Không thể đảo ngược cải cách ở VN
Các Website khác - 03/12/2005
Ông Klaus Rohland

Ngày 1-12, giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN Klaus Rohland thông báo Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho VN năm nay sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 6 và 7-12.

Đây là dịp để Chính phủ và các đối tác nước ngoài thảo luận thẳng thắn về những cơ hội và thách thức phát triển của VN thời gian tới. Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Klaus Rohland.

* Thưa ông, đâu sẽ là những vấn đề “nóng” tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm nay?

- Chúng tôi sẽ cùng Chính phủ tập trung thảo luận các nhiệm vụ và giải pháp nhằm triển khai thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010 của VN. Đây là lần đầu tiên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của VN được đưa ra thảo luận cởi mở giữa các nhà tài trợ quốc tế và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có phiên thảo luận về sáng kiến chống tham nhũng mới của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, về tình hình dịch cúm gia cầm và HIV/AIDS. Với tôi, đây là những vấn đề “nóng” của VN.

* WB đánh giá thế nào về mức độ thiệt hại do cúm gia cầm gây ra đối với tăng trưởng kinh tế của VN?

- Chúng tôi ước tính thiệt hại do giảm lượng gia cầm từ năm 2003 (255 triệu con) đến 2004 (219 triệu con) là khoảng 36 triệu USD, tương đương khoảng 0,08% GDP.

Nếu tính tác động thật sự của dịch cúm là tổng thiệt hại đối với chăn nuôi gia cầm, sản xuất trứng và sản lượng gia cầm thay thế, tổng thiệt hại có thể lên tới 0,1% GDP.

Cách tính này cũng có thể được áp dụng cho năm nay. Tuy nhiên, ước tính này chưa bao gồm hậu quả của việc biến đổi virus H5N1 và đại dịch cúm ở người.

* Các khoản cho vay của WB đối với VN sắp tới sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng lĩnh vực giáo dục, truyền tải điện, cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, sẽ có nhiều khoản viện trợ không hoàn lại trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.

Đặc biệt sẽ có một khoản cho vay 40 triệu USD trong lĩnh vực quản lý công và công nghệ thông tin truyền thông. Một hợp phần của dự án này nhằm thiết lập những mạng lưới chính phủ điện tử tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM.

Chúng tôi hi vọng việc các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền được thực hiện qua mạng sẽ giảm thiểu cơ hội cho các hành vi tham nhũng.

“Một chính phủ có thể nhìn thấy nhiều vấn đề có nghĩa vụ phải hành động. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chính phủ ôm đồm mọi việc. Vận hành nền kinh tế thị trường có nghĩa là nhiều vấn đề sẽ do thị trường quyết định. Vì vậy, thách thức lớn của một chính phủ trong nền kinh tế thị trường là từ bỏ sự can thiệp của mình. VN đang trong con đường tìm tòi cách thức để chính phủ tập trung hơn vào nhiệm vụ hạt nhân của mình”.

* Đại hội Đảng của VN diễn ra vào giữa năm tới. Theo ông, các nhà tài trợ quan tâm tới sự kiện này như thế nào?

- Tôi cho rằng sự kiện này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung của hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm nay. Tuy nhiên, đây là một sự kiện quan trọng của VN nên chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của nhiều giới.

Bản thân tôi thấy rằng chất lượng các cuộc thảo luận giữa giới chức của Đảng, Chính phủ và các đối tác quốc tế đã cải thiện rất nhiều.

Theo quan sát của tôi, những quyết sách được đưa ra tại Đại hội Đảng sắp tới của VN sẽ tiếp tục là những chính sách thúc đẩy cải cách kinh tế - xã hội.

Đến thời điểm này có thể nói là không có gì sẽ đảo ngược lại tiến trình cải cách của VN, điều có thể thay đổi chỉ là tốc độ cải cách nhanh hay chậm. VN đang ở trên một bệ phóng và quan trọng hơn, con đường VN đang đi nằm trong xu hướng chung của thế giới.

Đó là mở cửa, toàn cầu hóa và hội nhập giữa các nền kinh tế. Do vậy tôi nghĩ nếu có sự thay đổi về nhân sự vào năm tới thì cũng không có những thay đổi lớn về chính sách phát triển đất nước mà VN đang theo đuổi.

* Nếu đưa ra một ưu tiên để tăng tính cạnh tranh của VN, ông sẽ tập trung cho lĩnh vực nào?

- Chất lượng giáo dục. Tôi cho rằng đó cần phải là ưu tiên số 1 tại VN hiện nay. Các thành tựu trong giáo dục của VN hiện mang tính số lượng, ví dụ tỉ lệ nhập học trẻ em cao, tỉ lệ biết đọc biết viết cao. Nhưng chất lượng rất không đồng đều.

Cần phải đảm bảo trẻ em miền núi cũng được thụ hưởng các dịch vụ giáo dục tương tự như trẻ em thành phố. Khi giá trị học thức các em nhận được thay đổi, điều đó dẫn tới giá trị các sản phẩm làm ra tại VN cũng thay đổi. Và VN có thể tăng năng lực cạnh tranh hơn.

* Xin cảm ơn ông.

(Theo Tuổi Trẻ)