Chăm chút cho "vua"
Các Website khác - 05/05/2006
Chăm chút cho "vua"

Nguyễn Nguyên

Những ông "vua" trẻ của thế hệ mới đang được chăm chút sau cú sốc trọng tài tiêu cực.

Điều ấy rất tốt trong việc nhìn nhận, đánh giá và phát triển trong đội ngũ trọng tài vốn lâu nay ít được trân trọng qua cái nhìn của xã hội về nghề nghiệp của "vua". Tuy nhiên song song với việc quan tâm đến "vua" cũng cần phải quan tâm đến đội ngũ phát triển "vua" qua năng lực thực tế và qua cái cách đánh giá, nhìn nhận. Nỗi ám ảnh nơi các ông "vua" trẻ về việc không để cấp trên "phật ý" nhiều nguy cơ biến sân chơi của các trọng tài thành cái sân để chiều những nhà tổ chức và chiều những người có quyền sinh quyền sát hơn là cứ luật mà làm và cứ đúng thì không sợ ai cả.

Một số trọng tài trẻ cho biết họ đang chịu áp lực lớn không phải từ đội bóng mà từ những người làm công tác điều hành lúc nào cũng lấy cái quyền uy ra áp đặt. Giống như thể chuyện họ được cho đi làm trọng tài đã là ân huệ và chuyện được làm nhiệm vụ là "công" của những người lớn.

Đã thực tình có ý chăm chút cho "vua" thì nên chăm sóc bằng cái tình và bằng chuyên môn thực để "vua" ngộ ra mà phát triển hơn là để các "vua" cứ sợ cái đâu đâu ngoài sân cỏ từ những người cầm kính hiển vi "soi".

Lại cũng không có nghĩa chăm cho "vua" là che hết những phần xấu, phần tội của "vua" bằng những cái thông báo vô thưởng vô phạt làm mất niềm tin của "thượng đế".

Tiếng còi vàng chỉ có ý nghĩa khi bảng chấm công cho "vua" thực sự được những người có cái tâm đàng hoàng.

Giới trọng tài đồn nhau rằng có người sẵn sàng dùng "vàng" để mua để tất cả trong đó có cả mua cái gọi là chữ "tâm" bằng vỏ bọc.

Hãy để những ông "vua" trẻ nhẹ nhàng trong tinh thần mà vươn đến tiếng còi vàng thay vì có suy nghĩ phải "đen" mới có vàng.