Thành Vinh - một ngày mưa ảm đạm
Các Website khác - 28/12/2005
Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã:
Kỳ 3: Thành Vinh - một ngày mưa ảm đạm

Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến thành Vinh và CLB P.SLNA - nơi có 3 người từng thành danh, từng là thần tượng ở đó, giờ đều đang trong trại giam: Nguyễn Thành Vinh, Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng. Hôm qua (27.12) - một ngày mưa ảm đạm, rét mướt, chúng tôi tìm đến nhà hai nhân vật ở thành phố Vinh. Câu chuyện về họ, về gia đình họ thật não nề làm sao...

Những niềm vui như thế này của
ông Nguyễn Thành Vinh mãi chỉ còn
là kỷ niệm.

"Tui mong ông Vinh về để làm tròn bổn phận người cha"

Ngôi nhà hai tầng ở số 5 đường Phan Đình Phùng, TP.Vinh của ông Nguyễn Thành Vinh, hướng mặt ra hồ Cửa Nam, đìu hiu dưới làn mưa rây rắc, buốt giá. Cổng và cửa nhà đóng kín, phải gọi mãi, bà Lê Thị Trung - vợ ông Vinh mới bước ra.

Bà kêu rất mệt và buồn do bệnh đau tim tái phát, nhất là từ ngày ông Vinh bị Cơ quan điều tra tạm giam. Đôi mắt mệt mỏi, thâm quầng của bà ngân ngấn nước: "Ngày ông Vinh nhà tui từ Sài Gòn về Vinh, vừa đưa tang em gái xong thì được gọi ra Hà Nội và bị bắt giam. Từ đó đến nay đã gần hai tháng trôi qua, tui không được phép gặp mặt, thăm nuôi cũng như trao đổi tin tức với chồng".

Nói rồi, bà Trung nghẹn ngào: "Thằng con trai thứ hai năm nay 32 tuổi muốn cưới vợ, nhưng lại vắng mặt cha. Tui chỉ mong anh về để bày dạy lo lắng công việc gia đình cho con. Tui sống với anh Vinh đã 35 năm nay, chỉ một mình tui ở nhà nuôi 3 đứa con. Mẹ anh chỉ sinh được mỗi mình anh. Năm 18 tuổi, mê bóng đá, dù cha mẹ can ngăn không cho anh ra Thái Nguyên tham gia đội bóng, nhưng anh vẫn trốn nhà đi.

Năm 1967, anh trở về tham gia đội bóng của tỉnh, tui nhớ anh mang áo số 7, đá hăng lắm. Cho đến năm 1974, anh đi học Đại học Thể dục Thể thao ở Từ Sơn. Làm được căn nhà 2 tầng này cũng chắp vá đến 8 năm, khi đứa con gái đi tây về cho tiền mới mua được đất, làm xong nhà.

Có lần tui đau phải truyền thuốc, anh cũng phó thác cho bệnh viện. Anh chỉ coi bóng đá là trên hết. Anh không thuốc, rượu, chè hay lê la hàng quán, rỗi rãi chỉ mê đọc sách, tiền lương thưởng, anh đều đưa hết cho tui. Lúc không thấy đưa về tui hỏi, anh nói đã cho anh em khó khăn vay mượn.

Nhiều lần đi thi đấu về, anh đều có quà cho anh em trong đội. Đặc biệt, ông Trần Xuân ở phường Hà Huy Tập năm nay đã gần 100 tuổi, là thầy dạy bóng đá đầu tiên cho anh, anh thường xuyên thăm nom. Hôm mừng thầy thượng thọ, anh là người đứng ra tổ chức".

Gặp một người bạn cùng trang lứa thân thiết với ông Nguyễn Thành Vinh, gắn bó với bóng đá xứ Nghệ từ nhiều năm nay (ông xin giấu tên) cũng nhận xét tương tự rằng, ông Vinh chỉ ham mê bóng đá. Không kể nhiều, nhưng rõ ràng có thể khẳng định phong trào và bóng đá xứ Nghệ nổi danh là nhờ có công đóng góp của ông Vinh.

Chính ông Vinh đã phát hiện tài năng của Văn Sĩ Hùng. Ông cũng nhận xét, ông Vinh là người thẳng thắn, cầu tiến, ham học hỏi, sống có trước có sau. Những việc làm của ông Vinh với bóng đá xứ Nghệ và những đóng góp của ông với bóng đá nước nhà thời gian qua, tất thảy không cần phải nhận xét gì thêm, khi giờ đây ông đã sa vào vòng lao lý. Đó là một kết cục buồn không ai muốn nhắc tới.

Bếp lửa vẫn cháy trong căn nhà nghèo
Ngày cơ quan công an khám xét nhà Quốc Vượng, tôi và nhiều bà con khối phố đứng ngoài nhìn vào căn nhà mái bằng chừng 50m2, đơn sơ, nằm sâu trong hẻm vắng - khối 12, phường Đội Cung, TP.Vinh. Một dây quần áo phơi trước cửa. Cạnh nhà là một khoảng đất được che bằng nylon xen kẽ những tấm lợp phibrôximăng. Giữa khoảng đất là một cái bếp nấu bằng mùn cưa đang đỏ lửa.

Cụ già đứng cạnh luồn tay qua hàng rào, chỉ vào bếp lửa, nói: "Khổ thân ông Quang, bà Hạnh (bố mẹ Vượng) một đời bòn mót từng mớ rau, mớ cám làm nghề nuôi heo. Được đứa con trai (nhà Vượng có hai chị em) nhưng không mấy khi nó làm cho bố mẹ vui lòng".

Dân khối 12, phường Đội Cung gọi khu vực nhà Vượng ở là "xóm nước đen" bởi những người tai tiếng, nay đến lượt Quốc Vượng.

Khác với Quyến quá đam mê tửu sắc, với những chi tiết đời sống biểu hiện cách sống tục, coi thường cả bản thân mình, Vượng lại sa vào cờ bạc đến nỗi phải vay tiền để ngồi chiếu bạc.

Chiều 27.12, quay lại căn nhà đang buồn hiu ấy, tôi lại gặp bà Hạnh đang ngồi nấu cám heo, dáng người ủ rũ bên bếp lửa. Bà nói trong nước mắt: "Mấy hôm nay, hễ nhắc đến Vượng là tôi lại khóc, vì thương nó mới sáng lên như thế mà nay đã ngồi trong nhà giam".

Đôi mắt ông Quang cũng hoe đỏ khi ông kể chuyện mới ra trại giam T16 (ở Hà Tây) gửi chăn bông, áo ấm và 300.000đ cho Vượng tiêu vặt. Ngước nhìn lên căn nhà mái bằng làm chắp nối từ năm 1993 đến nay, ông Quang lặng nói: "Anh trai tôi vốn là cầu thủ bóng đá của Quân khu 4 từ năm 1968. Còn tôi chơi ở vị trí tiền đạo năm 1986, khi SLNA mới thành lập được một năm. Thấy Vượng có năng khiếu bóng đá và đá ngày một tiến bộ, vợ chồng tôi rất mừng. Là người cha, tôi lo Vượng sẽ bị trắng tay nếu không được các cơ quan pháp luật khoan hồng".

Bên bếp lửa nấu cám heo vẫn cháy lên, tôi chợt chạnh lòng khi nghe vợ chồng ông Quang nói: "Chúng tôi một đời làm lụng, sống nghèo khó. Nay thêm chuyện về con, cuộc sống chắc sẽ khó khăn hơn nhiều. Nhưng không có cách gì khác là vẫn bám vào nghề nuôi heo. Chắc bây giờ ở trong trại tạm giam, Vượng cũng đang nghĩ về thực tế này".

HLV Nguyễn Thành Vinh: 46 năm gắn bó với bóng đá - từ cương vị cầu thủ sang đến huấn luyện viên - Nguyễn Thành Vinh từng được xem là một trong những người sáng giá nhất trong hàng ngũ HLV của bóng đá Việt Nam.

Sự nghiệp HLV Nguyễn Thành Vinh gắn liền với chiếc cúp vô địch quốc gia năm 2001 của Sông Lam Nghệ An và nhiều năm tham gia trong hàng ngũ Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam. ASIAD 2003 tại Busan (Hàn Quốc), ông Vinh được tin tưởng giao nhiệm vụ HLV trưởng và đã tạo nên những dấu ấn đậm nét.

Năm 2004, ông Vinh rời Nghệ An sau sự cố cú giật chỏ của Dương Hồng Sơn trong trận bán kết Cúp Quốc gia 2004 giữa Sông Lam với Thể Công. Đầu quân vào Đông AÁ - Thép Pomina sau một mùa ở hạng nhất, cùng việc kéo hàng loạt cầu thủ Nghệ An vào để "Nghệ An hoá" Đông AÁ - Thép Pomina thì ông Vinh dính vào tội hối lộ trọng tài, qua cú thưởng quá đậm sau trận quyết định với Tôn Hoa Sen - Cần Thơ.

Lê Quốc Vượng: Cầu thủ trưởng thành từ "lò" Nghệ An, có những tố chất đặc biệt của một tiền vệ năng động và thi đấu quyết liệt. Vượng được Nghệ An cho Hoàng Anh - Gia Lai mượn tham dự mùa 2003 và sau đó được tuyển vào đội tuyển quốc gia. Một năm sau, Vượng về lại với Sông Lam và tham gia vào "vụ án" cú đánh chỏ thế kỷ trong trận bán kết Cúp Quốc gia 2004, sau đó bị treo giò 6 tháng trước khi quay trở lại đội U.23 Việt Nam, chuẩn bị tham dự SEA Games 23.

SEA Games 22, Vượng nhận thẻ đỏ trong trận chung kết với Thái Lan sau khi cay cú với Sakda và trở thành trung tâm bị chỉ trích rất nhiều.

Vượng từng là một trong những nhân vật tố cáo đồng đội Việt Thắng và Lương Trung Tuấn bán độ tại Cúp C1 Châu Á 2003.

Phạm Văn Quyến: Cầu thủ cũng trưởng thành từ Nghệ An. Nổi tiếng với cú sút phạt thần sầu, đốt lưới Trung Quốc tại vòng chung kết U.16 Châu AÁ năm 2000. Năm 2001, Quyến được gọi vào đội tuyển quốc gia, nhưng sau đó bị HLV Dido đuổi vì vi phạm kỷ luật.

2002 là năm Quyến phải chịu nhiều bản án và kỷ luật nội bộ của Đoàn bóng đá Nghệ An lẫn VFF. Năm 2003 là năm toả sáng của Quyến, đặc biệt với những bàn thắng ở SEA Games 22 và cú đốt lưới Hàn Quốc tại vòng loại thế giới ở Lebanon.

Một năm sau, Quyến bị HLV Tavares loại vì vô kỷ luật, nhưng đến năm 2005 thì được HLV Riedl trọng dụng, với lời nhận xét đây là một tài năng rất đặc biệt.

Nguyên Anh

La Minh - Hoa Hạ