Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2005: Cố gắng gần đời thường
Các Website khác - 12/05/2005
Tuần lễ thời trang Việt Nam xuân hè 2005:
Cố gắng gần đời thường

Đó là một nỗ lực đáng kể của 19 nhà thiết kế (NTK) trẻ trong Tuần lễ thời trang VN xuân hè-2005 (TLTT) do TCy Dệt may VN (Vinatex), Fadin, Tạp chí Mốt Việt Nam, Zen Plaza tổ chức tại KS Sofitel Vinpearl (Nha Trang) từ 11-13.5.

Một mẫu thời trang trong
bộ sưu tập của NTK Thuỳ Dương.
Có mới, có cũ
Nếu các năm trước, các NTK chịu khó "lùng" vải ngoại làm hàng "độc", thì ở TLTT này, tỉ lệ vải nội địa dùng cho các mẫu mã cao hơn rất nhiều; về chất liệu, tất nhiên, không thể thiếu tơ tằm, sợi bông; họa tiết chủ yếu là các hình kỷ hà, hoa hồng, lan cách điệu, các con thú; màu nhu, nhã. Cái mới của TLTT này là ở sự hùng hậu các NTK: 19 người, mỗi người 19 bộ sưu tập, tổng cộng chừng 800 mẫu.

Cái mới nữa ở địa điểm tổ chức. Việc các nhà tổ chức đồng thuận "vác" TLTT ra tận mãi KS Sofitel Vinpearl-Hòn Tre (Nha Trang) trình diễn cũng là một trong những cách để người tiêu dùng miền Nam Trung Bộ biết nhiều hơn về thời trang VN Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương - phụ trách Phòng truyền thông - Cty TNHH du lịch & thương mại Hòn Tre: Để phục vụ cho TLTT, đơn vị này đã lên lịch bố trí mỗi ngày một chuyến phà chở được ôtô với trọng tải 5 tấn, 8 chiếc canô...

Toàn bộ vé xem là vé mời; chương trình sẽ được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình Khánh Hoà lúc 20 giờ ngày 11 và 14.5; sau đó sẽ được phát sóng trong chương trình "Thời trang và cuộc sống" - VTV3 và HTV.

Tính ứng dụng cao hơn
Sáng 9.5, tại cuộc họp báo giới thiệu về TLTT, ông Vũ Đức Thịnh - Tổng giám đốc Vinatex cho biết: Sau 3 năm phát triển mô hình siêu thị dệt may, tới nay, Vinatex đã mở được 21 siêu thị dệt may trong cả nước, con số này sẽ là 64 vào năm 2010. Nếu nói về doanh thu từ các siêu thị, năm 2002 - 80 tỉ đồng, 2004-300 tỉ, quý I/2005 - tăng 171% so với cùng kỳ năm 2004. Những con số này, theo ông Thịnh, minh chứng một điều: Người tiêu dùng của ta dùng nhiều hơn hàng dệt may nội; một vài NTK đã phát huy được khả năng sáng tạo, làm việc của họ tại một vài công ty, nhà máy trong hệ thống của Vinatex; các NTK, nhà sản xuất ngày càng hướng về thị trường nội địa; và ngược lại, chính những TLTT đã quảng bá cho thương hiệu Vinatex, và ngành công nghiệp thời trang VN.

Bà Sao Kim - Phó Tổng biên tập Tạp chí Mốt Việt Nam cho biết: Số lượng các NTK trẻ đồng ý tự nguyện về đầu quân cho các công ty, nhà máy trong hệ thống của Vinatex thời gian qua đã có nhỉnh hơn. Ngoài mối liên kết với nhà sản xuất, các NTK đã thiết lập khá tốt mối quan hệ với những tổ chức thời trang chuyên nghiệp như Zen Plaza. 11 trong 19 NTK tham gia TLTT hiện đang kinh doanh tại Zen Plaza; sau khi TLTT kết thúc, tất cả những bộ trang phục này sẽ được bán tại đây.

Và cũng chính thông tin này đã khiến ông Lê Trung Hải - Giám đốc điều hành Vinatex hỏi các NTK một câu đầy thử thách về kỹ thuật và mỹ thuật, cũng là điều băn khoăn bấy lâu nay của người tiêu dùng VN trước những mẫu thời trang của các NTK trẻ: "Vải sợi bông dễ nhăn, phần nhiều tơ tằm VN vẫn còn nhược điểm hay rạn, khó ủi (là), dễ bay màu, vải vicose thì dễ xù lông... Các NTK có chú ý sau khi được sử dụng các mẫu của họ sẽ ra sao để những bộ đồ không chỉ là những món hàng bóng bẩy, phù phiếm, đẹp mã nơi trưng bày, trên sàn diễn; là những nơi chất chứa những ý tưởng sắp chín hay rối tung với những chi tiết cứ như đánh đố thị hiếu người tiêu dùng?".

Thay mặt các NTK, NTK Quốc Bình trình bày cách xử lý theo kiểu "lấy độc trị độc" của mình: Chà nát mặt vải tơ tằm; còn NTK Trọng Nguyên dùng phương pháp "dân gian": Để tránh sự co rút của vải sợi bông, trước khi may, đã ngâm vải vào nước; về kiểu dáng các bộ sưu tập: Không hề lạc điệu với xu hướng thời trang thế giới xuân hè năm nay, phảng phất những nét văn hóa Á Đông. Thuỳ Ân