Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên cả nước vẫn diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt, việc mua bán, vận chuyển ma túy với quy mô xuyên quốc gia, liên tỉnh và có khối lượng lớn hàng chục, hàng trăm bánh heroin, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp (nhóm ATS) đã kéo theo tình hình người sử dụng, người nghiện ma túy gia tăng nhanh, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 210.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và trong đó trên 60% sử dụng ATS. Tại một số địa phương tỷ lệ người sử dụng ATS rất cao như: Đồng Nai 87%, Đà Nẵng 85%, An Giang là 76% và Thành phố Hồ Chí Minh 68%... Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội như: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Người sử dụng ma túy tổng hợp (trong đó khoảng 35-40% có tiền án tiền sự) thường bị rối loại tâm thần và có một số có hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp của giết người đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, thành nỗi bất an và lo lắng ngày ngày của toàn dân.
Năm nay, Thông điệp của Liên Hợp Quốc nhân Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26/6/2018 là “Listen First - Listening to children and youth is the first steps to help them grow healthy and safe” (tạm dịch là “Trước tiên hãy lắng nghe - Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên là bước đầu giúp các em trưởng thành, khoẻ mạnh và an toàn”). Hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26/6, Chính phủ đã triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1-30/6/2018 với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”. Ý nghĩa sâu xa của chủ đề này chính là cần kiên quyết và kịp thời ngăn chặn hiểm họa của ma túy đối với thế hệ trẻ Việt Nam-tương lai và là rường cột của đất nước.
Lâu nay, một câu hỏi được đặt ra không những cho các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan chức năng liên quan tới công tác phòng chống ma túy nói chung, lĩnh vực cai nghiện phục hồi nói riêng và đặc biệt là với bản thân người nghiện ma túy là: “Nghiện ma túy có thể cai được không và bằng cách nào?”. Đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là ngược chiều về vấn đề này. Có không ít lý luận, phản biện, dẫn chứng là đã nghiện ma túy thì không thể cai được! Ngược lại có nhiều người cho rằng nghiện ma túy vẫn có thể cai được. Một vài nước đã phải dùng liệu pháp điều trị tệ nghiện ma túy bằng thay thế cho sử dụng Methadone- một loại ma túy nhẹ, bằng đường uống để phòng HIV/AIDS lây qua đường tiêm chích (hiện nay chúng ta cũng đang áp dụng liệu pháp này ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước). Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng đó là một biện pháp bất đắc dĩ và mục tiêu chủ yếu là nhằm giảm hại từ HIV/AIDS, chưa kể một số vấn đề tiêu cực phát sinh khi áp dụng liệu pháp này trên diện rộng và những khó khăn chúng ta sẽ gặp phải khi nguồn tài trợ của Quốc tế cho Chương trình Methadone bị cắt hẳn trong 1-2 năm tới.
Giải đáp câu hỏi trên đây không dễ dàng có tính thuyết phục khi tỷ lệ tái nghiện trung bình hiện nay trên bình diện cả nước vào khoảng 75-80%, thậm chí nhiều nơi cao tới 95-100%. Vì sao mà cai nghiện lại khó khăn như vậy? Bởi vì lẽ đơn giản là cai nghiện ma túy là một công việc đòi hỏi sự phối hợp các hoạt động thống nhất, đồng bộ và liên tục của nhiều ngành, nhiều cấp để giúp cho người nghiện từ bỏ được ma túy. Đó mới là những yêu cầu ngặt nghèo về mặt khách quan nhưng điều quyết định có cai được hay không chính là yếu tố chủ quan của bản thân người nghiện. Nếu người nghiện không có quyết tâm, nghị lực thì mọi nỗ lực của bản thân người đó cũng như sự can thiệp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng cũng là vô nghĩa.
Trong quy trình cai nghiện, cắt cơn nghiện tuy cũng khá quan trọng mở đầu cho quá trình cai nghiện nhưng không phải là khâu quyết định sự thành công. Chống tái nghiện mới là khâu có tính quyết định tới sự thành bại của quá trình cai nghiện. Cắt cơn nghiện chỉ cần 7-10 ngày là xong, thậm chí là rất nhẹ nhàng nhưng người cai nghiện mới chỉ qua được chặng đường ngắn ngủi đầu tiên trên hành trình chông gai tìm lại cuộc đời coi như đã mất bởi sự quyến rũ, hủy hoại của ma túy.
Trong thời gian cai nghiện tại các Trung tâm và cơ sở cai nghiện, người cai nghiện sẽ được các thày thuốc, các nhà tâm lý, các cán bộ quản lý giúp đỡ họ phục hồi cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ được tư vấn, học văn hóa, học nghề, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ, sinh hoạt Câu lạc bộ đồng đẳng, tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe cũng như để cải thiện đời sống sinh hoạt hàng ngày. Người cai nghiện sẽ đi dần từ chuyển biến nhận thức sang thay đổi hành vi vốn từ lệch lạc sang sự đúng đắn, chuẩn mực. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi để người sau cai hòa nhập cộng đồng, trở lại bình thường như bao người khác trong gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi hòa nhập cộng đồng nếu người sau cai không được tiếp tục giúp đỡ, tư vấn, quản lý, giám sát và đặc biệt là được hỗ trợ tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định thì người sau cai dễ chán nản, thất vọng và lại tìm sự cứu cánh nguy hiểm của ma túy và bạn xấu cũ.
Cai nghiện, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy là một công việc vô cùng khó khăn. Thực tế đã chứng minh, mặc dù cai nghiện rất khó khăn, nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm, kiên trì và có nghị lực cùng sự trợ giúp của các cán bộ y tế, cán bộ quản lý, nhân viên tư vấn, sựu yêu thương của gia đình và người thân, sự giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể cũng như cả cộng đồng thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Minh chứng thực tế là đã có hàng nghìn người sau cai nghiện 5-10 năm chưa tái nghiện. Nhiều người từng nghiện nặng, nghiện có thâm niên nhưng đã quyết tâm cai nghiện, trở về hòa nhập cộng đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ sau cai, Trưởng nhóm đồng đẳng được cộng đồng ghi nhận, có người được bầu làm Công an viên,Tổ trưởng Tổ tự quản, được kết nạp vào Đảng... Một số người sau cai đã trở thành chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ.
Bí quyết của những người cai nghiện thành công là gì? Trước hết với người nghiện là lòng quyết tâm tự giác cai nghiện cùng với sự kiên trì và nghị lực vượt qua những cám dỗ và thèm muốn về ma túy. Một sự thật ít người biết rằng không ai chết vì thiếu ma túy nhưng lại có thể chết vì thừa ma túy khi bị sốc do tiêm ma túy quá liều! Thời gian qua có hàng trăm nghìn người nghiện đã cai ở các trung tâm cai nghiện của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng không có học viên nào chết trong quá trình cắt cơn nghiện. Trong khi đó có không ít người hoặc trở về sau khi hoàn thành quá trình cai nghiện hoặc trốn trại đã sử dụng ma túy quá liều mà dẫn tới cái chết oan uổng. Trong quy trình cai nghiện - phục hồi, giai đoạn quản lý, giám sát, giúp đỡ người nghiện sau cai lâu dài tại cộng đồng có vai trò, ý nghĩa quyết định kết quả công tác cai nghiện. Người nghiện vừa đi cai tập trung với thời gian 1-2 năm vẫn còn nhiều khả năng tái nghiện. Nếu người đã cai không tiếp tục rèn luyện, quyết tâm và thiếu sự hỗ trợ, quản lý giám sát của gia đình, cộng đồng thì thành quả công tác cai nghiện khó bền vững. Mặt khác, người nghiện đã cai tái hòa nhập cộng đồng nhưng bị bỏ rơi, buông lỏng hoặc bị hắt hủi thì rất dễ bị lôi kéo trở lại với ma túy và điều nguy hại hơn là khi tái nghiện, mức độ nghiện của họ thường nặng hơn.
Trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, cai nghiện phục hồi cho những người nghiện ma túy là một nhiệm vụ trọng tâm song song với việc ngăn chặn, triệt phá các nguồn cung cấp ma túy. Chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghiện là tuyên truyền, giáo dục và động viên, khuyến khích họ tự nguyện đi cai nghiện, tạo điều kiện thuận lợi để người cai nghiện được học tập, rèn luyện, được tư vấn, được hướng nghiệp dạy nghề, tham gia lao động sản xuất, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để từng bước giúp họ chuyển biến nhận thức, dần thay đổi hành vi đoạn tuyệt với ma túy, hòa nhập cộng đồng trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội và đất nước. Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã ra một Thông điệp vô cùng ý nghĩa đối với những người nghiện ma túy. Đó là “Có thể phòng ngừa và điều trị rối loạn do sử dụng ma túy”. Như vậy, câu hỏi về nghiện ma túy có cai được không đã có lời giải rõ ràng./.
Việt Trung
▪ Bảo đảm duy trì điều trị thuốc ARV liên tục cho bệnh nhân HIV/AIDS (28/06/2018)
▪ Điều trị nghiện: Xác định lại mục tiêu để định hướng chính sách phù hợp (28/06/2018)
▪ Can thiệp cho người trẻ sử dụng ma túy tổng hợp: Kinh nghiệm từ Úc (20/06/2018)
▪ Phát triển thiết bị cấy ghép bảo vệ phụ nữ khỏi lây nhiễm HIV (24/04/2018)
▪ Thí điểm lựa chọn thuốc mới trong điều trị nghiện (23/04/2018)
▪ Thí điểm lựa chọn thuốc mới trong điều trị nghiện (04/04/2018)
▪ Mua thuốc ARV rẻ hơn nguồn viện trợ từ 15-17% (19/12/2017)
▪ Có nên mở rộng điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone? (23/10/2017)
▪ Tính khả thi của buprenorphine cho người nghiện chất dạng thuốc phiện (13/09/2017)
▪ 9 loại vắc-xin được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc sống con người (09/08/2017)