Chú lùn trong vóc dáng người khổng lồ Anh Ngọc Mọi chuyện cuối cùng cũng xong. 3 đội tuyển (ĐT) hàng đầu châu lục Pháp, Anh, Italia cũng cập bến nước Đức sau vô vàn sóng gió ở vòng loại World Cup 2006 trước những đối thủ tưởng như dễ ăn tươi nuốt sống ở thời hoàng kim chưa xa của họ. Còn Đức? Đó thậm chí không phải là một ĐT vì nó thiếu ổn định vô cùng. 4 đại diện mạnh nhất của trường phái Châu Âu từng sở hữu 8/17 chức VĐTG đang khủng hoảng về mọi mặt.
Khốn khổ cho những người khổng lồ của bóng đá Châu Âu, bởi kể từ sau France 98 mà Pháp đã chinh phục một cách ngoạn mục nhất, tất cả đã sụp đổ tại World Cup 2002. Chưa một năm trước World Cup nào, các đại gia Châu Âu yếu kém và bộc lộ nhiều vấn đề như hiện tại. Trong khi các CĐV quay lưng lại, ĐT Anh và Italia phải hạ giá vé để lôi kéo những khán giả đang chạy trốn trước sự nhàm chán và mất giá thê thảm của ĐT, thì có đến 5 vạn người hâm mộ chen chúc nhau đến bẹp ruột để dõi theo một buổi tập của ĐT Brazil trước một trận đấu vô nghĩa với Venezuela! Sự bất ổn của các ĐTQG Châu Âu mạnh nhất là hậu quả không thể tránh khỏi của chính quá trình toàn cầu hoá và thương mại hoá bóng đá quá mức trong khoảng 5-6 năm qua. Biên giới của các nền bóng đá hầu như không còn nữa. Sự phân hoá giàu nghèo trong bóng đá CLB ngày một lớn, sự phát triển quá mức theo dạng bong bóng xàphòng của Champions League với thứ bóng đá vì truyền hình chỉ là thứ công cụ kiếm tiền, đã làm hỏng bóng đá Châu Âu. Trong khi chỉ có các CLB giàu có được lợi, thì các ĐTQG mất dần bản sắc. ĐT Anh đã chơi một thứ bóng đá thực dụng đến khó chịu dù lúc nào cũng ầm ỹ một cách khó hiểu, nhưng sai lầm lớn nhất của họ là đã trao băng đội trưởng và cả cái trái tim mình cho Beckham. Italia thậm chí còn không biết phòng ngự, đặc sản của họ, vì không tìm đâu ra những hậu vệ giỏi khi Serie A tràn ngập những chuyên gia phòng ngự nước ngoài. Sự ngán ngẩm của công chúng đã lên đến tột đỉnh: lượng khán giả xem các trận đấu của Italia còn thấp hơn cả lượng người xem một chương trình tạp kỹ rẻ tiền hổ lốn giữa sex, bạo lực và phiêu lưu, điều chưa bao giờ xảy ra trước kia. Pháp lại sống quá lâu trên hào quang chiến thắng để đến lúc chìm trong nguy khốn lại phải cầu xin thế hệ vàng son đã dứt áo ra đi. Khi niềm hy vọng được đặt lên vai của một tiền vệ đã 33 tuổi và qua đỉnh cao từ lâu (Zidane), thì rõ ràng là kể từ sau thắng lợi ở EURO 2000, Pháp đã đi vào ngõ cụt mà thất bại ở World Cup 2002 và EURO 2004 là bằng chứng. Còn Đức, 3 lần là ông vua của bóng đá thế giới? ĐT của nước chủ nhà World Cup 2006 chỉ gây nên những thất vọng. Khi họ vào đến tận trận CK World Cup 4 năm trước, họ đã tạo ra ảo tưởng về một sự hồi sinh. Bây giờ, khi World Cup chỉ còn một năm nữa, HLV Klinsmann vẫn loay hoay với đám học trò trẻ măng. Tất cả các ĐT ấy đã mất phương hướng từ rất nhiều năm qua và đều ít nhiều sai lầm trong cách định hướng và chọn người. Pháp đã cố bấu víu vào thế hệ 1998, và quá chậm cải tổ; Italia luôn có những HLV kỳ cục và vô cùng bảo thủ; Anh trở thành con tin của Eriksson - và Đức có quá nhiều người to mồm nhưng lại thiếu một HLV có cá tính. Không nghi ngờ gì nữa, các quyền lực bóng đá Châu Âu đã hoàn toàn lép vế trước Brazil. Khi tính truyền thống, liên tục và sự thức thời nhường chỗ cho sự bế tắc, một mùa hè sôi động nữa sắp đến không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho những người khổng lồ Châu Âu nay đã thành những chàng tý hon. Cái dớp đội châu lục nào sẽ đoạt chức VĐTG trên đất châu ấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa khi nó bị phá vỡ lần đầu tiên sau 48 năm. Năm 1958, trên đất Thuỵ Điển, Brazil của Pele, Didi và Vava đã trở thành ĐT đầu tiên VĐ ngoài châu lục của mình ((không tính đến World Cup 2002 tổ chức ở Hàn - Nhật là nơi "trung tính"). Năm 2006, sẽ là Brazil của một thế hệ với với Ronaldinho, Kaka và Robinho VĐ trên đất Đức. Vĩnh biệt Châu Âu. Chào Brazil! |
▪ Xin dừng cuộc chơi (15/10/2005)
▪ Các trận play-off tranh vé dự World Cup 2006: "Vua vòng loại" sống sót? (15/10/2005)
▪ Tiền đạo Henry sẽ được hưởng lương cao nhất tại Arsenal (15/10/2005)
▪ Khi "sao" mệt (15/10/2005)
▪ Ngáng đường "ông lớn"? (15/10/2005)
▪ Tiếc... (15/10/2005)
▪ Thuỳ Dung - Việt Hà vô địch nội dung đôi nữ Giải VĐQG quần vợt 2005 - Cúp Lavie (15/10/2005)
▪ SEA Games 23: Malaysia chống lãng phí (15/10/2005)
▪ Phải chấp nhận tiêu kiểu... con nhà nghèo (14/10/2005)
▪ Cầm máu! (14/10/2005)