Bài 5: Trách nhiệm của VFF?
Các Website khác - 03/01/2006
Khi những cá nhân tham gia vòng xoáy tiêu cực bóng đá thời gian qua đã ở độ tuổi trả lời trước pháp luật về hành vi xấu xa của mình, việc khẳng định VFF phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thực trạng tiêu cực của bóng đá nước nhà chưa hẳn thuyết phục.

Tuy nhiên, như ông bà ta nói “Nhà dột từ nóc”, tổ chức cao nhất bóng đá nước nhà VFF vẫn phải gánh chịu phần trách nhiệm lớn nhất. Theo chúng tôi, vấn đề ở chỗ suốt chặng đường tồn tại 16 năm, VFF chưa bao giờ thuyết phục được xã hội về cơ cấu tổ chức và cung cách làm việc. Yếu kém, bất ổn, manh mún ngay từ ban chấp hành, VFF đã không thể đấu tranh hiệu quả vì môi trường trong sạch cho bóng đá nước nhà, để rồi như hệ quả tất yếu, bóng đá VN hôm nay rơi vào vụ bê bối tồi tệ chưa từng có trong lịch sử.

Nhiệm kỳ nào cũng mất đoàn kết, cũng đại hội bất thường

VFF được thành lập vào năm 1989, thời điểm chính thức ghi nhận định hướng xã hội hóa của bóng đá nước nhà. Cần chú ý trong 16 năm qua, biết bao thay đổi đã xảy ra, nhưng nhiệm kỳ nào VFF vẫn gặp cùng một vấn đề: chỉ trích, sức ép công luận ngày càng tăng đòi hỏi đại hội bất thường. Lần nào hàng loạt diễn đàn, đóng góp ý kiến cũng mở ra. Đại hội tiến hành rầm rộ trong sự quan tâm lớn của Nhà nước và xã hội, lực lượng ban chấp hành mới hùng hậu bao trùm đủ mọi ngóc ngách cuộc sống sân cỏ. Nhưng rồi cuối cùng mọi chuyện vẫn lặp lại: công luận lên tiếng đòi hỏi đại hội bất thường mới...

Rất đáng ngạc nhiên khi các quan chức điều hành VFF tham quan nước ngoài trao đổi kinh nghiệm nhiều lần, nhưng xem ra họ không thể nào học tập cung cách tổ chức như nước ngoài. Gần đây nhất, khi ông phó chủ tịch chuyên môn từ chức, lập tức có ngay ý kiến từ quan chức khác khẳng định chẳng vội gì tìm người thay thế! Thật khó hiểu cho cách hành xử nửa vời của VFF: Nếu thực sự cần ông phó chủ tịch chuyên môn thì chắc chắn phải đưa ra được phương án thay thế, nếu không thực sự cần thì việc gì phải bầu chọn chức vụ này?

Xem ra bất chấp sự mong đợi của xã hội về những kỳ đại hội VFF phải được chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng, rà soát mọi vấn đề, nhưng tính trì trệ và căn bệnh hình thức của VFF vẫn thể hiện ngay ở sự kiện tầm quan trọng đặc biệt về mặt tổ chức. Cộng thêm tình trạng loạn sứ quân, nhiều cá nhân lộng hành trong ban chấp hành cùng lúc những gương mặt tâm huyết khác lại bị thờ ơ gạt ra, có thể hình dung được tại sao VFF bất lực trong công việc đòi hỏi tính đoàn kết và trí tuệ rất cao: Bảo đảm bầu không khí trong lành để bóng đá nước nhà phát triển.

Hai ủy viên thường vụ phá giải

Cách đây 10 năm, từng có sự kiện hai ông ủy viên thường vụ tẩy chay vòng chung kết ngược giải vô địch quốc gia 1995 tại Đà Nẵng. Giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà suýt nữa đổ vỡ nếu ban tổ chức không mưu mẹo thuyết phục các cơ quan cấp chủ quản cao hơn can thiệp. Điều kỳ lạ là một trong hai ủy viên thường vụ khóa II lại được bầu làm phó chủ tịch ở nhiệm kỳ III. 10 năm sau, câu chuyện chuyển qua màu sắc khác: Một quan chức khác bị nghi ngờ hậu thuẫn cầu thủ đặt vấn đề tiền thưởng cao hơn danh dự màu cờ sắc áo quốc gia, hai phó chủ tịch đấu khẩu tố cáo nhau trên nhiều phương tiện công luận, quan chức khác trực tiếp đi mua chuộc cầu thủ đối phương!

Tại sao nhiều quan chức cương quyết không bỏ qua bất kỳ sự kiện nào liên quan đến cá – nhân – kình – địch khác trong ban chấp hành, cũng như ngày càng mánh lới trong việc bảo vệ quyền lợi cá nhân trong khi họ lại bỏ qua hàng loạt sự kiện rõ rệt khác về tình trạng đạo đức xuống cấp, vi phạm kỷ luật dẫn đến vi phạm pháp luật của cầu thủ, trọng tài, HLV... của bóng đá nước nhà? Hỏi tức là trả lời. Theo định luật bảo toàn năng lượng, năng lượng tập trung vào công việc này sẽ dẫn đến lơi lỏng ở hoạt động khác!

Đương nhiên, những điều tra tiếp diễn sẽ có thể chỉ ra tiếp các trách nhiệm cá nhân của vài quan chức VFF. Nhưng để cho bóng đá VN tuột dốc đến tình trạng hôm nay, đặc biệt trên mặt trận chống tiêu cực, phần trách nhiệm lớn trước người hâm mộ sẽ phải thuộc về toàn bộ tập thể VFF!

Lê Nhi

Kỳ tới: Nên bắt đầu lại từ đâu