Nhìn lại thể thao Việt Nam trong năm qua
Các Website khác - 06/01/2009
   
 

Thể thao Việt Nam vừa trải qua một năm thực sự bận rộn với những sự kiện dồn dập mang tới những niềm vui xen lẫn nỗi buồn, trăn trở.

Đầu tiên chúng tôi xin đề cập tới những thành tích mà nền thể thao Việt Nam đã gặt hái được trong năm 2008.

Tuyển Việt Nam lên ngôi số 1 Đông Nam Á. Đó chắc chắn là sự kiện nổi bật nhất của bóng đá Việt Nam. Chúng ta lần đầu tiên giành được chiếc cúp vô địch AFF – danh hiệu quốc tế chính thức đầu tiên sau hàng chục năm chờ đợi. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đánh bại được Thái Lan trong một trận chung kết.

TTVN đã trải qua một năm 2008 buồn vui lẫn lộn



Nhắc tới thành công của tuyển Việt Nam không thể bỏ qua “thày phù thủy” Calisto. Ông đã “biến” những cầu thủ Việt Nam vốn nhút nhát, yếu bóng vía trước người Thái trở thành những chiến binh thực thụ, luôn thi đấu với 120% thể lực và trí lực. Mỗi trận đấu tại AFF Cup là một bài học cho Việt Nam rút ra được kinh nghiệm để cuối cùng tiến tới đỉnh vinh quang.

Ngoài chiến tích của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008, một thành công khác của VFF trong năm nay chính là việc mời và tổ chức tốt đẹp trận giao hữu giữa Olympic Brazil và tuyển Việt Nam.

Cho dù kết quả trận đấu lẽ tất nhiên nghiêng về đại diện của bóng đá Nam Mỹ vốn hơn hẳn Việt Nam về đẳng cấp, trình độ cùng kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao nhưng điều quan trọng là các cầu thủ Việt Nam được cọ xát với các cầu thủ tầm cỡ, được học hỏi lối chơi, tính chuyên nghiệp của đội bóng.

Trận giao hữu giữa Olympic Brazil với Việt Nam thu hút rất nhiều sự chú ý của báo chí nước ngoài. Đó là kênh quảng bá đất nước Việt Nam cũng như nền thể thao Việt Nam tới bạn bè quốc tế một cách hiệu quả nhất.

Về khía cạnh tài chính, VFF cũng “trúng đậm” khi toàn bộ số vé dự kiến đã được bán hết veo trước thời điểm diễn ra trận đấu nhiều ngày.

Cũng trong năm 2008, Thể thao Việt Nam còn thu được “chiến lợi phẩm” quan trọng là chiếc huy chương Bạc của VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh. Đó mới chỉ là tấm huy chương thứ hai Việt Nam có được tại các kỳ thế vận hội.

Với tầm quan trọng như vậy không khó hiểu khi Hoàng Anh Tuấn vượt qua các đại diện của môn bóng đá như Công Vinh, Hồng Sơn hay Vũ Phong để đoạt danh hiệu VĐV tiêu biểu toàn quốc hôm 30/12 vừa qua.

Ảnh minh họa

Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh. Ảnh JAMD



Vui mừng bao nhiêu về thành tích của Anh Tuấn thì không ít người phải ngán ngẩm khi chứng kiến “búp bê” Ngân Thương “dính” doping tại Olympic Bắc Kinh. Dù đó là lỗi vô tình sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm cân mà không hề biết trong thuốc có chất bị cấm như lời của Ngân Thương thì đó cũng là một “vết đen” trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic của đoàn Việt Nam từ trước tới nay.

Ở một chừng mực nào đó, vụ doping của Ngân Thương đã khiến đoàn Việt Nam bối rối và khá “mất mặt” trước những các đoàn tham dự Olympic. Về phía đoàn thể dục dụng cụ, đó là một bài học đắt giá để các HLV, chuyên gia phải chú trọng nhiều hơn tới việc tư vấn và cảnh tỉnh các học trò về các chất bị cấm theo danh mục của IOC trước mỗi cuộc đấu lớn.

Một trường hợp đáng tiếc khác là tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Tiến Minh. Dẫu biết để đạt được huy chương tại Olympic là rất khó nhưng chẳng ai ngờ VĐV này lại thua trận dễ dàng đến vậy trước tay vợt Hsieh Yu Hsing kém anh đến 25 bậc và còn là “bại tướng” dưới chính tay của Tiến Minh chưa lâu.

Sau Olympic Bắc Kinh nhiều người đã tự hỏi phải chăng sự kỳ vọng vào Tiến Minh quá lớn đã khiến VĐV kỳ cựu này “ngợp” và không có được sự tự tin thường ngày. Điều đó cũng đúng vì ngoài Tiến Minh ra chưa có một VĐV cầu lông nào của Việt Nam trong nhiều năm qua đạt tới tầm cỡ thế giới như anh.

Về lâu dài, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cần tìm lớp kế cận thay thế Tiến Minh nhưng xem ra cũng không dễ khi khoảng cách giữa Tiến Minh và các VĐV khác là quá lớn. Thậm chí trong không ít cuộc thi trong nước, đối thủ thấy phải thi đấu với Tiến Minh đã tự xin thua trước khi trận đấu diễn ra!

Có lẽ Cầu lông Việt Nam sẽ còn phải cố gắng tập trung đào tạo nhiều hơn nữa để tránh tình trạng “Tre đã già” nhưng “măng chưa mọc” như hiện nay.

Trong năm 2008 cũng không thể không nhắc tới vấn đề an ninh và văn hóa ứng xử của các CĐV. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên những hình ảnh hàng trăm CĐV của Hải Phòng và SLNA đã đuổi đánh nhau trên khắp khán đài và sân vận động Vinh ở vòng 18 V-League. Đó chắc chắn là một ngày đen tối trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Đáng trách là dù được cảnh báo về độ “nóng” của trận đấu này nhưng BTC sân Vinh không có sự chuẩn bị chu đáo về công tác an ninh dẫn tới việc trở tay không kịp khi bạo loạn bùng phát.

Kết thúc màn “đấu võ” hậu quả thật bi thảm: hàng chục CĐV (đa phần là CĐV Hải Phòng) đã phải nhập viện, số khác ngất tại chỗ và vô số thương vong nhỏ lẻ khác.

CĐV Hải Phòng thì bị “giam lỏng” trên sân tới 20h tối mới có thể rời sân Vinh dưới sự bảo vệ của lực lượng an ninh. Thảm họa chưa dừng lại ở đó. Trên đường trở về nhà, xe chờ CĐV Hải Phòng tiếp tục bị các hooligan đội chủ nhà rượt đuổi. Hoảng loạn, lái xe đã bỏ chạy và gây ra tai nạn dẫn tới cái chết cho một CĐV SLNA.

Đó thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những CĐV quá khích, BTC giải V- League, BTC sân Vinh trước những trận cầu, sự kiện thể thao quan trọng sau này.

Theo VietBao