HIV và lao song hành, "tử thần" gần hơn
Các Website khác - 24/03/2005

(VietNamNet) - Lần thứ hai phải bước chân vào trung tâm cai nghiện, Lê Văn T. (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn không thoát khỏi sức hút của nàng tiên nâu. Cai nghiện không thành, T. còn có HIV và mắc bệnh lao.

HIV và lao tàn phá sức khỏe

Điều trị bệnh lao đúng cách mới hy vọng khỏi bệnh.

Học xong PTTH, T. không thi ĐH mà theo bạn bè kiếm việc lặt vặt ở quê. Gọi là quê chứ nơi T. ở cách Hà Nội hơn chục km, đang trong thời kỳ đô thị hóa. Các công ty nước ngoài thi nhau về đây đầu tư, lấy đất ruộng xây dựng khu công nghiệp. Ruộng ít, việc đồng áng cũng đỡ vất vả lại có tiền đền bù, người dân được đổi đời. Những ''hương vị mới'' của cuộc sống cũng tràn lan về vùng quê này. Bị bạn bè rủ rê, không làm chủ được bản thân T. đã bị kéo theo ''cơn lốc'' đô thị hóa.

Khi gia đình phát hiện T. bị nàng tiên nâu lôi kéo thì đã quá muộn. T. được đưa đi trại cai nghiện với hy vọng tránh xa được thứ đam mê chết người. Sau một thời gian cai nghiện, Tết năm ngoái cả nhà vui mừng đón T. về với hy vọng anh vĩnh biệt nàng tiên nâu. Vui hơn, gia đình đã cưới vợ cho T., một cô bạn từ thủa cắp sách tới trường. Niềm vui nối tiếp niềm vui, hai tháng sau vợ T. báo tin có mang. Nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, những biểu hiện cũ của T. lại tái phát: đi sớm về muộn, người gầy rộc đi... Và T. lại bị thứ chết người lôi kéo.

Lần thứ hai T. bước chân vào trại cai nghiện, cũng là lúc anh được làm bố ở tuổi 25. Anh chẳng kịp hưởng cái hạnh phúc này. Lần này, sức khỏe của T. giảm sút nhanh chóng: gầy, xanh, sốt hô kéo dài. Sau nhiều lần xét nghiệm các bác sĩ mới dám thông báo với gia đình, anh T. đã nhiễm HIV có có dấu hiệu của bệnh lao.

Họ là những người điều trị tại Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương. Những người nhiễm HIV lại mắc lao rất ngại tiếp xúc với người lạ ngoài bác sĩ. Họ cũng không muốn đưa tên tuổi mình lên báo và cũng không muốn tiếp xúc với nhà báo.

Đồng nhiễm HIV và lao không chỉ làm tăng số bệnh nhân lao mà còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh, tăng tỷ lệ tử vong.

Đã bước vào cái tuổi lục tuần, ông Nguyễn Thanh H. không ngờ có ngày mình lại phải và viện điều trị căn bệnh thế kỷ. Nhìn bề ngoài ai cũng bảo ông H. trẻ hơn so với tuổi, đó là lúc ông chưa phát bệnh. Chính vì sự trẻ trung, phong độ đã khiến ông mang bệnh tật như bây giờ.

Vợ chồng lục đục, chuyện chăn gối cũng chẳng được như ý muốn lại đang tuổi hồi xuân, ông H. đã phải nhờ vào những cuộc tình mới để giải tỏa sinh lý. Chỉ 1 lần không dùng ''khỏe như lực sỹ và rất nhạy cảm'' ông đã bị con HIV ''sờ gáy''.

Sau khi phát hiện bệnh, ông H. lo nghĩ nhiều lại không có đủ điều kiện vật chất chăm sóc nên sức khỏe ông xuống nhanh chóng. Từ một người khỏe mạnh, trai tráng giờ ông chỉ còn da bọc xương, đau ốm liên tục. Khi nhập viện, tình trạng sức khỏe của ông đã khá nặng, bị nhiều thứ bệnh cùng lúc có HIV, lao phổi, viêm phổi...

Bệnh nhân nhiễm lao có HIV: Hiệu quả điều trị giảm

Bệnh lao là do vi trùng lao gây ra. Nguồn lây bệnh thường là những người bị bệnh lao ở phổi chưa được điều trị hoặc điều trị không đúng. Vi trùng lao sống âm thầm trong cơ thể con người, chờ cơ hội thuận lợi khi sức khỏe người đó yếu đi do ăn uống kém, làm việc quá sức, sinh hoạt vô độ... là gây ra bệnh lao. Vi trùng lao có sức đề kháng rất cao, có thể sống trong cục đàm ở không khí ẩm thấp thiếu ánh sáng tới 6 tháng.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Trung ương đã tỏ ra lo lắng: ''Bệnh lao/HIV là một từ để chỉ người bệnh mang cùng lúc trong cơ thể 2 mầm bệnh là vi khuẩn lao và virus HIV. Hiện tỷ lệ nhiễm HIV tìm thấy trong nhóm bệnh nhân lao tăng lên rõ rệt (chiếm khoảng 4,3%) và ở mức báo động toàn quốc. Đặc biệt, ở một số thành phố lớn như TP.HCM tỷ lệ này là 9,3%, Hà Nội 8,3%, Hải Phòng 11,8% và Bình Dương 14%. Đồng nhiễm HIV và lao không chỉ làm tăng số bệnh nhân lao mà còn làm giảm hiệu quả điều trị bệnh, tăng tỷ lệ tử vong''.

Mặc dù mạng lưới phòng chống lao ở VN đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, nhưng đến nay VN vẫn là một trong 22 quốc gia có tình hình bệnh lao nặng nề, số bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện còn rất cao. Ước tính mỗi năm có khoảng 20.000 trường hợp lao trẻ em cần phải điều trị. Cùng với sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, tình trạng di dân, phân cách giàu nghèo thì vấn đề lao kháng thuốc cũng là mối đe dọa lớn đến công cuộc phòng chống lao của VN.

Khó khăn nhất của chương trình chống lao hiện nay là tỷ lệ người bệnh lao có HIV đang gia tăng nhanh chóng, làm trẻ hóa tuổi mắc lao cũng như tăng tỷ lệ tử vong.

  • Lệ Hà