Chuột đầu hàng HIV
Các Website khác - 02/07/2003
Chuột bạch
Các chuyên gia thuộc ĐH California, Mỹ, vừa đạt được một bước đột phá lớn khi làm cho HIV sinh sôi trong tế bào của chuột bằng cách bổ sung protein hp32 ở người. Một ngày nào đó giống chuột biến đổi gene này có thể thay thế khỉ hiện đang được sử dụng để nghiên cứu AIDS trong phòng thí nghiệm.

Thí nghiệm trên chuột là nền móng của phần lớn các nghiên cứu y học. 80% gene của chúng giống người. Ngoài ra, loài gặm nhấm này rẻ tiền, dễ chăm sóc và gây giống trong điều kiện nuôi nhốt. 

Tuy nhiên, chúng lại là một trở ngại đối với giới khoa học vì HIV, sinh sôi nhanh trong tế bào của khỉ và người, lại không thể lây nhiễm sang chuột. Hiện tinh tinh là mô hình chính. Thí nghiệm trên chúng rất tốn kém và không thể tiến hành những thử nghiệm tương tự như ở chuột.

Tế bào chuột kháng HIV theo nhiều cách. Giới khoa học đã vượt qua một số rào cản đó bằng cách bổ sung các gene người vào tế bào chuột. 2 gene CD4 và CCR5 tạo ra ''chỗ đứng'' trên bề mặt tế bào, giúp HIV xâm lược. Một gene nữa mang tên CycT1 kích hoạt gene của virus. Tuy nhiên, ngay cả với những thay đổi trên, HIV vẫn không thể hoàn tất chu kỳ sống của nó bằng cách đưa bộ gene vào các mẩu virus.

Khi nhà virus học Yong-Hui Zheng và đồng nghiệp đưa hp32 cùng với 3 protein khác của người vào tế bào chuột, HIV có thể hoàn tất chu kỳ sống của nó. Họ đã vượt qua một trở ngại lớn. HIV sinh sôi trong tế bào chuột chậm hơn khoảng 50 lần so với tế bào người. Zheng nghi ngờ còn có một protein khác kích thích HIV sinh sôi nhanh như ở tế bào người và họ đang tìm kiếm nó.

(Minh Sơn - Theo NewScientist, Nature)