Philippines với bài toán xoá đói nghèo
Các Website khác - 02/10/2005
Philippines với bài toán xoá đói nghèo

Philippines đang lâm vào một cái vòng luẩn quẩn của nợ nước ngoài và nạn tham nhũng, ngăn cản nước này phát triển và xoá đói nghèo. Vài đốm sáng hi vọng đã được thắp lên, nhưng bức tranh chung của các đô thị nước này vẫn khá ảm đạm.

Sự bần cùng
Khi chiếc xe tải chở rác đến nơi, hàng chục người chạy qua đống rác ngập đến đầu gối, tranh nhau bám lên ván chắn hậu, lên mui xe tải ngay cả trước khi nó mở cửa đổ rác xuống bãi. Rồi chừng ấy người cố moi mót trong đống rác mới những phế liệu sót lại như chai nhựa rỗng, kim loại, giấy với hi vọng kiếm được vài cent (ảnh). Đó là toàn cảnh "núi" Smokey, bãi rác thải của Manila, thủ đô Philippines - một thực tế giúp chúng ta hình dung về hiện trạng đói nghèo và nhiệm vụ khó khăn mà Philippines đang phải đối mặt để đạt được mục tiêu xoá đói nghèo.

Các đô thị của Philippines hiện nay đầy rẫy sự đối lập. Phân phối thu nhập bất cân xứng dẫn đến sự phân hoá xã hội ngày càng gia tăng. Ngay cạnh một phố mua sắm sang trọng trưng bày những mẫu thời trang mới nhất nhập từ Hồng Kông, Paris... là những ngôi nhà lụp xụp trông giống những hộp cáctông nhếch nhác bên hè đường. Bilma - một trong những phụ nữ hành nghề mót rác tại "núi" Smokey - cho biết, bà phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để nuôi 5 đứa con nhỏ.

Khoảng 40% dân số Philippines, nghĩa là hơn 30 triệu người, hiện đang sống trong cảnh bần cùng. Hầu hết họ đều sống ở khu vực nông thôn, nhưng nhiều người đang đổ về các đô thị với hi vọng tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Bài toán nan giải
Gánh nặng trả các khoản nợ nước ngoài đã khiến Philippines không còn ngân sách để phát triển kinh tế và xoá đói nghèo. "Các khoản nợ và chi tiêu của chính phủ đã ngốn tới 90% ngân sách của chúng tôi - Jose de Vanecia, người phát ngôn của Hạ nghị viện Philippines, nói - Nghĩa là chỉ còn 10% cho trường học, bệnh viện, nước sạch và các dự án cấp điện". Nhằm giải toả bế tắc, ông đã đề xuất giải pháp "đổi nợ lấy vốn cổ phần", nghĩa là chuyển một nửa số nợ thành vốn cổ phần cho các quốc gia chủ nợ tham gia đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế xã hội của nước mắc nợ.

Đề xuất này (có ý nghĩa không chỉ với Philippines mà cho cả 100 nước nợ nước ngoài nhiều nhất thế giới hiện nay) có thể được chấp thuận, nhưng chắc chắn sẽ đi kèm với những điều kiện gắt gao và đòi hỏi các dự án phải được kiểm soát chặt chẽ, bởi tham nhũng cũng đang là một vật cản khác trong tiến trình xoá đói nghèo ở Philippines. Những cuộc điều tra độc lập cho thấy nước này luôn đứng thứ hạng cao về mức độ tham nhũng trong chính phủ và các cơ quan nhà nước - Vergel Santos, một nhà báo Philippines, cho biết.

Đã có một vài bước tiến. Chẳng hạn như dự án nhà tái định cư ở gần "núi" Smokey cho 20.000 người (nhiều người trong đó đã từng hành nghề nhặt rác) do chính phủ tài trợ đã thành hiện thực. Cha Ben Beltran - một giáo sĩ nhà thờ - giải thích về lí do thành công của dự án: "Cần phải có ước mơ, và tin tưởng rằng nghèo đói không phải là số mệnh của mỗi người. Việc bạn bị bần cùng hoá không phải là ý Chúa. Chúng tôi đã diễu hành trên đường phố và buộc chính phủ phải tái định cư cho những người sống trong những khu nhà ổ chuột. Cuối cùng, chúng tôi đã có được nơi ở như hiện nay".

Nhưng bài toán đặt ra với chính quyền Philippines thì không đơn giản như vậy. Những ý kiến của các tầng lớp dân cư trong xã hội đều cho rằng nước này sẽ khó có thể trừ bỏ được đói nghèo khi thiếu các nguồn lực từ phía chính phủ. Và trước mắt, theo ông Lito Atienza - Thị trưởng Manila, cải thiện môi trường kinh doanh chính là chìa khoá để giải quyết vấn đề. Thanh Hoa (Theo BBC)