Quốc vương Nepal không còn đường lui Bất chấp đề nghị thoả hiệp do Quốc vương Gyanendra đưa ra với hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã đẩy cả đất nước Nepal vào tình trạng tê liệt suốt 3 tuần qua, liên minh đối lập vẫn tuyên bố tiếp tục biểu tình cho tới khi hạ bệ được Quốc vương và có hiến pháp mới. Thủ đô Kathmandu vẫn rất căng thẳng khi bước sang ngày thứ năm liên tiếp bị áp đặt lệnh giới nghiêm hôm 24.4. Phe đối lập cho hay, chỉ tổ chức các cuộc biểu tình quy mô nhỏ trong ngày 24.4 để chuẩn bị cho cuộc lớn hơn thu hút hàng trăm ngàn người vào ngày hôm sau tại tuyến đường vành đai bao quanh Kathmandu. Lo ngại vì lệnh giới nghiêm mới đã hết hiệu lực tối 23.4, lực lượng quân đội và an ninh Nepal liên tục tuần tra trên xe bọc thép và nhiều hàng rào dây thép gai được dựng lên trên các đường phố thủ đô nhằm ngăn chặn người biểu tình tiến vào những vị trí trọng yếu, nhất là hoàng cung - nơi Quốc vương Gyanendra bị cô lập và chỉ được coi như vẫn nắm quyền nhờ vào sự bảo vệ của số ít trong lực lượng an ninh còn trung thành với Hoàng gia. Khủng hoảng chính trị tại Nepal bắt đầu leo thang từ ngày 6.4, sau khi liên minh 7 đảng đối lập chính được sự hậu thuẫn của phái nổi dậy Maoist bắt đầu thực thi chiến lược kết hợp biểu tình phản đối Quốc vương với tổng bãi công trên toàn quốc. Nhiều vụ đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh với người biểu tình, làm ít nhất 14 người chết và hàng trăm người bị thương. Riêng trong 2 ngày cuối tuần qua, làn sóng biểu tình được tăng cường hơn, với cuộc lớn nhất thu hút tới hơn 100.000 người. Nhiều vụ xô xát xảy ra làm gần 250 người bị thương. Đêm 23 rạng sáng 24.4, lực lượng nổi dậy Maoist còn tấn công trụ sở an ninh, văn phòng chính quyền, trại giam và lật đổ tháp viễn thông tại khu vực miền núi Chautara, cách Kathmandu 75 dặm về phía đông bắc... Đến nước này, theo giới phân tích, Quốc vương Gyanendra xem ra chẳng còn đường lui, dù đã buộc phải đưa ra thoả hiệp hôm 21.4 thông qua đề xuất "quay trở lại tình trạng cũ" (chỉ tồn tại dưới vai trò giám sát hiến pháp và là biểu tượng của sự thống nhất dân tộc), cho phép liên minh đối lập chỉ định thủ tướng để thành lập chính phủ. Song phe đối lập nói đề nghị này vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của họ là phải khôi phục lại quốc hội và lập ra một hội đồng đặc biệt để soạn thảo hiến pháp mới, có thể giới hạn hoặc thậm chí loại bỏ chế độ quân chủ. L.L.Q (Theo CNN, BBC) |
▪ Ông bộ trưởng bị bỏ rơi (25/04/2006)
▪ Bồn cầu "thông minh" (25/04/2006)
▪ Tệ nạn buôn người trên thế giới: Hơn 1 triệu nạn nhân trẻ em mỗi năm (25/04/2006)
▪ Giỡn mặt (25/04/2006)
▪ Tin vắn quốc tế ngày 24.4 (24/04/2006)
▪ Một cựu quan chức Mỹ cáo buộc sai lầm của Nhà Trắng (24/04/2006)
▪ Mỹ - Trung: Phát triển quan hệ trong khác biệt quan điểm (24/04/2006)
▪ Chernobyl vẫn là vùng đất chết (24/04/2006)
▪ Bộ trưởng Tài chính Pháp "sốc" mạnh trước làn sóng biểu tình (22/04/2006)
▪ Trùng phùng sau 60 năm xa quê hương (22/04/2006)