Thuốc AIDS giá rẻ sẽ được bán rộng rãi theo đơn bác sĩ
Các Website khác - 11/12/2004

Năm 2004, ngân sách nhà nước dành mua thuốc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS đã tăng lên 10 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với 3 - 4 tỉ đồng những năm trước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí trên cũng chỉ đủ mua thuốc cấp cho 200 - 300 bệnh nhân và các đối tượng tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Trong năm 2005, giải pháp sử dụng thuốc sản xuất trong nước sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS.


Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận khoảng 83.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 75.148 người còn sống. Với tỷ lệ 12,5% người nhiễm chuyển AIDS, hiện Việt Nam có 9.400 bệnh nhân cần thuốc điều trị. Như vậy, nhu cầu có thuốc với bệnh nhân AIDS là rất lớn và cấp thiết. Nhưng với chi phí 2.027 USD/bệnh nhân/năm như hiện nay (thuốc nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia) thì Việt Nam phải cần tới 15,9 triệu USD/năm. Thêm vào đó, việc điều trị nhiễm trùng cơ hội cũng cần tới 376.000 USD/năm (khoảng 40 USD/bệnh nhân/năm).

Kinh nghiệm của một số nước

Tại Brazil, để giảm chi phí điều trị, bạn đã tự sản xuất 9 loại thuốc kháng virus (ARV), đáp ứng khoảng 40% nhu cầu điều trị. Bệnh nhân AIDS được điều trị ngoại trú và nhận được các dịch vụ về điều trị ngay tại nhà, được cấp thuốc từ 424 đơn vị cấp phát thuốc ARV trên cả nước. Nhờ những nỗ lực này, từ 1997-2001, Brazil đã giảm được 358.000 lượt người đến bệnh viện, tiết kiệm được 1,1 tỉ USD; giảm nhiễm trùng cơ hội 60 - 80% bệnh nhân; giảm tỷ lệ tử vong do AIDS còn 50%.

Tại Thái Lan, việc tiếp cận thuốc cho bệnh nhân HIV được thực hiện dưới nhiều hình thức. Chính phủ đã đàm phán với các công ty đa quốc gia để giảm giá thuốc ARV; thuốc ARV được sản xuất và bán tự do trên thị trường với mức giá hợp lý. Nhờ những biện pháp này, chi phí điều trị AIDS tại Thái Lan giảm còn rất thấp (chỉ khoảng 365 USD/bệnh nhân/năm). Ngân sách của Thái Lan dành cho HIV/AIDS đã giảm được 60% những năm gần đây.

Trong khi đó, theo PGS.TS Trịnh Quân Huấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2005 các nguồn lực trong và ngoài nước dành cho việc mua thuốc là 20 tỉ đồng. Ngoài ra, có thể có thêm nguồn từ kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp phòng chống AIDS của Mỹ, tuy nhiên nguồn này chưa công bố cụ thể về số tiền sẽ hỗ trợ. Để thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị cho bệnh nhân AIDS, việc xem xét sử dụng thuốc điều trị AIDS trong nước sản xuất sẽ phải được chú trọng trong 2005. Giá thành của thuốc sản xuất trong nước tính trung bình thấp hơn khoảng 8 - 10 lần so với thuốc nhập khẩu. Nếu điều trị bằng thuốc trong nước sản xuất, theo phác đồ cấp hai của WHO (bệnh nhân được điều trị 3 thuốc Stavudine - Lamivudine - Nevirapin), chi phí sẽ ở mức trên 300 USD/người/năm; thấp hơn khoảng 7 - 9 lần so với điều trị bằng thuốc nhập khẩu với cùng phác đồ.

TS Trịnh Quân Huấn cũng cho biết thêm: "Cũng như các kháng sinh khác, thuốc điều trị AIDS khi đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành cũng được phép bán ra thị trường, tại các nhà thuốc đã được cấp phép hành nghề dược tư nhân. Tuy nhiên cần lưu ý, khi được bán rộng rãi, nhất thiết người bệnh phải mua theo đơn rất nghiêm ngặt. Việc này liên quan đến an toàn cho người bệnh. Trong giai đoạn 2005 - 2010, nếu nỗ lực hết sức với nguồn kinh phí trong nước và các tổ chức quốc tế, sẽ có khoảng 70% bệnh nhân AIDS được tiếp cận với thuốc, nhiều khả năng mục tiêu này sẽ đạt được vào 2006 - 2007".

Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết, trước tình trạng HIV kháng thuốc ngày càng gia tăng, đồng thời để cập nhật phác đồ điều trị mới, các bệnh viện đầu ngành đang xây dựng các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân AIDS, việc này sẽ hoàn thành trong năm 2004. Ngoài ra, Bộ cũng đảm bảo điều trị 100% các trường hợp bị tai nạn, rủi ro nghề nghiệp, bà mẹ mang thai...

Liên Châu