"Thượng đế thì thầm vào mỗi tâm hồn người": Hãy sống!
Các Website khác - 25/08/2008

Thấy anh ngần ngại khi chúng tôi lấy máy ảnh ra, tôi phân trần: “Anh đừng lo, khi đăng ảnh lên báo, Ban biên tập sẽ làm khuất khuôn mặt của anh. Sẽ không ai nhận ra mình cả anh à!”. Anh cười hiền, khuôn mặt hơi ngượng nghịu, nhưng giọng nói thì dứt khoát vô cùng: “Không phải làm mờ mặt đâu, kể cả quay lên tivi cũng được mà.”. Tôi hạ máy ảnh, không chụp nữa. Lòng tôi nghèn nghẹn, dâng lên một niềm cảm phục và muốn tìm lối đi để vào sâu những ngã rẽ, khúc quanh trong tâm hồn người thanh niên ngoài 30 có nụ cười rất duyên này. Tại sao? Tại sao Trần Anh lại không hề giấu giếm căn bệnh thế kỉ đã tồn tại trong cơ thể anh hơn 5 năm nay như bao người có HIV khác?

Những tháng ngày tươi đẹp

Tôi gặp Trần Anh trong bóng mát thanh tịch của ngôi chùa Pháp Vân nằm yên bình ở ngoại thành Hà Nội – nơi mà anh cũng như bao nhiêu người có HIV khác sống trọn vẹn những ngày còn lại một cách có ích trên cõi nhân gian này.



Trần Anh: Đó là sự chia sẻ...


Trần Anh vừa sắp xếp lại những bức ảnh chụp hoạt động của Hương Sen - CLB tư vấn và chăm sóc những người có HIV đã tồn tại trong chùa hơn 3 năm nay, vừa hồ hởi khoe với chúng tôi: “Tất cả những tấm này là để chuẩn bị trưng bày trong lễ Phật đản nhằm cầu siêu cho những người có HIV vào đầu tháng sau đấy!”.

Tháng 8 năm 2007 Trần Anh chính thức trở thành đồng đẳng viên trong câu lạc bộ Hương Sen và hoạt động cùng rất nhiều những tình nguyện viên và những người có HIV khác trong chùa. “Những người khác thì phụ trách việc tư vấn sức khoẻ và giải đáp mọi băn khoăn của những người có HIV qua điện thoại và gặp trực tiếp. Còn mình thì đến tận nhà, đảm nhiệm việc chăm sóc sức khoẻ cho họ.”.

Chiếc xe đạp mini đã cũ dựng trong góc căn phòng đơn sơ và những dụng cụ y tế là những người bạn thân thiết nhất của anh trên những ngả đường đi đến tận nhà để chăm sóc và chia sẻ với những người có HIV. Chuyến hành trình ấy đối với những nhân viên y tế, chẳng có gì đáng nói, với những người bình thường, có lẽ phải là một cố gắng lớn. Nhưng với Trần Anh, lại là cả một niềm hạnh phúc vô bờ. Những ngày mưa hay ngày nắng, dù sớm hay tối, được tận tay bôi thuốc vào những vết lở trên cơ thể những người bạn của mình, được nâng đỡ bạn dậy ăn cơm, uống thuốc, được lắng nghe và chia sẻ những tâm sự với các bạn thì có phải đạp xe khắp cái thành phố Hà Nội này, Trần Anh cũng thấy lòng mình ấm lại. Những lúc ấy, chàng trai nhìn gì cũng thấy đẹp, ăn gì cũng thấy ngon, trong đầu luôn chứa chan những ý nghĩ vui tươi. “Cũng khó khăn lắm để tiếp cận được với những người có HIV. Người thân của họ giấu lắm, chị ạ. Nhưng khi biết mình cũng là người đồng đẳng với họ thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều.” - Trần Anh chia sẻ.

Mỗi ngày được rong ruổi chiếc xe đạp trên mọi ngả đường, được dừng lại hỏi thăm một ai đó ngẫu nhiên khi anh lạc đường để tìm lối ra, Trần Anh lại cảm thấy những ngày cuối đời của anh không đơn thuần chỉ là sự tồn tại. Nhìn nụ cười luôn thường trực trên môi anh, nghe giọng kể rất đỗi tự hào về những công việc mà anh làm, tôi hiểu hơn giá trị của nhựa sống này và những nhịp thở của anh cũng như bao nhiêu đồng đẳng viên khác đang sống trong chùa khi muốn căng lồng ngực để hít hà mọi hương sắc của cuộc đời.


Với Trần Anh,
đi gom lại những mảnh đời không lành lặn của những
 người cùng cảnh ngộ, là một niềm hạnh phúc
.



Nắng đã lên cao, những giọt nắng xuyên qua ô cửa, nhảy múa trên khuôn mặt Trần Anh, soi rõ ánh mắt lấp lánh của niềm tin và hi vọng khi anh nói với tôi: “Bây giờ, cứ thứ ba hàng tuần, các anh em đồng đẳng viên và tình nguyện viên trong câu lạc bộ lại giúp nhà chùa nấu một nồi cháo lớn để phát từ thiện cho các bệnh nhân ở bệnh viện Thanh Nhàn chị ạ. Rồi thỉnh thoảng CLB lại tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi “Rung chuông vàng”, “Chiếc nón kì diệu”... có sự kết hợp của cả các bạn sinh viên và những người đồng đẳng viên trong chùa. Được tiếp xúc với các bạn trẻ và nhiều người khác, mình thấy vui như hồi còn là sinh viên.”

Những ngày đã qua

Tháng 8 năm 2007, có lẽ là cánh cửa thời gian khép lại những ngày u tối và mở ra cho anh bước vào ngôi nhà có ánh nắng ấm áp của mặt trời – ngôi nhà của đức tin và lòng từ bi hỉ xả trên cõi nhân gian gửi trọn vào đó. Sau cái xua tay và nụ cười hiền để nói chúng tôi không cần phải giấu khuôn mặt của anh khi đăng tải hình lên báo, đôi mi anh cụp xuống, và bắt đầu kể cho tôi những tháng ngày anh mang trong mình căn bệnh thế kỉ.

Ngay khi phát hiện ra anh có HIV, công ty xây dựng – nơi đã đón anh về làm ngay sau khi anh tốt nghiệp hạng ưu của trường ĐH Bách Khoa, lập tức đuổi việc. Người thân, bạn bè biết, ném vào anh những cái nhìn ghẻ lạnh. Người ta cứ nghĩ, trước mặt họ anh là thứ gì ghê tởm lắm và cần phải tránh xa. Những người khác ra đường, được tươi cười, nói chuyện và hỏi thăm nhau, còn anh ra đường thì chỉ biết cúi mặt. Biết rằng cái mặt mình không thể chai dày thêm khi nhận những ánh mắt khinh miệt, biết rằng cái tai mình không bị điếc khi vẫn nghe thấy hàng xóm xì xào về thằng bị “ết”, anh chỉ biết chui vào nhà và đóng kín cửa, không gặp ai, cũng không dám nói chuyện với ai ngoài 4 bức tường kín như bưng.

Những vết tiêm chích trên cánh tay rắn chắc nổi gân chằng chịt của một người đi làm công trình nay đây mai đó giờ đã lặn đi, nhưng cái mầm bệnh chết người thì đang tồn tại và giày xéo trong tâm can anh. Hối hận, tiếc nuối, day dứt, tội lỗi...giờ đã quá muộn. “Sống như thế này, thà chết đi cho rảnh.” – anh đã tự sỉ vả mình như thế. 4 năm đằng đẵng trôi đi với một con người giam mình trong bóng tối, sống trong tất cả những suy nghĩ hỗn độn ấy, không phát điên, phát rồ đã là may lắm! Với một chàng thanh niên, như thế đã là quá đủ. “Hồi ấy, xem ti vi, thấy chùa Pháp Vân có CLB Hương Sen là nơi để cho các bệnh nhân có HIV đến đó và giúp đỡ những người đồng đẳng tìm hiểu những kiến thức về HIV và chăm sóc những người có HIV khác, mình liền tìm đến cửa chùa. Lúc mới đến, sư thày Đàm Thích Thanh Vân, chủ trì chùa và cũng là người sáng lập ra CLB ân cần nói: Con đã đến đây, thì cứ ở lại chùa mà dưỡng bệnh, giúp đỡ và cùng những người bạn của con vượt qua những khó khăn của những ngày này nữa.”



Dám xuất hiện công khai chứ không phải chốn tránh sự thật chốn tránh chính mình.


Câu nói ấy của sư thày, lại thêm lời động viên của cha mẹ như những sợi nhân ái, yêu thương dệt nên tấm thảm tình yêu thúc đẩy nhựa sống trong Trần Anh trỗi dậy. Cuộc sống của anh như được bắt đầu lần thứ 2. Hạnh phúc vô bờ khi nhà chùa dành cho anh một căn phòng nhỏ, thoáng mát trong dãy nhà cấp 4 – nơi mà những người đồng đẳng như anh đang sống. Căn phòng giản gị nhưng gọn gàng và sach sẽ vô cùng. Mỗi sáng thức dậy, cảnh chùa thanh tịch, nắng mai ấm áp, như ngọn gió mát thổi vào lòng anh. Mỗi bữa cơm đạm bạc quây quần ăn cùng những người bạn, anh lại thấy bát canh thêm ngọt ngào. Mỗi lần nhấc điện thoại tư vấn cho những người đồng đẳng hay đạp xe bạt gió đi chăm sóc cho những người trong giai đoạn cuối anh lại thấy mình như bỏ thêm được chút nắng, chút gió để hoà chung vào với cuộc đời này. “Nhiều lúc, cứ ngỡ, mình đang mơ.” – anh bất chợt nói cái câu nói rút từ tâm can rồi lại ngại ngùng cười.

Tôi biết, trong cái nhịp sống hối hả, giấc mơ của người ta cũng khác nhau. Người ta mơ xây nhà lầu, mua xe hơi, mơ đi du lịch nước ngoài, mơ ăn những đặc sản và thết đãi nhau những món trên rừng, dưới biển. Nhưng với anh, với những người bạn của anh, được sống một ngày có ích, đựoc nói chuyện với người khác, được ai đó nhờ làm một việc gì đã là hạnh phúc lắm. Hạnh phúc ấy, anh đã từng khát khao, và bây giờ có được, lại ngỡ như mình đang nằm mơ.

Chao ôi! Người ta cứ mải mê đeo đuổi những ước vọng cao sang, trong khi anh, chỉ là một ước mong được như một giọt nước muốn hoà tan vào với biển đời. “Giá như có một việc làm, dù là việc gì thì mình cũng sẵn sàng. Miễn sao được mọi người công nhận giá trị của nó để mình có thể tự trang trải quãng đời còn lại mà không phải phiền luỵ đến nhiều người. Thuốc ARV mà mình và các bạn khác trong Hương Sen được dùng để duy trì những tháng ngày đẹp đẽ này đắt lắm...”. Nỗi niềm ấy, không chỉ của riêng anh, mà là cả một khát khao với bao nhiêu giọt nước khác muốn được hoà tan. Nhìn những luống rau xanh phun lên từ mảnh đất trong vườn, những bông hoa, chậu cảnh khoe sắc do chính tay các đồng đẳng viên trong chùa trồng, tôi biết các anh không ảo tưởng.

Lấy cho tôi xem danh sách địa chỉ những người có HIV anh chia sẻ: “Hàng tháng, anh Khải, phó chủ nhiệm Hương Sen lại sang các bệnh viện, đặc biệt là Viện huyết học của bệnh viên Bạch Mai để gặp trực tiếp các bác sĩ và xin danh sách những người có HIV tại Hà Nội để mình và các đồng đẳng viên khác đến tận nơi chăm sóc và chia sẻ với các bạn.” Rồi ngập ngừng, ánh mắt gửi vào một miền xa nào đó, Trần Anh nói với chúng tôi: “Giá như những người có HIV ở các tỉnh khác cũng được chăm sóc và được dùng thuốc ARV mình và các bạn trong các CLB ở Hà Nội. Còn nhiều người có H như mình nhưng lại không dám cho người khác biết đâu...”

Hà Giang - http://www.vietimes.com.vn/