Cây cầu nối hai dân tộc Đức - Việt
Các Website khác - 23/09/2005
Kỷ niệm 50 năm các lưu học sinh Việt Nam tại Moritzburg (Đức):
Cây cầu nối hai dân tộc Đức - Việt

Phương Thuỷ

Các học sinh Việt Nam đầu tiên tại
Moritzburg 50 năm trước.

"Dù chính trị gia nào lãnh đạo nước Đức, thì có một điều không thay đổi là Việt Nam luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đức" - Đại sứ CHLB Đức Christian-Ludwig Weber-Lortsch phát biểu trong cuộc họp báo sáng 22.9.

Theo Đại sứ Weber-Lortsch, năm 2005 đánh dấu một lễ kỷ niệm quan trọng đối với hai dân tộc Đức - Việt: 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ Weber-Lortsch cho hay, Đức tự hào là một trong những quốc gia viện trợ lớn nhất cho Việt Nam trong tiến trình đổi mới. Kể từ năm 1990 đến nay, viện trợ của Đức cho Việt Nam là 1 tỉ USD. Đức hiện là bạn hàng số một của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu.

Những thành tựu trong quan hệ kinh tế hai bên còn được thể hiện ở nhiều dự án "hải đăng" mới được ký kết như dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia tại Hà Nội, dự án xây dựng cầu cáp treo tại TP.Hồ Chí Minh... "Để đạt được những thành tựu này, chúng tôi có một lợi thế đặc biệt: Sự giúp đỡ của rất nhiều người Việt Nam từng công tác, học tập tại Đông Đức, trong đó có thế hệ những người con Moritzburg".

50 năm trước, một nhóm 150 học sinh phổ thông đầu tiên của Việt Nam đã được đưa sang học tập tại Moritzburg, gần thành phố Dresden, trong một dự án được xem là "táo bạo và dũng cảm" của hai nhà nước Việt Nam và CHDC Đức khi đó. Theo ông Nguyễn Ngọc Cường, một cựu học sinh Moritzburg, đoàn học sinh Việt Nam đã vượt qua một chặng đường dài 15.000km bằng tàu hoả để tới Đức. "Tuy thời kỳ đó, nền kinh tế Đông Đức còn khó khăn, nhiều thầy cô phải chăn nuôi thêm để trang trải cuộc sống, nhưng các lưu học sinh Việt Nam tại Moritzburg luôn nhận được những tình cảm và điều kiện vật chất tốt nhất" - ông Cường nhớ lại. "Năm tháng có thể trôi qua, nhưng những ngày thơ ấu ở Moritzburg luôn sống động trong tôi. Đó là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời" - ông tâm sự.

Theo bà Christa Klaus - Trưởng đại diện cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) - để kỷ niệm 50 năm hành trình Moritzburg, DAAD phối hợp cùng Đại sứ quán Đức sẽ tổ chức hành trình thăm lại Moritzburg cho các cựu học sinh Việt Nam năm xưa, theo đúng tuyến đường sắt mà họ đã đi 50 năm trước. "Có thể nói, các cựu học sinh Moritzburg là những học sinh đã được lớn lên trong cả hai thế giới Đức - Việt, hai ngôn ngữ và hai nền văn hoá. Họ là những cây cầu bền giúp thắt chặt và nối gần hai dân tộc Đức - Việt" - bà Klaus nói.