Trước tệ nạn ma tuý đang gây nhức nhối cho toàn xã hội, đến nay gần 1,5 triệu người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là cái thị xã đang tính chất "thị ít xã nhiều" này vẫn chưa có một trung tâm 05, 06 để giúp các con nghiện làm lại cuộc đời. Một vài trung tâm cai nghiện "quốc doanh" ở Nghệ An với cơ ngơi quy củ khang trang, hàng chục giáo dưỡng viên được hưởng lương, hưởng BHXH, BHYT như bao công việc khác nhưng lại phải bất ngờ trước kết quả mà một trại cai nghiện dân doanh tự giác và tự phát thu được.
Gọi là trại cho "oai", đường đường chính chính là ngôi nhà tuềnh toàng của vợ chồng ông Trịnh Văn Thêm (70 tuổi) và bà Đậu Thị Bé (65 tuổi) ở tổ 19. Đôi vợ chồng trẻ Anh Trịnh Văn Hải (sinh năm 1979, con thứ 10 của ông bà) cùng vợ là Võ Thị Hồng Loan (SN 1979) đang ở nhờ nhà bố mẹ, cả 2 là đoàn viên TNCS HCM sống bằng nghề xe ôm và dịch vụ rửa xe máy tại nhà.
Năm 2002, Thị đoàn Hà Tĩnh triển khai chương trình VIE 01/009, mục đích nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn, Loan được Thị đoàn chọn vào Đội đồng đẳng cùng các đội viên làm nhiệm vụ phân phát bao caosu tới cộng đồng và đưa bơm kim tiêm cho các con nghiện đã được phát hiện. Công việc phân phát bao caosu OK, bơm kim tiêm - những sản phẩm không thể tự hào - dần cuốn hút đoàn viên Võ Thị Hồng Loan, cô thường phải vắng nhà. Được bố mẹ chồng chia sẻ động viên "cứ để thằng cu ở nhà ông bà chăm nom, đoàn thể phân công làm việc thiện thì gắng mà làm cho tốt".
Thấy vợ tất bật đi sớm về muộn quá vất vả, lúc vắng khách anh Hải tranh thủ ôm bao OK và bơm kim tiêm thay vợ đi phân phát nhằm giúp Loan có thêm thời gian chăm sóc cậu con chưa rời vú mẹ. Không hiểu vì sao cái công việc "ban đầu ngường ngượng, càng về sau thì quen lại thấy bình thường" cứ cuốn anh vào cuộc. Rồi việc vợ chồng Hải-Loan đang vất vả với nghề xe ôm vẫn tham gia Đội đồng đẳng, nhiệt tình tự nguyện cơm nhà vác tù và... dần loang khắp thị xã và vùng phụ cận. Hữu xạ tự nhiên hương, trong sự trầm trồ của thiên hạ lập tức bị tam sao thất bản, người ta kháo rằng vợ chồng Hải-Loan tự lập trại cai nghiện và đã cai thành công cho nhiều thanh thiếu niên thị xã (!).
Bao năm làm nghề xe ôm, vợ chồng Hải-Loan chưa bao giờ đủ đầy cho cái dạ dày, có tài thánh cũng không đào ra tiền trăm tiền tỷ lập trại cai nghiện! Vậy mà chỉ cần nôm na là cha mách qué người ta cứ tin "có một trại cai nghiện dân doanh", các ông bố bà mẹ thậm thà thậm thụt mang theo thằng nghiện tìm đến gặp Hải-Loan, họ lạy như tế sao xin đôi vợ chồng trẻ ra tay cứu độ làm phúc. Nhìn thằng nghiện tuổi vị thành niên, mặt mũi khôi ngô mà đã tiều tuy, ánh mắt vô hồn của nó như dao cứa vào gan ruột vợ chồng Hải-Loan. Thì cứ thử giúp người ta xem sao, cai được là tốt, nếu không được thì trả lại, người ta đau mình cũng xót.
Tình thương tăng thêm ý chí
Mang chút kiến thức ít ỏi từng được Thị đoàn tập huấn, vợ chồng Hải-Loan nhận cai cho loạt đầu tiên gồm 5 con nghiện: Nguyễn Võ TH, Đậu Tiến D, Nguyễn Hồng L, Nguyễn Duy V và Trịnh Văn Đ; đứa "già" nhất sinh năm 1977, trẻ nhất sinh năm 1986. Thời gian đầu, Hải-Loan vận động các con nghiện hạ cấp độ từ chích giảm xuống hít, từ hít xuống hút, từ hút nhiều đến hút ít; lúc con nghiện này lên cơn thì các con nghiện khác chưa lên cơn cùng xúm tay phụ giúp Hải-Loan còng xiềng để "con ma" hết đường đập phá.
Khi là người, các tay nghiện đều phải tuân thủ răm rắp sự điều khiển của Hải-Loan, đứa vào bếp phụ giúp bà Thêm nấu nướng, đứa ra tham gia cùng Hải rửa xe, lau chùi bàn ghế, quét dọn nhà cửa, đến bữa các con nghiện ngồi cùng mâm, đêm ngủ cùng phòng, gia đình các con nghiện tự nguyện xin đóng góp chi phí tiền ăn, tiền thuốc thang trong thời gian con nghiện nội trú tại trại. Vậy là ông bà Thêm phải mang bếp núc ra đặt ngoài trời nấu nướng, dành hẳn căn bếp cho Hải-Loan dùng làm... đại bản doanh cai nghiện.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1983) nguyên là vận động viên thể thao của tỉnh, hiện làm nghề cắt tóc, là một trong 7 "biên chế" của "trạm" cai nghiện đồng đẳng. Hạnh tự nguyện tham gia đội đồng đẳng cũng bởi chồng là Trần Quốc Khánh 23 tuổi bị nghiện mấy năm liền, Hạnh kiên trì gần gũi vận động lôi được chồng ra khỏi vòng ma quỷ. 4/7 "biên chế" của đội đồng đẳng, mấy tháng trước nguyên là con nghiện, nay đã ra khỏi vòng kim cô ma tuý họ vui sướng tự tin.
Đội phó đội đồng đẳng Lê Hữu Trung, 28 tuổi trú khối 5 phường Tân Giang đã có vợ và 1 con gái; bị nghiện từ 1994, Trung tự nguyện đến "trạm" để cùng các "đồng nghiện" cai cho nhau. Sau khi cắt nghiện, Trung quyết tâm "mắc màn tại trại" để tránh xa những "bạn nghiện" chưa tự giác làm lại cuộc đời, anh đã vận động được thêm 4-5 con nghiện khác vào cai, hiện số này đã trở về kiếm công ăn việc làm. Trung khoe: Mới "lên chức" Đội phó đội đồng đẳng được 2 tuần, gia đình vợ con mừng vui khôn tả.
Nguyễn Võ TH (SN 1980) quê xã Thạch Phú - Thạch Hà trắng trẻo khôi ngô, dáng thư sinh. Bố là kỹ sư xây dựng đã nghỉ hưu, mẹ là thợ chụp ảnh Công ty nhiếp ảnh Hà Tĩnh về 176. TH học hết lớp 9/12 rồi vào Nam làm ăn với chị ruột đang sinh sống trong ấy, thời gian sau trở về tham gia nghề xây dựng, làm cửa sắt rồi bị bạn bè xấu rủ rê nghiện ngập suốt 3 năm. Từ ngày biết TH dính vào ma tuý, bố chỉ còn xác không hồn, mẹ không còn nước mắt để khóc thằng con trai duy nhất.
Là bạn của Hải-Loan, khi thấy Th tìm đến xin cai tại "trại" thì Hải-Loan hết sức vui mừng: Vợ chồng tao cai được cho người khác thì cũng sẽ cai được cho bạn bè. Mày phải quyết tâm và thực hiện đúng "phác đồ" do tao đề ra mới được". TH gật đầu và hăng hái tham gia tất tật những công việc vợ chồng Hải-Loan đang làm. Sau khi trở thành đội viên đội đồng đẳng, TH vận động Nguyễn Thế D (SN 1980) ở cùng xã vào đây cai. Khi được hỏi Sau khi cai được rồi, điều khiến TH và D lo nghĩ nhất là gì? Cả hai đều trả lời là không có được việc làm kiếm sống. Giờ ở đây còn có đồng đẳng chia sẻ bảo ban nhau, chứ khi về mà vô công rồi nghề rất dễ bị lũ nghiện tái kéo vào lắm.
Đoàn TNCS HCM thị xã Hà Tĩnh là "bà đỡ" của đội đồng đẳng. Phó bí thư Thị đoàn Nguyễn Thị Mai Thuỷ trăn trở: Trong nhiều mô hình đã triển khai thì cai nghiện đồng đẳng tuy ra đời muộn nhưng lại có hiệu quả nhất. Ưu điểm của loại hình này là tập hợp được những người hoàn toàn tự nguyện, tiếng nói của những người cùng cảnh có sức thuyết phục hơn so với người ngoài cuộc.
Với kết quả bước đầu, Thị đoàn rất tin cách làm của đội, có những người ra Hà Nội cai không được, vào với đội đồng đẳng thì lại cai được. Thiết nghĩ các giáo dưỡng viên trong trại 05, 06 nên thử làm như các đồng đẳng viên, biết đâu kết quả chắc vững chắc hơn.
(Theo Lao Động)
▪ Giá thuốc điều trị AIDS của Việt Nam tiếp tục giảm (26/03/2003)
▪ Thuốc AIDS sản xuất tại Việt Nam: Có thuốc - chưa có người mua (08/05/2003)
▪ Đang tìm chỗ đứng (29/06/2002)
▪ Bao giờ có thuốc điều trị AIDS giá rẻ ở Việt Nam? (29/04/2002)
▪ Thái Lan đưa ra thuốc chống AIDS rẻ nhất thế giới (09/04/2002)
▪ Châu Phi tìm kiếm nguồn thuốc giá rẻ điều trị AIDS (11/12/2001)
▪ Các nước nghèo phải được tiếp cận thuốc trị AIDS giá rẻ (15/07/2003)
▪ Sản xuất găng tay y tế diệt khuẩn (29/05/2003)
▪ Tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS (12/11/2003)
▪ Cập nhật da liễu số tháng 11-2003 (12/11/2003)