Can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị cai nghiện
Các Website khác - 29/07/2008

 
Theo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, số người được cai nghiện có tăng về số lượng nhưng chất thì chưa có sự chuyển biến rõ nét, tỷ lệ tái nghiện còn đáng lo ngại; số người sau cai nghiện thực sự chưa ổn định, bền vững, có công ăn việc làm chưa nhiều.

Phát biểu khai mạc Hội nghị chuyên đề “Can thiệp giảm tác trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện", sáng 28/7, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng- Chủ tịch Ủy Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp chủ động phòng, chống bước đầu mang lại hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, cai nghiện và điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp nhưng công tác cai nghiện phục hồi ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, số người được cai nghiện có tăng về số lượng nhưng chất thì chưa có sự chuyển biến rõ nét, tỷ lệ tái nghiện còn đáng lo ngại; số người sau cai nghiện thực sự chưa ổn định, bền vững, có công ăn việc làm chưa nhiều. Công tác cai nghiện sau phục hồi chưa đồng bộ, chưa đều khắp, trong đó một số địa phương chưa chủ động, sáng tạo và còn trông chờ vào sự chỉ đạo hỗ trợ của Trung ương về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.

Theo Phó Thủ tướng, chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone là một trong các chương trình được nhiều nước triển khai, từ tháng 4/2008, chương trình lần đầu được triển khai thí điểm tại Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia quốc tế và Việt Nam cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các biện pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; đặc biệt là liệu pháp điều trị thay thế để tìm ra các giải pháp tốt nhất trong can thiệp giảm tác hại và các biện pháp điều trị cai nghiện tại Việt Nam đạt hiệu quả.

Phân tích dịch tễ học cho thấy, tốc độ lây nhiễm HIV 6 tháng đầu năm 2008 ở Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2007, số trường hợp nhiễm HIV ở nam giới cao hơn nữ giới 6 lần, nhưng số người nhiễm HIV ở nữ giới có xu hướng gia tăng. Số người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 20-39, chiếm 83,7%. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế: Đa phần các trường hợp nhiễm HIV ở nước ta là người nghiện chích ma túy; 55% trường hợp sử dụng ma túy lây nhiễm qua đường máu do sử dụng chung bơm kim tiêm. Điều lo ngại hơn 22% số người nghiện chích ma túy bị nhiễm HIV tiếp tục lây lan HIV cho người nghiện khác- đây là nguy cơ chính làm tốc độ lây nhiễm HIV ở nước ta khó kiểm soát. Đồng thời có sự đan xen giữa các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV do sử dụng chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn, tỷ lệ này khá cao tại tỉnh An Giang trên 43%, Cần Thơ 28,7%...

Dự báo những năm tiếp theo, lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy vẫn có nguy cơ gia tăng, nhất là ở các tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc dù dịch khởi phát muộn như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên nhưng sẽ gia tăng nhanh chóng nếu không có các biện pháp quyết liệt. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, với hình thái lây nhiễm HIV ở Việt Nam hình thức tập trung, đây là giai đoạn phù hợp để triển khai các biện pháp can thiệp.

Dự kiến Hội nghị kết thúc ngày 29/7./.

TTXVN