|
Có máu cứu sống rất nhiều người. Ảnh: Thanh Tân |
(VietNamNet) - Hiến máu nhân đạo là việc làm thiết thực của mọi công dân vì sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Cho đi những giọt máu không hề tính toán hay vụ lợi là tôn chỉ của những người hiến máu. Bên cạnh đó, có những giọt máu phải chảy vì cuộc sống của chính nó. Những người bán máu phải “lấy ngắn nuôi dài” từ chính những giọt máu trong cơ thể. Nhưng cho dù hiến máu hay bán máu, họ cũng là những cứu tinh của biết bao sinh mạng rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh” đang thoi thóp chờ tiếp máu…
Hiến máu và bán máu
Phong trào hiến máu nhân đạo diễn ra hàng năm tại các bệnh viện, trụ sở các đoàn thể, các trung tâm tiếp nhận máu trong cả nước. Trung bình mỗi ngày, các bệnh viện trung tâm tiếp nhận khoảng hai, ba trường hợp hiến máu nhân đạo. Tại TP.HCM, nơi có nhiều ca hiến máu nhất là Trung tâm hiến máu nhân đạo, khoảng ba, bốn trường hợp một ngày. Bên cạnh đó, cũng không ít người nộp đơn xin bán máu. Ở Bệnh viện huyết học và truyền máu TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 12-18 trường hợp bán máu.
Đã là hiến máu thì tự nguyện và không đòi hỏi thù lao. Những người hiến máu luôn luôn tâm niệm đây là một việc làm từ thiện. Giang Châu, sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM,cho rằng: “Đây là một trong những việc làm từ thiện có ý nghĩa nhất”. Ngược lại, những người bán máu luôn đòi hỏi được trả thù lao vì họ sống nhờ vào tiền bán máu, hầu hết trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Anh L.D (44 tuổi), hành nghề xe ôm, tâm sự: “Tôi gà trống nuôi con nên phải bán máu để có thêm thu nhập”. Với M.H, sinh viên Trường Đại học Kinh tế, thì: “… đã hết tiền chi tiêu nên phải liều một phen”. Tuy nhiên, cũng đã có không ít người không túng thiếu tiền bạc nhưng cũng đi bán máu vì … “vừa kiểm tra sức khỏe miễn phí, vừa có tiền để xài”.
Tiêu chuẩn để hiến máu hoặc bán máu
Không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để hiến máu hoặc bán máu. Máu khi đem truyền phải là “máu sạch” theo đúng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tiêu chuẩn sức khỏe của người cho (hoặc bán) máu cũng tùy theo từng nơi tiếp nhận. Tiêu chuẩn chung là: nam trên 50kg và nữ trên 45kg. Bệnh viện Chợ Rẫy quy định cân nặng phải hơn tiêu chuẩn chung 5kg. Riêng với Bệnh viện huyết học và truyền máu TP.HCM thì ai cũng có thể cho máu được, miễn là máu đủ tiêu chuẩn.
Xét nghiệm máu là bước quan trọng nhất đề quyết định việc lấy máu hay không. Máu nếu có dấu hiệu bệnh thì sẽ bị loại ngay. Vì thế, đã có nhiều người sau khi xét nghiệm mới biết rằng mình đang mang bệnh trong người.
Bán máu: bao nhiêu thì đủ?
Thù lao cho 100ml máu (không phân biệt nhóm máu) dao động trong khoảng 70.000 - 75.000 đồng. Một người có thể bán (hoặc cho) khoảng từ 200-450ml máu, tùy theo tình trạng sức khỏe. Người hiến máu chỉ được bồi dưỡng vài ba chục ngàn đồng, còn những người bán máu thì được thù lao, có khi bằng cả một tháng lương của họ. Tùy theo sức khỏe mà một người có thể bán nhiều hay ít. Có người chỉ bán một lần do thiếu tiền nhưng có người lại coi đây là… “nghề nghiệp” chính. Do có quy định mỗi người chỉ được lấy máu một lần trong tháng, nhiều người đã đăng ký bán máu cùng lúc tại hai bệnh viện khác nhau để mong … kiếm thêm thu nhập, bất chấp sự nguy hiểm.
Hậu trường chuyện bán và cho máu…
Những người vô tình phát hiện mình mắc bệnh nan y sau khi xét nghiệm máu thường suy sụp tinh thần dữ dội. Đa số họ là người nghèo, đã phải liều mạng bán máu nuôi thân mà nay lại mắc bệnh nan y thì cuộc sống càng đi vào ngõ cụt. N.T, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đã ngất xỉu ngay trên hành lang Bệnh viện Chợ Rẫy khi biết mình bị nhiễm… HIV. Chị H.T.N thì bàng hoàng khi biết mình mang mầm bệnh AIDS và đã truyền sang người chồng mới cưới sau khi xét nghiệm bán máu tại Bệnh viện huyết học và truyền máu TP.HCM.
Trừ những trường hợp đau lòng như vừa nêu trên, hầu hết những người bán hoặc cho máu vẫn mạnh khỏe nếu như họ biết tuân thủ nghe theo lời dặn dò của bác sĩ. Một số ít người bán máu thường xuyên lại trở nên mạnh khỏe hơn do hồng cầu thay đổi liên tục, điển hình là trường hợp của chị K, 38 tuổi, nhà ở Bình Chánh (TP.HCM), chị cho biết trước đây chị chỉ cân nặng có 42kg và hay bệnh vặt, nhờ bán máu thường xuyên mà bây giờ đã tăng lên được 49kg. Nhưng cũng có trường hợp vì ham mê kiếm tiền từ việc bán máu mà bản thân bị suy nhược trầm trọng, phải vào bệnh viện mấy tháng liền, thậm chí bị…tử vong.
Đức Quỳnh
▪ Giá thuốc điều trị AIDS của Việt Nam tiếp tục giảm (26/03/2003)
▪ Thuốc AIDS sản xuất tại Việt Nam: Có thuốc - chưa có người mua (08/05/2003)
▪ Đang tìm chỗ đứng (29/06/2002)
▪ Bao giờ có thuốc điều trị AIDS giá rẻ ở Việt Nam? (29/04/2002)
▪ Thái Lan đưa ra thuốc chống AIDS rẻ nhất thế giới (09/04/2002)
▪ Châu Phi tìm kiếm nguồn thuốc giá rẻ điều trị AIDS (11/12/2001)
▪ Các nước nghèo phải được tiếp cận thuốc trị AIDS giá rẻ (15/07/2003)
▪ Sản xuất găng tay y tế diệt khuẩn (29/05/2003)
▪ Sắp tìm ra thuốc chống AIDS cho phụ nữ (09/09/2003)
▪ Cách chăm sóc bệnh nhân HIV tại gia đình (07/09/2003)