Nỗi buồn bóng đá Châu Âu
Các Website khác - 12/03/2006
Nỗi buồn bóng đá Châu Âu

Trương Anh Ngọc
Khi các giải VĐQG Châu Âu ngày càng trở nên chênh lệch hơn, sức hấp dẫn càng trở nên ít hơn, sự kịch tính chỉ quẩn quanh trong những trận đấu giữa các đội hàng đầu và chỉ có truyền hình là đánh lừa tất cả, thì rõ ràng, bóng đá đã đi vào ngõ cụt.

Juventus (phải) bỏ xa các đối thủ
ở Serie A.
Chẳng còn gì đáng xem?

Giải VĐQG Italia là nơi cung cấp những con số rõ rệt nhất để lấy làm ví dụ tiêu biểu cho một thứ bóng đá không còn hấp dẫn và thơ ngây như thuở ban đầu. Đội ĐKVĐ Juventus đang dẫn đầu bảng sau 28 vòng đấu, số điểm chưa bao giờ có trong suốt lịch sử gần 80 năm của Serie A. Với số điểm ấy, một CLB hoàn toàn có thể đăng quang ngôi vô địch lần thứ 7 trong 11 mùa bóng gần nhất, tuy hiện tại Serie A vẫn còn 10 vòng đấu nữa mới kết thúc!

Mùa bóng này, chưa bao giờ trong lịch sử, người ta thấy có nhiều CLB thắng liên tục nhiều trận đến như thế. Juve đã thắng 9 trận liên tiếp từ đầu mùa, Milan cũng đã có giai đoạn thắng liền tù tì 8 trận (hiện giờ, họ lại đang trong giai đoạn thắng 5 trận liên tiếp), Inter cũng có chuỗi 6 trận toàn thắng. Nhưng tất cả đều ngả mũ trước AS Roma, đội thắng 11 trận liền, phá kỷ lục 10 trận thắng liên tiếp đã đứng vững suốt 42 năm qua của Bologna. Thế nhưng, thành tích bất hủ kéo dài 3 tháng ấy chỉ giúp Roma leo được đến vị trí thứ 4, vì trong lúc ấy, các đại gia cũng thắng liên tục. Chưa hết. Fiorentina hiện tại đứng thứ 4 với 56 điểm. Với số điểm ấy, vào năm 1999, năm mà chức vô địch Italia chỉ được quyết định ở trận cuối cùng, Fiorentina đã đứng thứ 3 và được dự Champions League. Thế mà, Serie A đã từng được coi là giải VĐQG kịch tính nhất thế giới!

Cũng trong mùa bóng này, các đội đầu bảng cũng ngày càng cách xa các đội cuối bảng với một số điểm kỷ lục ở tất cả các giải VĐQG Châu Âu. Juve hơn CLB đội sổ Treviso 58 điểm (19 trận thắng!), Chelsea thậm chí hơn Sunderland 62 điểm, Lyon hơn Ajaccio 41 điểm trong khi Barcelona hơn Malaga 40 điểm, bằng số điểm Bayern hơn Cologne. Cách biệt đó thậm chí còn lớn hơn cả thời bóng đá mới được phục hồi ở các nước Châu Âu sau Thế chiến II. Chưa hết, ở các giải đó, các trận thắng liên tục nhiều không kể hết. Barcelona và Bayern thắng liền 14 trận, Real Madrid 10. Khoảng cách với các đội nhì bảng cũng cực lớn: Chelsea, Juve và Barca hơn M.U, Milan và Real 10 điểm, Lyon hơn Bordeaux 9 điểm, Bayern hơn Werder 8 điểm. Tất cả các chức VĐ ở 5 giải VĐQG hàng đầu Châu Âu đều có chủ trước khi mùa bóng kết thúc 3 tháng. Chẳng còn gì đáng xem nữa.

Luẩn quẩn của bóng đá thương mại hoá
Sự suy thoái chất lượng lan sang cả Cúp châu Âu. Mùa này, ở tứ kết Champions League, cả 8 đội có mặt đều từ 5 giải VĐQG hàng đầu Châu Âu (Italia, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp). Không có một đội bóng nhỏ nào của một nền bóng đá yếu kém hơn có mặt. Kể từ năm 1999 đến nay, khi Champions League mở rộng ra 32 đội, chỉ có các đại diện từ 9 nước Châu Âu lọt vào tứ kết giải này. Các đội bóng của Tây Ban Nha chiếm số lượng đông nhất với 16/56 lượt đội (29%), Anh 13, Italia 10, Đức 5, Pháp 3, Bồ Đào Nha 2, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp chỉ có 1 đội (các năm 2001 và 2002).

Đó là một con số thống kê cho thấy ngay cả ở các Cúp Châu Âu, người ta cũng đã giết chết sự bất ngờ, một đặc tính quan trọng của bóng đá. Trước khi Champions League mở rộng theo thể thức mới, ở tứ kết cúp này, Thụy Điển và Croatia đã từng có đại diện vào năm 1995, Nga và Ba Lan năm 1996, Na Uy năm 1997 và Ukraina năm 1999. Thời kỳ gây ra những bất ngờ lớn của những đội bóng bị coi là ngoài rìa như Dynamo Kiev hay Rosenborg, đặc biệt là các đội bóng đến từ Trung và Đông Âu. Các Cúp Châu Âu do đó đã trở nên phân hoá hơn, trở thành tài sản của một vài CLB giàu có. Điều đó là bất công với sự phát triển của bóng đá nói chung. Nhưng công chúng thích những tên tuổi lớn, các nhà quảng cáo và truyền hình cũng vậy.

Lý do của tất cả những hiện tượng này chẳng có gì bí hiểm hay mập mờ: các CLB giàu càng giàu, các CLB nghèo càng nghèo, trong cuộc chơi tiền bạc và thương mại hoá. Trong các quốc gia, bóng đá giàu tập trung chủ yếu ở thủ đô và các thành phố lớn (Madrid, Barcelona, Munich, Milano, London). Thống kê cho thấy số CLB phá sản năm 2005 cao gấp 11 lần so với năm 1985.

Dĩ nhiên, các CĐV vẫn có thể lạc quan. Trong ba mùa bóng qua, một loạt các đại gia liên tục ngã ngựa ở Champions League, như M.U, Bayern, Real Madrid, tạo ra một vài bất ngờ nho nhỏ. Đó dù sao cũng là điều duy nhất khiến người ta còn chịu khó ngồi lại trước tivi. Mà còn ngồi trước tivi là lại ủng hộ bóng đá nhà giàu vì càng nhiều người xem, các CLB ấy càng lắm tiền.

Một cái vòng luẩn quẩn của bóng đá thương mại hoá.