Đấu trường và chính trường Trước toà nhà Quốc hội Đức và cách Phủ Thủ tướng không xa, với sự tài trợ của Tập đoàn Adidas, mô hình SVĐ Thế vận hội Berlin sức chứa 10.000 chỗ ngồi được dựng lên, với màn hình rộng truyền các trận đấu World Cup, nhằm tạo cho khán giả không có vé vào xem, nhưng lại có cảm giác hệt như đang ngồi trên khán đài. Nhưng đó cũng đồng thời cho thấy khoảng cách giữa thể thao và chính trị, giữa đấu trường và chính trường là không xa. Bóng đá bị chính trị hoá diễn ra từ lâu rồi. Các câu chúc: "World Cup thành công" và Đội Đức vô địch dường như không thể thiếu ở cuối các nghi thức lễ tân chính thức. Nghe xã giao mà đắc dụng. Bất cứ chuyện gì xảy ra liên quan đến World Cup đều là cơ hội để các chính trị gia và quan chức thể hiện quan điểm riêng trước dư luận, chứng tỏ độ mẫn cảm chính trị. Mà không chỉ riêng với nước Đức. Hôm qua, tại Đại hội hợp nhất Uỷ ban Thế vận hội Đức với LĐ Thể thao Đức thành Liên đoàn Thể thao Thế vận hội Đức với sự tham dự của Thủ tướng Angela Merkel, các vị đại biểu đã trao đổi về chủ đề: "Bóng đá và sự hoà nhập vào xã hội Đức". Thời sự quá đi chứ vì sự hoà nhập của người nước ngoài vào xã hội Đức đang là vấn đề gây tranh cãi sâu rộng. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, không ít giải pháp được đề cập. Giờ có thêm vai trò của bóng đá. Ai bảo thể thao không phải là tác nhân chính trị? Đội tuyển Iran có lẽ gây đau đầu nhất cho nước Đức do quan hệ chính trị hiện tại giữa Iran và các nước phương Tây. Một số chính trị gia ở Đức đã thẳng thừng đòi Chính phủ Đức không cho Tổng thống Iran nhập cảnh vào Đức khi chưa biết liệu tổng thống Iran có ý định sang Đức hay không. Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức phải khẳng định là tổng thống Iran có thể đến Đức như nguyên thủ quốc gia của tất cả các đội tuyển khác... Rồi đến đội tuyển Serbia - Montenegro. Hợp bang này đã tan rã sau cuộc trưng cầu dân ý mới đây ở Montenegro, nhưng đội tuyển vẫn thi đấu chung. Rồi đến Trinidad & Tobago, việc lựa chọn cầu thủ phải tính đến tương quan về mọi phương diện giữa Tobago và Trinidad chứ không chỉ thuần tuý về khả năng chuyên môn của cầu thủ. Cả 12 SVĐ đã được bàn giao cho FIFA. FIFA thuê lại những sân này và giữ toàn quyền quản lý, kinh doanh sân cũng như khu vực xung quanh... World Cup là FIFA World Cup, chứ không phải World Cup Germany 2006. Vỹ Lăng (từ Berlin) |
▪ Tin thể thao 30.5.2006 (30/05/2006)
▪ Giải Bóng đá nữ quốc tế tứ hùng 2006: Tuyển chủ nhà Việt Nam có trận thắng đầu tiên (30/05/2006)
▪ Tin thể thao ngày 29.5.2006 (29/05/2006)
▪ Câu chuyện thể thao: Cắm trại... (30/05/2006)
▪ Chỉ còn 10 ngày nữa khai mạc World Cup: Chỉ có 3 đội đủ sức cản Brazil (30/05/2006)
▪ Chuyển động cùng World Cup (29/05/2006)
▪ Nguyên tắc... (29/05/2006)
▪ Nước Đức trước giờ G ngày D: Vừa mừng... vừa run (29/05/2006)
▪ Loạt trận giao hữu cuối tuần: Người Đức lạc quan (29/05/2006)
▪ "Thượng phương bảo kiếm" (27/05/2006)