Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Y ở Norfol (phía đông bang Virginia) (Eastern Virginia Medical School – EVMS) đang tập trung điều chế loại thuốc mỡ tránh thai có khả năng ngăn cản sự lây lan virus HIV, hưa hẹn sẽ cứu sống hàng triệu sinh mạng.
Cho tới nay, đã có nhiều loại vắc xin dành cho virus HIV được thử nghiệm nhưng chưa loại thuốc nào cho kết quả thành công, và các nhà nghiên cứu ở Norfolk rất hy vọng, phương pháp mới của họ sẽ hứa hẹn những khả năng thành công trong việc phòng chống căn bệnh thế kỷ.
Kể từ khi bùng phát đại dịch cho tới nay, người ta nhận thấy, phụ nữ chính là nhóm đối tượng bị lây nhiễm virus HIV nhiều hơn cả. Ở vùng Hampton Roads, mỗi năm có gần 200 phụ nữ nhiễm mới căn bệnh quái ác này.
Chính vì thế, thời gian này, các nhà khoa học tại EVMS đã nhận được những khoản tiền phục vụ cho công tác nghiên cứu với mong muốn chế được loại thuốc mỡ bôi tránh thai đồng thời có thêm tác dụng giúp phụ nữ tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.
Lynne, một trong số hàng trăm những phụ nữ chẳng may nhiễm HIV/AIDS tại vùng Hampton Roads nói: "Tôi đã không bao giờ nghĩ rằng, mình lại có thể nhiễm căn bệnh thế kỷ đó".
Cô đã tham gia các buổi nói chuyện trước nhà thờ và các nhóm công dân về loại virus này và tấm quan trọng của việc phòng chống và tự bảo vệ bản thân của mỗi người trước nó.
Theo cô, bên cạnh việc sinh hoạt một cách điều độ, đúng mực thì dùng bao cao su vẫn là cách tối ưu nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.
Cô cho rằng, cô sẽ rất hạnh phúc nếu có thể khuyên bảo được thêm bất cứ người nào sử dụng bao cao su. Chính bởi những nỗi niềm ấy mà Lynne thực sự trông chờ vào việc loại thuốc bôi tránh thai có thêm tác dụng phòng tránh HIV sẽ sớm được sản xuất.
Cô nói: "Tôi tin là các nhà khoa học đều cảm nhận được mong mỏi này của người phụ nữ, loại thuốc mới sẽ giúp phụ nữ vừa tránh thai ngoài ý muốn lại vừa phòng chống lây nhiễm bệnh".
Loại thuốc đang được nghiên cứu có tên gọi là Ushercell. Đó là một loại thuốc mỡ bôi để tránh thai có chứa chất khử trùng giúp phụ nữ tránh được nguy cơ nhiễm HIV chỉ bằng một thao tác đơn giản là bôi một lớp kem chống lây nhiễm.
Bác sĩ Gustavo Doncel, Giáo sư hợp tác của OBGYN tại EVMS cho biết: "Loại thuốc mới sẽ cản trở sự công phá của virus HIV. Virus không thể nhìn thấy và cũng không thể xuyên qua được các tế bào và do đó, không thể truyền mầm bệnh vào các tế bào được.
Các nhà khoa học tại EVMS đã tiến hành nghiên cứu loại thuốc khử trùng này trong khoảng 10 năm qua.
Mới đây, một khoản tiền 24 triệu đô la Mỹ đã được cấp cho các nhà khoa học để phục vụ công tác thử nghiệm loại thuốc mới này trên 5000 phụ nữ ở 4 quốc gia Châu Phi và Ấn Độ. Đây cũng chính là những điểm nóng của đại dịch với con số hơn 25 triệu người nhiễm HIV/AIDS.
Bác sĩ Doncel cho biết: "Chỉ trong vòng ba năm nữa, chúng tôi sẽ thu được những dữ liệu của quá trình thử nghiệm này và có thể sẽ mất gần một năm nữa để phát triển các kết quả thu được đó".
Và như thế, sẽ mất khoảng gần 5 năm nữa thì loại thuốc mới này mới có khả năng có mặt tại các hiệu thuốc trên cả nước.
Lynne cũng chỉ hy vọng cô sẽ còn sống được đến ngày ấy để tận mắt trông thấy loại thuốc kỳ diệu với phụ nữ này. Cô nghĩ "đó quả là một sự lựa chọn rất tối ưu cho phụ nữ, bởi khi đó, phụ nữ có quyền quyết định có thai hay không và có bị mắc bệnh hay không".
Hiện tại cũng đang có rất nhiều những loại thuốc khử trùng được nghiên cứu tại Mỹ. Trong tháng tới, quốc hội Mỹ đang xây dựng một dự thảo về việc tăng thêm nguồn quỹ chi cho các nghiên cứu này.
Đỗ Dương
▪ Leo thang giá thuốc điều trị HIV/AIDS (01/07/2005)
▪ Thuỵ Điển: Nghiên cứu thuốc mới chống HIV (01/07/2005)
▪ Thuốc trị HIV ngăn được cả sốt rét (30/06/2005)
▪ Trạm xét nghiệm HIV lưu động tại hạt Los Angeles (29/06/2005)
▪ Bangladesh: Trang bị kiến thức về HIV/AIDS cho 15000 thầy tế (29/06/2005)
▪ Châu Phi: Phát hiện kiểu phụ của virus HIV ở người dân Minnesota (23/06/2005)
▪ Thuốc chống AIDS gặp rào cản tại Châu Phi (21/06/2005)
▪ Ấn Độ: Thử nghiệm vaccine AIDS mới (21/06/2005)
▪ Thuốc chống virus Kaletra dùng cho các bệnh nhân nhiễm HIV (19/06/2005)
▪ Sẽ ốm hơn nếu không phản ứng với thuốc điều trị HIV (19/06/2005)