Thuốc điều trị HIV và niềm hy vọng sống của người dân Botswana
Các Website khác - 02/01/2006

Catherine đã từng phải chôn cất hai đứa em gái chết vì AIDS trong thời gian chính cô cũng bị chẩn đoán nhiễm phải căn bệnh thế kỷ này. Kể từ khi nghe bác sĩ thông báo tin dữ, cô đã không thể ăn uống được nữa.

Cô nói: “Tôi nghĩ đó là ngày tận thế của đời mình”.

Nhưng ba năm sau đó, người ta lại được nhìn thấy cô gái trẻ này với chiếc mũ mềm che nắng vui vẻ cùng bạn bè lập kế hoạch cho đám cưới sắp tới. Và cùng thời gian đó, họ cũng đang cùng nhau chờ đợi những liều thuốc thần đem lại cuộc sống mới cho một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch AIDS.

Năm 2002, Botswana trở thành những đầu tiên ở châu Phi điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV. Với hơn 1/3 số dân trưởng thành nhiễm bệnh, không ít người nghi ngại lời hứa này liệu có khả thi?

Nhưng ngày nay đất nước đa phần là sa mạc này đã có phân nửa trong số 110,000 người có nhu cầu đã được điều trị bằng thuốc kháng virus giúp kéo dài sự sống. Điều này cho thấy, lời hứa mà chính phủ Botswana đưa ra ba năm trước đây đã có thể thực hiện được ở lục địa nghèo nhất thế giới này.

Ông Segolame Ramotlhwa, quản lý điều hành chương trình điều trị quốc gia được gọi là Masa hay New Dawn cho biết: “Nếu chúng ta để mặc cho đại dịch HIV phát triển, đất nước này sẽ bị chính nó tàn phá theo đúng nghĩa đen về mặt kinh tế và xã hội. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều trị cho người bệnh”.

Năm nay 2.4 triệu người chết vì AIDS

Theo thống kê của LHQ, đại dịch AIDS đã lan khắp toàn bộ tiểu vùng Sahara châu Phi và chỉ tính riêng năm nay, đại dịch cướp đi sinh mạng của 2.4 triệu người dân. Ở Botswana, tuổi thọ trung bình đã giảm xuống 39 tuổi, không đủ giường bệnh và nhà tang lễ phục vụ cho các bệnh nhân AIDS trong các dịch vụ 24 giờ.

Các loại thuốc phần nào đã biến căn bệnh chết người thành một bệnh kinh niên kiểm soát được ở các nước giàu có vẫn nằm ngoài tầm với của đa số quốc gia châu Phi, nơi có tới 60% trong tổng số khoảng 40 triệu người nhiễm HIV toàn cầu. Chi phí điều trị quá cao và không nhiều nước có đủ cơ sở hạ tầng để phân phối thuốc trên diện rộng.

Botswana có kích thước nhỏ hơn bang Texas của Mỹ một chút với lợi thế chỉ có 1.7 triệu dân. Kim cương khai thác được đã biến nơi đây thành một quốc gia tương đối giàu và hầu hết người dân đều cách bệnh xá gần nhất chỉ 5 dặm.

Nhưng Bộ trưởng bộ y tế Sheila Tlou cho rằng, điểm khác biệt quan trọng nhất chính là thái độ của Botswana trong công tác phòng chống đại dịch. Cam kết điều trị miễn phí của chính phủ đã được các nhà tài trợ như quỹ Bill & Melinda Gates và các hãng được phẩm lớn tài trợ nhưng chính bản thân chính phủ lại chỉ thanh toán cho hơn 90% chi phí của chính họ.

Ông Tlou nói: “Các nước châu Phi bảo họ không có tiền nhưng nếu phải trù tính cho một cuộc chiến thì trong nháy mắt, tiền sẽ hiện ra cho mà xem. Vì thế mà các bạn cần sự tận tụy đó. Thay vì chi tiền cho Cadillacs, hãy dành tiền cho những nơi có người dân”.

Nguồn năng lực hạn chế bị kéo căng

Tuy vậy có thể thấy là do nỗ lực điều trị rộng rãi mà nguồn nhân, vật lực vốn rất hạn chế đã bị tận dụng hết mức. Các quỹ phát triển đã được chuyển sang cho y tế trong khi nguồn quỹ y tế đã chiếm tới 1/4 ngân sách quốc gia.

Hiện có khoảng 52,000 người bệnh được điều trị miễn phí ở 32 điểm chăm sóc trên toàn quốc nhưng vẫn còn tới 7,300 bệnh nhân khác phải tự túc thuốc men cho mình.

Những kết quả thu được hoàn toàn có thể nhìn thấy. Những người bệnh ngày nào phải đi xe lăn hoặc được cáng tới bệnh viện nay đã có thể tự mình đi lại tới trạm xá. Nhiều người bệnh khác mặc dù đang nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nuôi hy vọng sớm được trở về cùng công việc.

Công tác điều trị là rất phức tạp và nếu không dùng đúng liều có thể sẽ gây nguy cơ kháng thuốc. Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo hoặc nhiều nhóm khác đã đảm bảo để các bệnh nhân có một “buddy” (bạn thân) nhắc nhở, hỗ trợ họ, và theo các bác sĩ thì tỉ lệ dùng thuốc liên tục đạt mức kỷ lục 85%.

Mặc dù ở Botswana thái độ kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn rất cao nhưng nhờ công tác điều trị luôn sẵn sàng đã khuyến khích được ngày càng nhiều người dân đi làm xét nghiệm.

Cô bé Catherine được đề cập trong phần đầu bài viết là một ví dụ, mặc dù gầy ngẳng và khắp mình mẩy đau đớn nhưng cô cũng phải chờ mất hai năm trời mới dám đi làm xét nghiệm xem mình có nhiễm virus HIV hay không?

Cô nói: “Thời điểm đó vẫn chưa có thuốc điều trị vì vậy tôi chưa muốn đi làm xét nghiệm. Đã có quá nhiều đám tang của những người chết vì bệnh này rồi”.

Một số người vẫn không chịu làm xét nghiệm

Theo các quan chức y tế ở Botswana thì có tới 35% trong tổng số những người nhiễm bệnh biết được tình trạng bệnh tật của mình. Dẫu sao so với những nước khác thì tỉ lệ này vẫn còn rất cao.

Không chỉ thế, sự hiểu biết của người dân về căn bệnh cũng ngày một nhiều hơn. Những người bệnh một thời từng bị vùi trong lặng lẽ giờ đây đã có thể trao đổi, chuyện trò thẳng thắn, cởi mở với nhau trong phòng chờ, nói với nhau những chi tiết về số tế bào CD4 và lượng virus trong cơ thể họ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là sự sợ hãi, phớt lờ và từ chối xét nghiệm đã chấm dứt triệt để bởi vẫn có rất nhiều người trù trừ che dấu căn bệnh cho tới khi quá muộn.

Với mong muốn có thêm nhiều người dân nhiễm HIV được điều trị miễn phí, Botswana đã thường xuyên tổ chức làm xét nghiệm HIV trong toàn hệ thống y tế năm 2003. Ngày nay đã có quá nhiều người bệnh sẵn sàng làm xét nghiệm tới mức các bác sĩ lo ngại không biết họ có đủ sức đáp ứng nhu cầu đó hay không.

Kim Thoa theo http://www.azstarnet.com