Dương Mạnh Hùng - trọng tài "đạn bắn không thủng": Tu luyện để vượt qua cạm bẫy
Lục tìm những người làm bóng đá "sạch" thời điểm này rất khó, càng khó khi muốn họ nói hết những sự thật họ biết. Khi tôi gọi tới số di động của trọng tài Dương Mạnh Hùng - người được phong "đạn bắn không thủng", được coi là "sạch" nhất VN - chuông đổ hai hồi rồi... tắt bụp để cả buổi sáng đó vẫn "ngoài vùng phủ sóng". Mãi đến cuối giờ chiều, chuông mới đổ... "Nhà tôi lòng vòng, khó tìm lắm. Trong làng Ngọc Hà (cũ) ấy. Anh cứ đứng ở số 209 phố Đội Cấn (Hà Nội), tôi sẽ ra đón". Rồi câu chuyện bắt đầu, đầy tâm trạng, ngay ở phòng khách (cũng là chỗ ngủ) của vị trọng tài có cái đầu lạnh và nổi tiếng thanh liêm này... | Trọng tài Dương Mạnh Hùng. | Anh Hùng bắt đầu kể về đời cầu thủ của mình:
- Hồi nhỏ, nhà tôi ở phố Phan Huy ẹch, gần các bác Thìn A, Ba Đẻn nên sớm mê đá bóng. Tôi học ở trường 10.10 đến năm 15 tuổi (năm 1980) thì nhập ngũ. Năm 17 tuổi, trong số 33 người cùng nhập ngũ (có cả lứa 18), chỉ còn sót lại mình tôi ở đội 1 Quân khu Thủ đô. Tôi đá trung phong, 5 lần được tập trung đội tuyển Quân đội và nhiều lần đứng trong đội hình tiêu biểu của Quân đội. Năm 1985, tôi bị chấn thương đầu gối, khi tham gia đội tuyển Quân đội đá giải 3 nước Đông Dương ở Campuchia. Cố gắng chữa chạy và tập trung đến năm 1988 thì nghỉ và đi Đức theo chế độ. Về nước cuối năm 1990, tôi đá 2 mùa cho Công an Hà Nội, 1 mùa cùng Đường Sắt rồi về với đội Trẻ Hà Nội. Đến năm 1997, ngày 15.8 thì bắt đầu học làm trọng tài, và xác định rõ ràng đó là cuộc chơi vì danh dự, sự đam mê và sẽ theo đến cùng...
Năm 1998, có một lớp trọng tài quốc tế bằng C do AFC kết hợp với AFF tổ chức tại Đà Nẵng, Dương Mạnh Hùng không có suất, vì anh chỉ là cựu cầu thủ, nhưng đã làm đơn xin học dự thính, bỏ toàn bộ kinh phí và chấp nhận không lấy bằng. Cuối cùng kết quả tốt và anh được cấp bằng, được LĐBĐVN lựa chọn và năm 1999, được làm nhiệm vụ ở các giải hạng dưới. Cũng năm đó, có lớp trọng tài quốc tế bằng B ở Hà Nội; anh đã có tên chính thức. "Từ đó trở đi, tôi phấn đấu cật lực và đến mùa giải 2002 được làm chuyên nghiệp".
´ Và cũng ở mùa giải ấy, anh đã gây sốc khi nộp cho BTC phong bì có "lõi" 200USD ở Pleiku? Chuyện đó giờ vẫn bí ẩn, anh có thể kể?
- Kể thì không ngại nhưng cũng còn nhiều chuyện tế nhị. Tôi không phủ nhận, nhưng xin được miễn bình luận. Nếu muốn rõ, xin hỏi anh Vũ Hạng (nguyên Trưởng ban Khen thưởng - Kỷ luật của LĐBĐ VN khoá IV).
Tôi được xem hai cuốn nhật ký ghi đủ các sự kiện diễn ra trong cuộc chơi trọng tài, đến trang có trận đấu này, thấy anh Hùng ghi ngay trên đầu rằng: "Có vấn đề". Anh bổ sung: "Đó là trận đấu trong khuôn khổ Cúp Quốc gia, tôi không thổi; đội chủ nhà HA Gia Lai thua GĐT-Long An 0-1, ngày 10.1.2003".
´ Trên sân, sắc mặt anh rất "lạnh", quyết định dứt khoát; ngay cả khi bị cầu thủ, ban huấn luyện "vây"; trận GĐT-Long An thắng ngược HAGL mùa rồi cũng vậy. Ngoài tâm sáng, có thể dáng "ngầu" nữa; còn tố chất nào giúp anh có được bản lĩnh "thép" ấy?
- Tôi theo nghiệp bóng đá từ nhỏ, nhưng cũng có những năm tháng rất dài được tu luyện võ thuật (phái Nhất Nam), thầy Ngô Xuân Bính trực tiếp dạy. Thầy không chỉ dạy võ mà còn dạy đạo lý ở đời, dạy làm người. Tôi vượt qua được những cám dỗ, những áp lực là cả một quá trình tu luyện.
Rồi anh chỉ vào bức vẽ thầy Bính khổ lớn treo ngay phía trước chiếc giường, bảo: "Nhà tôi đấy, trước mặt là thầy tôi, bên là chữ nhẫn, bên là 14 điều răn của Phật; rồi binh khí... Toàn những người thân tặng đấy. Cả những bình rượu quý cũng cứ phủ bụi vì tôi đi suốt. Đấy, cả tờ giấy tôi dán lên tường, dặn các con rằng ở nhà ngoan, thực hiện đúng những gì bố dặn; khi có việc gì cần giải quyết thì gọi di động. Nhà tôi sống đơn giản, mộc mạc thôi nhưng được cái cả hai cháu đều ngoan, học giỏi lắm"... Dường như biết được suy nghĩ của tôi khi anh chỉ đề cập đến hai con; giọng anh trùng xuống, mắt chớp liên tục... Tôi biết, mình đã vô tình chạm vào mảnh vỡ cuộc đời anh, nên im lặng rồi chỉ vào cụm ảnh anh và ông Calisto treo ngay trên tường, sát giường. Trên ấy, ảnh anh rất to, tay chỉ dứt khoát và vài chân dung ông Calisto, tấm thì cúi mặt, cau có, tấm thì rầu rầu. Bên cạnh là hàng chữ: Người hùng mạt vận; GĐT.LA - SLNA: 0-4... Tôi hỏi, đấy có phải là kỷ niệm đáng nhớ?
- Có lẽ ở VN tôi là trọng tài đầu tiên dám mời ông Calisto lên khán đài. Đó là năm 2004, trận lượt đi của mùa giải trên sân Long An, tôi thổi chính. Ông ấy có những thái độ không đúng với đồng nghiệp, nhắc nhở hai lần nhưng không đồng ý thành ra tôi phải dùng cái quyền của trọng tài, mời ông từ khu kỹ thuật nên khán đài để ổn định trận đấu. Sau đó, chính ông Calisto cứ nhắc lại chuyện này, bảo rằng: "Lúc đó tôi sai" và vỗ vai tôi bảo là "my friend" (bạn tôi) và nói rằng: "Trọng tài không tránh khỏi những sai sót; nhưng tôi rất muốn những người như ông điều khiển các trận đấu". Anh ạ, trọng tài cũng là người trần mắt thịt. Giỏi như ông Collina cũng còn sai những tình huống dẫn đến thay đổi cục diện trận đấu, nhưng quan trọng là không chủ tâm làm sai. Tôi cũng vậy, vì trọng tài hoàn hảo thì không có được, cũng như mọi người xã hội có bao giờ đạt đến sự hoàn hảo đâu.
´ Chắc ông Collina là thần tượng của anh? Còn ở trong nước, là ai vậy?
- Gọi thần tượng có vẻ hơi trẻ con. Tôi nghĩ rằng mình tôn trọng ông ấy thôi. Trong nước à? Kể từ khi tôi trọng tài, người để tôi kính trọng cả về trình độ (sư phạm) lẫn đạo đức là anh Đoàn Phú Tấn.
´ Thế mà hôm rồi có dư luận ầm ĩ rằng ông ấy có dính đến "đường dây" Lương Trung Việt?
- Khi đang làm việc tại giải U18 ở Thành Long, tôi biết tin này qua báo chí, nhưng tôi không bao giờ tin điều đó. Người ta chỉ lấy những sai sót để nói là không tốt, không xây dựng, mà vì mục đích riêng. Tôi và một số anh em trọng tài có suy nghĩ như tôi rất bất bình. Anh Tấn chỉ dự kiến phân công trọng tài thôi, đương nhiên không thể tránh khỏi sai sót, nhưng sau đó còn các anh Duy Ly, Vũ Hạng, Dương Nghiệp Khôi rà soát và quyết định. Mặt khác, phân công là một chuyện; việc trọng tài làm sai thì trách nhiệm phải của trọng tài chứ. Nhiều khi có người làm ầm ĩ là để cố tình hạ thấp, lật đổ nhau. Sự việc của anh Tấn cũng có thể như vậy.
Có vẻ rất cay với chuyện này, anh nói to, nhiều bức xúc và kể lại chính chuyện mà mình "dính": "Như tôi, tôi từ chối mọi cám dỗ. Tôi sẵn sàng dùng tất cả những lời khuyên với anh em, hãy vì cuộc chơi; thế mà cũng có đồng nghiệp nói rằng, tôi bán đứng anh em. Thật sự chuyện đó tôi không để tâm, bởi tôi nghĩ một điều rằng việc làm của mình là đúng".
´ Anh có thể nhớ hết là bao nhiêu lần bị mua chuộc và khi từ chối, anh xử lý thế nào?
- Trong bóng đá VN, có nhiều người sẵn sàng bỏ vật chất ra để đạt được mục đích cá nhân, cho nên rất gần cám dỗ. Riêng với tôi, khi những điều này đến, tôi sẵn sàng trả lời ngay: Ngoài sân là tình cảm, trong sân thì hai đội bóng bằng nhau. Tôi sẽ làm công tâm, hết sức mình không để oan ức cho đội bóng. Còn chuyện thắng thua là kết quả của hai đội bóng chứ không phải do trọng tài, do sức ép,...
´ Về vụ Lương Trung Việt, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi thực sự buồn, bởi Việt cũng là con người, cũng khoác áo trọng tài như mình... Tôi rất giận Việt và một số anh em trọng tài khác và rất mong muốn vụ này làm đến nơi đến chốn để trả lại danh dự cho giới trọng tài với những con người không như vậy, trả lại sự trung thực cho bóng đá.
´ Anh có thể giải thích nguyên nhân sâu xa của sự cố đáng hổ thẹn này cũng như việc nhiều trọng tài dễ bị "bắn thủng"? Liệu có hẳn là vì thu nhập thấp?
- Theo tôi, có những trọng tài là cán bộ sở và chính những địa phương ấy có đội bóng nên có thể vị nể, bỏ qua... Nhưng quan trọng là từ trước tới nay LĐBĐVN, bên công an chưa làm (chống tiêu cực) được như bây giờ nên khiến nhiều trọng tài chủ quan và coi việc nhận "bồi dưỡng", thổi "méo" là bình thường.
Anh còn một niềm khát khao chưa đạt được, đó là trở thành trọng tài FIFA, bởi trình độ anh cũng khá, ngoại ngữ cũng ổn. Khát khao lắm, nhưng anh bảo rằng: "Không thể phải đạt được nó bằng mọi giá". Tôi bảo, ngày sinh của anh dễ nhớ nhỉ (27.7.1965), anh cười: "Có thể ông giời bắt tôi một số phận như thế. Không bị què, cụt; nhưng lại mang tiếng là khùng". Tôi chia sẻ rằng, "khùng" khi vượt qua mọi cám dỗ, cạm bẫy để làm việc công minh thì rất đáng đấy chứ. Quan trọng nhất là không bị thương về mặt đạo đức, nhân cách! Anh cười: Tôi hứa với chính tôi rằng nếu còn sống, tôi còn phải luôn luôn lành lặn là Dương Mạnh Hùng...
Nguyễn Tri Thức thực hiện
|