Ngài thủ tướng của bóng đá tấn công
Các Website khác - 21/08/2005
Ngài thủ tướng của bóng đá tấn công

Anh Ngọc
Hôm chủ nhật tuần trước, 80 ngày sau trận chung kết thất bại ở Istanbul, Berlusconi có mặt trên sân San Siro cho trận Milan -Juve tranh chiếc cúp mang tên bố mình, Luigi Berlusconi, và ông không bỏ lỡ cơ hội này để tuyên bố: "Mua Cassano à? Tại sao không chứ?". Luôn là một cách tuyên bố như thế, một triết lý được khẳng định và nhắc đi nhắc lại trong triều đại 20 năm của ông với Milan: Tấn công, tấn công nhiều hơn nữa. Người ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên: Cassano để chơi cùng với Vieri, Shevchenko, Gilardino, Kaka, Inzaghi? Ngài Thủ tướng Italia mỉm cười: "Sẽ tuyệt vời nếu đó là một đội bóng 7 người...." (6 tiền đạo thuần tuý, 1 thủ môn, chẳng cần hậu vệ để làm gì!).

Khi AC Milan đoạt Cúp Luigi
Berlusconi, Ngài thủ tướng
Berlusconi lại tuyên bố tấn công.

Lại cái giọng ấy, lại cái giọng mà năm rưỡi về trước đã cướp công chiến thắng Scudetto của Ancelotti về mình: "Đấy không phải là chiến thắng của Ancelotti, mà là của tôi. Trong suốt 18 năm qua, tôi là người lập ra đội hình thi đấu cho Milan!". Bạn hãy nghĩ xem, nếu bạn là Ancelotti, người đã đem cho Milan biết bao chiến thắng, bạn có điên lên không nếu nghe Berlusconi khiêu khích: "Ancelotti chỉ là một gã thợ may tồi đã làm hỏng cả miếng vải đẹp!".

Sáu năm trước, khi Zaccheroni làm HLV Milan, ông đã từng nghe những câu nói đó. Ông đã im lặng làm việc để rồi đem về cho Milan một scudetto (1999), để rồi ngay sau đó phát chán vì nghe Berlusconi khẳng định, đó là scudetto đáng chán nhất trong những năm của ông ở Milan. Ancelotti có lý khi nói, ông chủ muốn nói gì cũng được, công việc chính làm HLV là của ông, nhưng ông không mấy khi dám cãi lại Berlusconi một câu.

Tất cả những cầu thủ Milan và những người am hiểu chính trị Italia đều hiểu, mỗi khi Berlusconi tuyên bố, thì thời điểm thường là sau những chiến thắng hùng vĩ của Milan, đã được Berlusconi chọn kỹ lưỡng để đưa ra những nhận xét giật gân. Không ai quên, rằng năm 2004, sau khi Milan thắng Inter 3-2, Berlusconi đã cảnh cáo Ancelotti: "Các HLV của Milan có nghĩa vụ phải hiểu, Milan phải chơi tấn công với 2 tiền đạo. Nếu HLV nào không nghe lời, anh ta sẽ bị đá đít". Đừng để những tuyên bố cướp công chiến thắng ấy lừa mị. Hôm ấy, khi Milan, chơi với 1 tiền đạo Shevchenko, đang bị dẫn 0-2 trong hiệp 1, người ta đã thấy Tomasson khởi động dưới đường pist, chứng tỏ Ancelotti đã nghĩ tới việc đưa anh vào sân ở hiệp 2 từ lâu rồi.

Thế mà, sau trận đấu, Berlusconi lại khẳng định là ông đã ra lệnh cho Ancelotti tăng cường hàng công qua một người trợ lý của mình cũng có mặt trên sân!

Những khi ngài Thủ tướng xuất hiện trên sân San Siro, hẳn phải có một điều gì đó xảy ra. Nhưng điều đã khiến ông có mặt trên sân lại khác với bóng đá. Nếu bạn xem bóng đá Italia, mà bạn không hiểu về chính trị Italia, bạn sẽ không hiểu bản chất của Calcio. Với Berlusconi cũng thế. Những lần có mặt của ông ở sân, những tuyên bố của ông sau đó, không hoàn toàn là do cảm hứng. Berlusconi luôn chọn một thời điểm thích hợp và nhạy cảm để thể hiện vai trò lãnh đạo số một của mình. Tuyên bố năm 2004 đã gây ra một làn sóng phản đối ầm ỹ với Berlusconi vì ông đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Ancelotti. Nhưng những nhà phân tích chính trị đã chỉ ra rằng, lúc ấy, Berlusconi chỉ mượn Milan để một lần nữa rêu rao quan điểm tấn công của mình trong lúc sự nghiệp chính trị của ông đang bị đe doạ và uy tín của ông xuống thấp.

Năm 2005 này, Berlusconi lại nhìn thấy chỉ số về lòng tin của công chúng đi xuống nhiều hơn nữa, cùng với tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Italia. Tháng 4.2005, chính phủ của ông đã đổ sau 4 năm liên tiếp tồn tại và ông phải lập lại chính phủ. 4 tháng sau, liên minh của ông ta lại chia rẽ một lần nữa khi người ta nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Berlusconi. Pier Ferdinando Casini - Chủ tịch Hạ viện Italia, đồng minh của Berlusconi - nay đã quay sang chống lại ông và đe doạ sẽ thay thế Berlusconi làm ứng cử viên của liên minh này trong cuộc tổng tuyển cử 2006. Sóng gió lại nổi lên, giờ thì ngay cả trong nội bộ của ông.

Và thế là, một lần nữa, Berlusconi lại dùng Milan làm công cụ trong một chiêu bài chính trị cũ rích, nhưng rất hiệu nghiệm, vì các cử tri Italia cũng luôn muốn thấy Berlusconi mạnh mẽ đến thế nào. Những tuyên bố chắc nịch về một Milan phải tấn công được đưa ra trước thềm mùa bóng mới, cũng hệt như cách ngài Thủ tướng trang bị cho mình một tư tưởng tấn công dữ dội, khi chuẩn bị bước vào chiến dịch tranh cử mới. Cũng không phải ngẫu nhiên mà mùa bóng này, Milan chỉ tăng cường hàng công. Ông yêu cầu lấy Vieri về từ Inter, mua Gilardino từ Parma là vì ông đã nghĩ trước đến việc một ngày nào đó, bộ đôi ấy sẽ cùng dẫn dắt hàng công của ĐT Italia, một điều kỳ cục vì gần 50 năm qua, có bao giờ Milan đóng góp cho ĐT Italia nhiều tiền đạo đến như thế trong một thời điểm.

Nếu ĐT Italia chiến thắng, Berlusconi hẳn sẽ nói: "Bộ đôi tiền đạo của Milan đã đưa ĐT Italia tiến lên, giống như tôi đang gồng mình lãnh đạo đất nước Italia!". Một sự liên hệ vĩ đại! Nhưng chưa hết đâu, vì ông đã mơ đến Cassano, để tăng cường cho Milan, để tiếp tục tấn công nữa, và nếu lấy được Cassano từ Roma là đã thắng Juventus trong cuộc đua, như ngày xưa ông thắng họ trong vụ Lentini và 3 năm trước là Nesta.

Các CĐV Milan và ĐT Italia, hãy tin rằng, Berlusconi sẽ đưa các bạn đến chiến thắng. Các cử tri Italia có lẽ cũng sẽ nghĩ như vậy, nhưng chỉ sau khi họ thấy cuộc sống của mình khấm khá lên và Milan cùng ĐT Italia đăng quang trong cờ hoa vào mùa hè 2006..