Nên cai nghiện ma tuý tự nguyện hay bắt buộc?
Báo Tiếng chuông - 24/04/2017
Luật Phòng, chống ma túy quy định 2 biện pháp cai nghiện đó là cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc.

 

Học viên cai nghiện chăm sóc vườn rau để tự phục vụ bữa ăn hàng ngày

 

Theo thống kê của Bộ Công an năm 2016, tổng số người nghiện ma túy trên toàn quốc có thông tin quản lý là 210.075 người. 100% các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, gần 90% quận, huyện và hơn 70% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã có người nghiện ma túy. Có 10 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, trong đó cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Sơn La. 

Số người nghiện sử dụng heroine đang giảm dần, hiện nay là khoảng 70%, số người sử dụng ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine, Ketamine, Cocaine, Cần sa ... đang tăng, điển hình như: Lao Bảo (Quảng Trị) 98%; Đà Nẵng 85%; Tây Ninh 61%. Phần lớn người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó nhiều trường hợp đã có hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Bộ LĐTB&XH, để điều trị cai nghiện ma túy thành công cần rất nhiều yếu tố, trên hết kiên định của người cai nghiện là vô cùng quan trọng. Nếu có ý chí kiên định thì liệu pháp cai nghiện ma túy tự nguyện chính là lựa chọn tốt nhất để người từng lầm lỡ này trở lại và hòa nhập xã hội.

Nhận thức được hiệu quả của mô hình cai nghiện tự nguyện, hầu hết các nơi đã tiến hành chuyển sang mô hình này. Tính đến hết tháng 12/2016, hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện đã được triển khai trên 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 110 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trung bình hàng năm tổ chức tiếp nhận, cai nghiện tự nguyện cho khoảng 3.500 người/năm; 22 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập đã tổ chức tiếp nhận, cai nghiện tự nguyện cho khoảng 1600 người/năm.

Năm 2014 đến nay, Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… đã triển khai việc hỗ trợ cho người đi cai nghiện ma túy tự nguyện, theo đánh giá kết quả bước đầu thì cho thấy hiệu quả hơn so với cai nghiện ma túy bắt buộc và đúng với khuyến nghị của các Tổ chức quốc tế, cụ thể: Nhận thức người cai nghiện ma túy tự nguyện cao hơn do được tư vấn về ma túy, tác hại của ma túy…, giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, tăng cường sức khỏe; người nghiện tự nguyện đi cai nghiện được gia đình tin tưởng hơn; giảm kinh phí cho nhà nước trong việc lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc; giảm kinh phí do sử dụng ma túy trái phép của người nghiện… Nhưng rõ rệt hơn là lợi ích cộng đồng, xã hội. Tình hình an ninh trật tự tại địa bàn được cải thiện, tội phạm giảm do liên quan đến ma túy. Cai nghiện ma túy tự nguyện đã mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho gia đình và xã hội.

Khác biệt giữa cai nghiện bắt buộc và tự nguyện

Thứ nhất, theo pháp luật của Nhà nước thì các đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc sẽ bị phạt về hành chính. Còn với cách cai nghiện tự nguyện thì không kèm theo quy định đó.

Thứ hai, chính là khoảng thời gian cai nghiện. Quy định thời gian cai nghiện bắt buộc kéo dài 2 năm còn phương pháp cai nghiện tự nguyện chỉ khoảng 3-6 tháng.

Thứ ba, khi tiến hành điều trị, người cai nghiện bắt buộc kiên quyết phải theo quy định của Nhà nước về chế độ cai nghiện thì người cai nghiện ma túy tự nguyện được cung cấp các hình thức dịch vụ theo yêu cầu. 

Thứ tư, cai nghiện ma túy tự nguyện phụ thuộc vào tâm lý người cai nghiện, hoàn toàn không bức ép trong một khuôn khổ nhàm chán nên người cai nghiện sẽ cảm thấy thoải mái và giảm bớt áp lực hơn rất nhiều. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một khi coi tình trạng lạm dụng ma túy là một vấn đề y tế công cộng, là rối loạn sức khỏe thì xã hội sẽ có cách can thiệp khoa học và nhân ái hơn, người bệnh sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn, họ sẽ tự tin hơn vào bản thân và cuộc sống.

Tình trạng lạm dụng ma túy và các chất gây nghiện đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, sẽ không có mô hình cai nghiện nào là duy nhất, không có phác đồ điều trị nào là đúng cho tất cả mọi người. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện với nhiều mô hình ở cộng đồng, để không chỉ là nơi chữa bệnh mà những mô hình này còn là nơi sẻ chia của gia đình và xã hội trên tinh thần nhân ái, bao dung. Có như vậy thì những người vấp ngã mới tự tin đứng lên làm người có ích cho gia đình và xã hội.