Việc đánh mất thế trận được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự sa sút của M.U trong thời gian gần đây. >> Sir Alex đau đầu với hàng công Trong cả hai trận đấu rất quan trọng với Liverpool và Chelsea ở Premier League, M.U đều rơi vào một kịch bản gần giống nhau: khởi đầu tốt, dẫn bàn trước nhưng sau đó đánh mất thế trận để cho đối phương mặc tình thao túng và kết quả là họ phải đón nhận thất bại hoặc không bảo vệ được chiến thắng. Tuy kết quả có khác nhau nhưng thật ra vẫn có một điểm chung: M.U không còn khả năng kết liễu đối thủ. Liệu có phải việc ghi bàn trước đã hại “Quỷ đỏ”? Có thể lắm, vì điều đó sẽ khiến họ tự động giảm đi nhịp độ của trận đấu và nguy hiểm hơn là nó lại kích thích lòng tự hào đã tổn thương của đối thủ. M.U giảm nhịp độ của trận đấu với ý đồ siết chặt lại thế trận nhưng vô tình họ đã đánh mất thế trận. Trong cả hai hiệp 2 của trận gặp Liverpool và Chelsea, thế trận chỉ diễn ra một chiều: đối thủ ra sức công phá còn “Quỷ đỏ” chỉ biết chống đỡ một cách bị động.
Mà một khi cứ để cho đối thủ “đắp đất công thành” thì đến một lúc nào đó thành sẽ vỡ, như một điều tất yếu. Ở trận gặp Liverpool, M.U cầm cự được cho đến phút 77 rồi thất bại. Ở trận gặp Chelsea, thời gian kéo dài hơn 3 phút trước khi M.U tiếc nuối vì để mất cơ hội trở thành đội bóng đầu tiên ở Premier League san bằng Stamford Bridge kể từ ngày 21/2/2004. Không còn hình ảnh một “Quỷ đỏ” kiêu hùng mà thay vào đó là sự bạc nhược của kẻ “chiếu dưới”. Nguyên nhân là do M.U chủ động lùi đội hình về quá sâu mà những đợt phản công lại thường chỉ diễn ra đơn lẻ, thiếu tính đồng bộ, thiếu sự sắc sảo nên không thể đẩy lui được đội hình của đối phương. Việc HLV Ferguson tung Ronaldo vào thay cho Scholes ở phút 55 không ngoài mục đích xốc lại mặt trận tấn công. Tuy nhiên, điều đó lại cho ra kết quả ngược. Do chưa lấy lại được phong độ đỉnh cao và thường đơn độc trên cánh trái nên các pha đột phá của Ronaldo đều bị hàng thủ của Chelsea chặn đứng một cách dễ dàng. Nguy hiểm hơn là khi Ronaldo tăng tốc thì gần như cả đội hình của M.U đều chuyển động theo, nên lúc anh bị mất bóng chính là thời điểm tốt nhất để cho Chelsea tung ra những đợt phản công chết người. Ở trận này, việc thay người của HLV Ferguson không sai như ở trận gặp Liverpool, tất cả chỉ vì Ronaldo đã không đáp ứng được những yêu cầu về chiến thuật mà ông đề ra. Tóm lại, M.U không còn khả năng đặt đối thủ lên thớt sau khi đã dẫn điểm trước mà ngược lại, chính họ phải nằm lên thớt do không còn cơ hội chống trả. Nhìn Chelsea thi đấu trong hiệp 2, hầu như ai cũng có cảm giác bàn thắng trước sau rồi cũng đến Nhưng may cho M.U khi “The Blues” chỉ tận dụng được có một cơ hội duy nhất để biến thành bàn thắng. Sau 4 trận đấu, M.U chỉ kiếm được vỏn vẹn 5 điểm và phải tạm thời chấp nhận vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng, nơi vốn chỉ dành cho những ứng cử viên của các suất rớt hạng. Tất nhiên, thời gian vẫn còn dài, đủ để cho M.U thực hiện cú lội ngược dòng. Nhưng nếu như “Quỷ đỏ” cứ trưng ra gương mặt như vậy khi đối đầu với những đối thủ lớn thì e rằng Premier League chưa kịp về đến đích mà họ đã phải rời khỏi cuộc đua hướng đến bục đăng quang. Theo Ngân Vân |
▪ Torres ngóng đợi cuộc đối đầu với Aguero (23/09/2008)
▪ "Mourinho đã là gì mà dám so sánh với Chúa" (23/09/2008)
▪ Milan: Sẽ cười được bao lâu? (23/09/2008)
▪ MU thoát án phạt nhờ sự "rộng lượng" của trọng tài (23/09/2008)
▪ MU hẹn ngày trở lại (23/09/2008)
▪ Santos đã gia nhập đội (23/09/2008)
▪ Sir Alex đau đầu với hàng công (23/09/2008)
▪ ĐTVN sẽ thi đấu hai trận với ĐT Singapore (23/09/2008)
▪ Inter thăng hoa, Juve thắng nhẹ nhàng (22/09/2008)
▪ Vòng 3 Liga BBVA: Valencia lên ngôi đầu (22/09/2008)