Trung Quốc và cuộc mở cửa về truyền thông
Các Website khác - 26/09/2005

Chính phủ Trung Quốc được nhiệt liệt tán dương khi cho phép công bố số vụ người chết trong các vụ thiên tai, tai nạn. Đây chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng cởi mở với truyền thông...

Nếu bạn có dịp trở lại Trung Quốc (TQ) sau nhiều năm, bạn sẽ thực sự choáng ngợp trước những thay đổi trong truyền thông ở đây. Nơi thể hiện rõ nhất những thay đổi này là màn ảnh nhỏ.

Trong một khách sạn Trung Quốc, bạn có thể xem miễn phí đủ mọi thứ trên trời dưới biển qua TV. Các quý cô quý bà có thể xem những chương trình tư vấn làm đẹp với những hình ảnh gợi cảm mà trước đây bị coi là "dâm ô" trên nhưng kênh như Đông Phương của Thượng Hải (Dragon TV) hay CETV. Thậm chí, nếu chịu trả tiền, bạn còn có thể xem cả... phim sex trên những kênh truyền hình theo yêu cầu.

Cải cách kinh tế đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong báo chí, với nhiều kênh truyền hình mới cũng như hàng trăm tờ báo đưa tin mọi lĩnh vực từ xã hội đến chính trị. CCTV1, CCTV4 hay CCTV9, những kênh nhà nước, giờ đây lại đua nhau đưa tin nhanh và đậm nhất về những đề tài từng bị coi là cấm kỵ như tội phạm, AIDS, tham nhũng...

Một số tờ báo đã tạo được uy tín và doanh thu lớn nhờ những bài điều tra gai góc chống quan tham hay quan "thái bình". Phát thanh đã trở nên ngày càng phổ biến, và thính giả có thể gọi điện thẳng vào studio (call-in show) để nói lên suy nghĩ của họ về mọi vấn đề mà không phải tiết lộ danh tính.

Những vấn đề từng bị xem là "nhạy cảm lịch sử" nay đã được bàn luận cởi mở hơn. "Giờ đây, người ta có thể làm những công trình nghiên cứu nghiêm túc về Quốc dân đảng và ca ngợi Tưởng Giới Thạch như một nhà yêu nước", Tiến sĩ Kirby thuộc ĐH Harvard nêu dẫn chứng.

Trong mấy năm gần đây, đời sống truyền hình Trung Hoa Đại lục sôi động hẳn lên nhờ sự tham gia của các kênh mới như Phượng Hoàng có trụ sở tại Hồng Kông cũng như các kênh giải trí mới như CETV ở Đại lục.

Ở Trung Quốc hiện hiện nay, rất ít là không biết đến cô Trần Lục Dư, người dẫn chương trình talk show nổi tiếng nhất. Cô nổi tiếng đến nỗi được so với người dẫn chương trình Oprah Winfrey trứ danh của Mỹ. Trong talk show của mình, Một ngày hẹn với Trần Lục Dư, phát 5 ngày trong tuần trên kênh Phượng hoàng, cô không ngại ngần bàn về những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng nhất.

Trần Lục Dư - gương mặt truyền hình nổi nhất hiện nay

Đây chỉ là một trong vô số chương trình truyền hình ăn khách ở TQ. Và đó là tín hiệu đáng mừng cho truyền thông TQ.

Kể từ cuộc cách mạng 1949, truyền hình, radio và báo in ở TQ đã bị kiểm duyệt mạnh tay. Các cải cách kinh tế sâu rộng hiện nay và việc xuất hiện Internet đã giúp báo chí TQ cởi mở hơn. Ngày trước, người dân rất ít khi được đọc báo hay xem TV. Vào những năm 1970, hàng chục hộ chỉ có một chiếc tivi. Gia đình nào phải "thế lực" lắm mới sắm nổi một chiếc TV sản xuất tại Đông Âu.

Vài năm sau cũng chỉ có một hay hai kênh, với chỉ vài giờ phát sóng mỗi ngày. Kể từ khi cải cách kinh tế, TQ thực sự mởi mở về truyền thông. Tăng trưởng kinh tế thần tốc đã tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu vươn lên. Tầng lớp này không còn thích tuyên truyền nhà nước kiểu cũ mà là giải trí, thời trang, người nổi tiếng và thế giới bên ngoài.

Nhà phân tích bái chí Rowan Simons ở Bắc Kinh cho rằng mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. "Công dân trung lưu thành thị có thể thu 50 kênh truyền hình phát sóng từ tin tức thể thao đến phim ảnh, và thậm chí còn có cả các kênh bổ sung như kênh du lịch và tư vấn tiêu dung".

Tuy nhiên, kiểm duyệt nhà nước chưa hoàn toàn biến mất. Nếu bạn nói quá sâu về các chủ để nhạy cảm chính trị như nhân quyền hay Tây Tạng, hình phạt sẽ rất nặng.

Các kênh nước ngoài vẫn còn bị kiểm duyệt. Tất cả các nhà xuất bản vẫn thuộc sở hữu nhà nước, vì thế chính quyền có thể kiểm soát những gì xuất hiện trên mặt báo.

Nội dung tin tức trên Internet có vẻ thoải mái hơn. Hiện tượng này một phần xuất phát từ định hướng nhà nước, một phần là do không thể kiểm soát về mặt kỹ thuật. TQ hiện có 100 triệu người lướt web mỗi ngày, trở thành nước đứng thứ hai chỉ sau Mỹ về số người sử dụng mạng toàn cầu. Và con số này chắc chắn còn gia tăng nhanh chóng trong những năm tới.

Truyền thông Internet càng ít bị kiểm duyệt

Các quán cafe Internet đang mọc lên ngày càng nhiều ở những thành phố lớn, thu hút hàng dòng thanh niên đến để lướt web, chat hoặc hơi game. Đó là nơi bạn có thể tìm thấy hầu như mọi thứ trên đời.

Tuy nhiên, để bảo vệ thuần phong mỹ tục, chính phủ TQ chủ trương ngăn chặn những nội dung khiêu dâm hay kích thích bạo lực. Và Bắc Kinh quan niệm một quốc gia đất rộng người đông như TQ, không thể có dân chủ quá trớn. Do đó, những nội dung nhạy cảm chính trị cũng sẽ bị cấm tiếp cận.

Internet, truyền hình, phát thanh, báo in và tạp chí - tất cả đã thay đổi đáng kể ở TQ trong nhiều năm qua. Và xem ra truyền thông tiếp tục đóng vai trò ngày càng lớn đối với những thay đổi trong xã hội Trung Hoa.

96% dân số TQ đang xem TV; khoảng 100 triệu người dùng Internet và 350 triệu người dùng điện thoại di động. Vì thế vai trò của truyền thông là không thể phủ nhận. Đây là giai đoạn rất sôi động của truyền thông TQ, của cả nhà cung cấp lẫn người dùng.

Thế giới truyền thông TQ có thể coi là biểu tượng của những thay đổi đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác. Cuộc cách mạng thông tin của TQ đã bắt đầu, và nó khó có thể dừng lại được nữa.

  • Lam Sơn (Tham khảo nhiều nguồn)