Nghịch lý Chelsea
Các Website khác - 18/09/2005
Nghịch lý Chelsea

Anh Ngọc
Bây giờ, các cầu thủ Chelsea phải
luyện tập cật lực, chỉ với mục đích
chiến thắng.
Khi Mourinho đổ bộ lên đất Anh một năm trước, người ta đã ca ngợi ông lên tận mây xanh. Một chức VĐ Premier League là những gì mà ông đã đền đáp cho những người hâm mộ. Sau chức VĐ, dĩ nhiên, người ta đã chờ đợi một điều gì đó mới mẻ hơn. Nhưng không, Chelsea không thay đổi vì Mourinho không thay đổi. Vẫn lối đá chắc chắn và buồn tẻ ấy, những đường bóng dài lên phía trước cho các tiền đạo, các tiền vệ thi nhau phá lối chơi của đối phương, Chelsea vẫn tiến về phía trước như không hề có trở ngại và những danh hiệu khác lại chờ họ.

Nhưng...các CĐV đã không còn đến sân Stamford Bridge và hình ảnh những khán đài đông nghẹt khán giả như một niềm tự hào của bóng đá Anh không còn nữa. Tại sao? Người hâm mộ đã không còn kiên nhẫn được nữa.

Nếu mỗi đội bóng chiến thắng tạo ra một phong cách, một hiện tượng đáng để ca ngợi và học tập, thì những gì mà Chelsea đã tạo ra quả là đáng lo ngại và gây tác động tiêu cực đối với hình ảnh tấn công, hào hứng và ngây thơ của Premier League. Trong 2 năm qua, Abramovich đã đầu tư cho Chelsea hơn nửa tỉ USD, và người làm công của ông ta - Mourinho - có nhiệm vụ đem về những danh hiệu VĐ, càng nhiều càng tốt, và họ có quyền tạo ra những chiến thắng theo quan điểm của họ, miễn là đạt mục tiêu cuối cùng, mà những chiếc cúp là điều mà chính các CĐV cũng mong đợi.

Chỉ có điều, quan điểm ấy như một thứ thuốc được Mourinho dùng quá liều. Nhưng ông không có sự lựa chọn. Chừng nào Chelsea còn thắng, ông còn tại vị, được tung hô như một vị thánh và hưởng một mức lương cao ngất trời. Bóng đá đâu phải là rạp xiếc. Nó là một ngành công nghiệp, một trò chơi mua vui cho khán giả nhưng là sống chết với nhà đầu tư. Nhưng lạ thay, người Anh đã không hiểu những tư duy thực dụng ấy khi bị đẩy tới ranh giới hiện thực phũ phàng của Mourinho, thứ bóng đá được sinh ra để vơ vét chiến lợi phẩm.

Vậy thì người Anh, trong một cuộc sống không thể dung hoà giữa lãng mạn và hiện thực, tại sao lại chỉ trích và chán ngấy thứ tư duy thực dụng cần thiết mà chính ĐT của họ cũng cần phải thực hiện để đến World Cup? Tại sao lại không học một chút nào cái bài học tận dụng mọi cơ hội của một thứ bóng đá càng ngày càng trở nên phổ biến này? Chelsea không đi theo ĐT Brazil, vì cái ĐT ấy không phải tuần nào cũng ra sân; càng không thể theo triết lý "đầu tiên là cống hiến, sau đó là sụp đổ" của Real Madrid. Chelsea và Mourinho tự xác lập cho mình một trật tự thế giới mới mà mọi giá trị đều đảo lộn: họ phá giá tất cả những vụ chuyển nhượng, họ đầy ải cả những cầu thủ có giá trên trời lên ghế dự bị, họ xoá bỏ những quan niệm về tính truyền thống...

Chiến thắng luôn có giá của nó. Arsenal, M.U và tất cả các đội còn lại ở Premier League không thể theo được cuộc đua của Abramovich và cũng không thể áp dụng nổi triết lý thắng lợi bằng mọi giá của ông ta. Nửa tỉ USD không chỉ cho một chiếc cúp và mặc kệ ai nghĩ gì, Chelsea sẽ đoạt thêm nhiều danh hiệu nữa, bất kể các khán đài có trống vắng đi vì sự bóc lột tận xương tuỷ các CĐV của họ ở một giá vé cắt cổ, mặc kệ hình ảnh CLB có hoen ố vì chỉ có chiến thắng mới giúp Abramovich đạt được các mục tiêu chính trị. Đó cũng là thể hiện mẫu mực của một hình thức thực dân mới trong đường lối chính trị nước lớn thời khủng bố, một thứ chính trị không thèm đếm xỉa đến thiên hạ, được thực hiện bằng sức mạnh của tiền bạc và quân sự đang tồn tại sau Chiến tranh lạnh. Cũng giống như nước Mỹ thống trị thế giới một cực, Chelsea muốn là siêu cường duy nhất của bóng đá Anh và sau đó trên toàn cõi Châu Âu

Giờ đây, những ai đã chỉ trích bóng đá Italia, hay cái cách mà ĐT Hy Lạp giành chức VĐ EURO 2004 cần phải xem lại mình, vì dù muốn hay không, thì Serie A ở Việt Nam cũng ít được ưa chuộng còn ĐT Hy Lạp thì chỉ chơi như thế trong đúng một tháng diễn ra EURO, còn họ phải chứng kiến Chelsea hàng tuần trong cả một mùa bóng, nhiều mùa bóng như thế...

Ở Việt Nam thì sao: Các đội bóng chiến đấu để làm gì, nếu không vì khán giả thì vì ai, vì cái gì? 30 năm bóng đá sau giải phóng, vẫn chỉ là một thứ bóng đá cục bộ địa phương, mà quá khứ tồn tại trong trí nhớ của những người già và những kẻ hoài niệm, mà lớp trẻ không còn hứng thú vì cũng đâu có thiếu tiêu cực, và vì sự thiếu chuyên nghiệp của những người làm bóng đá, để đến mức không ai biết được một danh thủ nào đó đã bao nhiêu lần khoác áo ĐTVN. Trong khi Chelsea xoá bỏ những mối liên hệ với quá khứ từ việc hy sinh thứ bóng đá đẹp để đổi lấy chiến thắng một cách sạch sẽ (hoặc gần như thế), thì ở Việt Nam, người ta hy sinh đến cả nguồn gốc của mình bằng cách đổi vô tội vạ tên CLB để chiều lòng các nhà tài trợ.

Ở V-League tồn tại một thứ bóng đá gọi là chuyên nghiệp, nhưng chuyên nghiệp ở đâu nếu một ông HLV trong trận đấu với đội bóng cũ lại không dám ngồi trên ghế HLV mà lại bay lên tận khán đài vì "tế nhị"? Không ở đâu trên thế giới, những dòng thông tin cá độ dày đặc trên khắp các trang báo thể thao, trong khi cũng chính họ và cả xã hội kêu gọi chống tiêu cực. Một tờ báo của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam thậm chí có thể đưa ra những dự đoán về tất cả các trận đấu sẽ diễn ra ở V-League, trong khi chính cái LĐBĐ ấy luôn luôn hô hào rằng họ chống tiêu cực, cụ thể là chống dàn xếp tỉ số trận đấu, đến cùng. Nếu giả dụ, các tay cá độ đổ hết tiền vào theo đúng dự đoán của tờ báo, điều kỳ quặc nào sẽ xảy ra? Có thể coi đó là một hình thức tiêu cực gián tiếp không?