp. Ông nói: "Kết quả là kẻ thù sẽ biết được những điều mà chúng không nên biết, việc để rò rỉ thông tin này đã gây hại cho an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho người dân".

Ông Bush cũng nói ông không chỉ làm việc này một mình, mà cá nhân ông đã hơn 30 lần xem xét và tiếp tục cho thực hiện chương trình này sau khi lấy ý kiến của các quan chức tư pháp cao cấp trong chính phủ, kể cả Tổng Chưởng lý Mỹ. Nhắc tới dự luật chống khủng bố mang tên Luật AÁi quốc (Patriot Act), ông Bush rất tức giận vì quốc hội không gia hạn luật. Chính các thượng nghị sĩ Cộng hoà rất lo ngại rằng luật mới ban cho các cơ quan hành pháp thêm quá nhiều quyền lực mới, những quyền lực này có thể dẫn tới việc nghe trộm và bức hại công dân, do vậy xâm phạm đời tư của công dân quá nhiều.

Làn sóng phẫn nộ
Bài báo của New York Times đã gây nên làn sóng phẫn nộ từ các tổ chức nhân quyền, từ nhiều nghị sĩ Mỹ và gây tranh cãi khá gay gắt ở Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hoà Arlen Specter - Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, nói rằng việc nghe lén này rõ ràng là không thích hợp và ông sẽ ưu tiên mở cuộc điều tra vào đầu năm tới. Thượng nghị sĩ Dân chủ Russ Reingold phản ứng quyết liệt hơn nhiều: "Theo tôi, những gì ông ta (Bush) làm, là bất hợp pháp... Chúng ta có Tổng thống George Bush, chứ không phải Vua George Bush".

James Bamford - tác giả hai cuốn sách về NSA - cho rằng, chương trình nghe lén này là rất khó hiểu vì nó vượt mặt cả Toà án Giám sát tình báo nước ngoài. "Tôi không thấy ông Bush viện dẫn một quyền hạn đặc biệt nào cả, trừ quyền tổng thống, mà quyền đó trong một nền dân chủ không có ý nghĩa nhiều - Bamford nói - Hôm nay, những gì ông Bush nói là lách luật, là bất hợp pháp". Bà Susan Low Bloch - Giáo sư về luật hiến pháp tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown - nói rằng, ông Bush đã diễn giải quá rộng hiến pháp và quyền của tổng thống.

Không khí chính trị trong nước rất bất lợi cho ông Bush. Có lẽ vì vậy mà ông quyết định bỏ bài phát biểu cuối tuần thường kỳ được thu sẵn cho đài phát thanh, để lần này lên phát biểu trực tiếp trên truyền hình. Ngày 18.12, ông Bush lại tiếp tục có một bài phát biểu nữa biện hộ cho hành động của mình và đây là điều bất thường, bởi đó là bài phát biểu thứ năm của ông trong vòng ba tuần qua. Vĩnh Nguyên (Theo AFP, AP, BBC)