Các cuộc thi sắc đẹp thế giới: "Cạnh tranh" hay "đố kị"?
Các Website khác - 20/01/2009
Việc chạy đua giữa các cuộc thi sắc đẹp thế giới trong thời buổi nóng bỏng hiện nay âu cũng là chuyện bình thường. Nhưng liệu những cuộc cạnh tranh đó có... "lành mạnh"?

Không đứng chung sân: Vì quy tắc riêng hay "kị" nhau?

Ksenia Sukhinova - Tân Hoa hậu Thế giới (HHTG) 2008 và Hoa hậu Trương Tử Lâm đang có mặt tại Việt Nam để tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Mọi bước đường các cô đi đều được báo chí cập nhật hàng ngày.

Chuyến đi này không chỉ thể hiện sự thiện chí của hai người đẹp và BTC HHTG với đất nước mến khách Việt Nam mà còn cho thấy sự nỗ lực của Công ty RASS - đơn vị đồng hành với họ cả chặng đường kéo dài một tháng.

Trước đó, khi biết lịch trình này, Ngô Tiến Đoàn, người vừa đăng quang Mister International 2008, đã nhờ một công ty đại diện ở TP.HCM móc nối để mong cùng tham gia nhưng anh đã bị "khước từ".

Ngô Tiến Đoàn bày tỏ: "Phía công ty RASS cũng có ý muốn tôi cùng tham gia nhưng khi chuyển lời đề nghị tới Tổ chức HHTG thì họ nói rằng nếu sắp xếp tôi - đại diện Việt Nam đồng hành cùng thì sẽ có nhiều khó khăn’’.

Phải chăng Miss World Organization (Tổ chức HHTG) - đơn vị đồng tổ chức Mister World  - một cuộc thi sắc đẹp dành cho nam giới diễn ra hàng năm, không muốn người đăng quang ở cuộc thi sắc đẹp khác dành cho phái mạnh như Mister International đứng chung sân hay bởi họ có quy tắc riêng?

Trước đây, tổ chức HHTG và tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới (HHHV TG) đã có cuộc "chạm trán" nhau vào hồi tháng 6/2008. Khi cuộc thi HHHV TG 2008 lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, các người đẹp đang có những hoạt động bên lề tại TP.Nha Trang thì HHTG 2007 Trương Tử Lâm và đại diện Tổ chức HHTG xuất hiện tại đây để tham gia các buổi từ thiện và đi khảo sát một số địa điểm cho việc tổ chức HHTG 2010 tại Việt Nam.

Một giả thiết được đặt ra ngay: phải chăng Trương Tử Lâm sang vào dịp đó cũng là "một công đôi việc", cánh báo chí còn kháo nhau người đẹp Trương sẽ cùng sóng đôi với đương kim Hoa hậu Hoàn vũ lúc đó là Riyo Mori và Á hậu 1 Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 Teressa Sam diễu hành trên phố cùng với các thí sinh HHHV TG 2008. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. 

Liệu có phải do hai bên "kị" nhau? Một người đại diện phía Việt Nam cùng đồng hành trong BTC HHHV TG 2008 khi được hỏi về "giả định" này đã bày tỏ rằng tổ chức HHHV TG làm như vậy là theo nguyên tắc riêng của mình. Theo anh, một bên bỏ tiền ra làm, một bên ở đâu nhảy vào, thì e rằng...

Tân HHTG 2008 và bà Julia Morley - Tổ chức HHTG. (Ảnh: Phạm Hải)

Trượt "hoa hậu" này, "đậu" hoa hậu khác?

Bất cứ người đẹp từng đăng quang một cuộc thi sắc đẹp mang quy mô toàn quốc ở bất kỳ một quốc gia hay lãnh thổ nào, khi được sự cho phép của các cơ quan chức năng trong nước cũng như được BTC của Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất... chấp thuận thì đều có thể góp mặt so tài.

Và tất nhiên, mỗi cuộc thi đều đưa ra những tiêu chí riêng của mình. Chẳng hạn, Hoa hậu Hoàn vũ là 3B: Brains (trí tuệ, sự thông minh), Behaviour (sự khéo léo) và Beauty (sắc đẹp) còn Hoa hậu Thế giới chủ yếu đề cao vẻ đẹp tự nhiên và quan trọng nhất là vẻ đẹp nội tâm, tri thức.

Hoa hậu Trái Đất thì ngoài sắc đẹp sẽ chú trọng đến việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường. Hoa hậu Quốc tế không những chấm dựa trên nhan sắc mà còn phụ thuộc vào lòng nhân từ, sự thanh lịch, trí tuệ, khả năng chủ động và quan trọng là sự nhảy cảm về thế giới.

Bởi vậy, hiện tượng một số người đẹp đại diện quốc gia mình đi so tài ở HHHV thì "trượt vỏ chuối" nhưng lại rinh giải cao ở HHTG là điều đã, đang và sẽ còn tiếp tục xảy ra. Đơn cử như người đẹp Ingrid Rivera (Puerto Rico) từng đoạt Á hậu 2 HHTG 2005 nhưng trong cuộc thi HHHV TG 2008 tên cô thậm chí còn không nằm trong danh sách top 15 người đẹp.

Tương tự, Alfina Nasyrova (Kazankhstan) không được đánh giá cao ở Hoa hậu Hoàn vũ 2008 nhưng ở cuộc thi HHTG 2008 thì lọt vào danh sách Top 15. Trường hợp của Tansey Coetzee (Nam Phi) cũng thế. Ở HHHV TG 2008 cô chỉ ngậm ngùi có mặt trong top 15, nhưng bước sang HHTG 2008 một phần với lợi thế nước chủ nhà nên cô đã "đàng hoàng" đứng trong Top 5 người đẹp.

Ingrid Rivera đoạt Á hậu 2 HHTG 2005 nhưng ở HHHV 2008 không vào top 15 người đẹp

"Mỹ nữ" Priscila Perales đặc biệt hơn. Tháng 7/2006, cô đại diện Mexico tại cuộc thi HHHV TG 2006 được tổ chức tại Mỹ và dừng lại ở top 10 người đẹp nhất. Năm 2007, sau khi Mexico giành được bản quyền tham dự Hoa hậu Quốc tế, Priscila Perales tiếp tục được chọn và kết quả chung cuộc đã trở thành người đầu tiên của quốc gia mình đăng quang ngôi vị Hoa hậu Quốc tế 2007.

Trên thế giới, việc các thí sinh được tự do tham gia các cuộc thi sắc đẹp dù tiêu chí của các cuộc thi này rất khác nhau là hết sức bình thường. Vấn đề chỉ là thí sinh phải cân đối thời gian, lịch trình sao cho có hiệu quả nhất, gặt hái được thành công lớn nhất. 

Trong khi đó, các thí sinh Việt Nam tuân theo "luật bất thành văn": đã tham gia cuộc thi này thì dứt khoát không tham gia cuộc thi nào nữa. Điều này vừa phí phạm cơ hội của chính các thí sinh, vừa tạo nên ý thức không đúng về tính chất các cuộc thi sắc đẹp khác nhau. Cái mà chúng ta quen gọi là "kỳ thị".
 
Theo VietNamNet