Tối chủ nhật (1-3), giải Cánh diều vàng 2008 sẽ chính thức được trao. Năm thứ tư của Cánh diều vàng, phim dự giải ngày càng ít, nhưng không có nghĩa là ít chuyện để nói.
![]() | |
Hai gương mặt mới gây ấn tượng trong hai bộ phim đang là đối thủ “nặng ký” của giải Cánh diều vàng: Hoàng Cao Đề - vai chồng cô giáo Hạnh trong phim Trăng nơi đáy giếng và Phạm Thị Hân (vai bé Thủy) trong phim Cú và chim se sẻ - Ảnh tư liệu |
Qua bốn ngày chiếu miễn phí cho khán giả Hà Nội và ba ngày xem phim cùng ban giám khảo, đã có thể thấy để chinh phục đối tượng khán giả của riêng mình, cả những người làm phim để lấy giải hay làm phim để bán cũng còn quá nhiều việc phải làm.
Sáu phim, năm dòng khác nhau
Cánh diều vàng năm nay có thêm hạng mục phim do khán giả bình chọn. Kết quả dựa vào sự bầu chọn của 4.500-5.000 người đã nhận vé xem miễn phí sáu phim nhựa tranh giải. Sau mỗi buổi chiếu, mỗi khán giả được phát một phiếu đánh giá có thang điểm 1-10. Phim có điểm trung bình cao nhất sẽ đoạt giải phim do khán giả bình chọn. Nga Linh |
Giải cứu thần chết và Đẹp từng centimet nếu bị loại ngay từ vòng “gửi xe” chắc cũng không nên trách ban giám khảo đã kỳ thị với phim thị trường. Đơn giản vì so với ngay bộ phim được coi là “thị trường” không kém - Chuyện tình xa xứ, “Đẹp” và “Thần chết” đã tỏ ra thua kém từ cách chọn đề tài (lặp lại môtip cũ của chính hai phim gần nhất của hai đạo diễn), chọn diễn viên (vẫn cũ), chọn cách xử lý (cùng nhại). Nếu có hơn thì đó chính là các chiêu thức quảng bá và số tiền thu về từ bán vé thật ra cũng đã đền bù xứng đáng cho công sức của các nhà làm phim.
Cũng thuần túy giải trí, với chuyện tình yêu tay ba xưa như thuở khai thiên lập địa, nhưng Chuyện tình xa xứ mang đến sự dễ chịu về một lựa chọn đúng của dòng phim “Việt kiều”. Phim tiếp cận thẳng vào vấn đề mà các nhà làm phim người Việt ở nước ngoài am hiểu nhất: đời sống của cộng đồng Việt ở trời Tây, cùng giấc mơ cháy bỏng được “qua bển” đổi đời của cả một thế hệ thanh niên trí thức trong nước. Với sự tự tin của những người biết mình đang làm gì, đạo diễn Victor Vũ chọn cho bộ phim một góc nhìn hóm hỉnh, rất nhiều chi tiết lấp lánh ánh cười.
“Trai xinh gái đẹp” vào phim không phải chỉ để khoe hình thể và quần áo, ai cần đẹp kiểu gì được xác định rất chính xác hợp với tính cách. Cũng đã lâu lắm trên màn bạc mới có một cặp uyên ương đẹp (thật) như Bình Minh và Kathy Uyên, khác hẳn kiểu đẹp khắc khổ của các nhân vật người tốt những năm chiến tranh và đẹp kiểu “hoang mang về giới tính” của các sao mới nổi gần đây.
Chuyện tình xa xứ không phải một phim nặng ký, nhưng nó cho một sự so sánh gần gũi nhất để người xem thấy được một phim giải trí nên được làm như thế nào.
Ba bộ phim được coi là nặng ký hơn, đồng thời cũng nặng nề hơn là Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tử và Cú và chim se sẻ lại trôi theo ba dòng khác nhau nữa, khiến ban giám khảo luôn “vun xới cảm xúc” khi phải xem tập trung liên tiếp. Một phim kỹ càng như đàn ông Huế, một phim hồn nhiên ngây thơ như tác phẩm đầu tay của một cậu sinh viên, một phim hoành tráng đúng kiểu vừa là đại gia vừa biết võ thuật. Trái với không khí chấm giải mọi năm - luôn rộ lên những tràng cười trong những tình huống ngớ ngẩn, những bình luận hoặc cảm thán cực kỳ ngẫu hứng và dí dỏm, thậm chí có người… ngủ gục khi gặp phải một phim lê thê - năm nay ban giám khảo ngồi xem khoanh tay trước ngực im lặng từ đầu đến cuối, rất ít ai mở lời, không chỉ vì ngại bị săn tin kết quả chấm giải, mà quả thật “khó ăn khó nói”.
Chậm và buồn - dòng chủ đạo
Nhưng dù khó khăn đến mấy, kín tiếng đến mấy thì người cẩn trọng nhất cũng phải thừa nhận cơ hội đoạt diều vàng năm nay chắc chắn chỉ đến với một trong hai bộ phim mới nhất và kín tiếng nhất: Trăng nơi đáy giếng cùng Cú và chim se sẻ. Cả hai phim cũng đi vòng quanh thế giới, lĩnh kha khá giải và cùng vòng về VN dự tranh cánh diều.
Sẽ thật bất công nếu khắt khe với phim của đạo diễn Vinh Sơn, vì phim của anh rất nuột nà, trau chuốt, kỹ càng, đầy tâm huyết. Nhưng cũng chính vì biết Vinh Sơn vốn như thế mà những người yêu mến anh và phim của anh cảm thấy hụt hẫng khi xem Trăng nơi đáy giếng. Đơn giản vì đó là một phim cũ, các vấn đề đặt ra càng cũ và đạo diễn lại chọn cách thể hiện truyền thống. Trăng nơi đáy giếng chọn tiết tấu chậm để phù hợp với không khí của một câu chuyện diễn ra ở Huế - nơi thời gian không trôi. Cái cách mà một người đàn bà yêu chồng đến mù quáng, hi sinh cho tình yêu một cách tận tụy và ngu ngốc, rồi bị phụ tình như một tất yếu được thể hiện trong Trăng nơi đáy giếng khá nhuyễn và thuyết phục, nó làm cho người ta tin ngay, thương ngay, nhưng lại không làm ám ảnh.
Nếu có một điểm nhấn trong phim Vinh Sơn, đó chính là diễn viên nam chính - chồng cô giáo Hạnh. Anh lột tả được tất cả những gì mà đạo diễn gửi gắm. Sự hèn, đớn, bạc, ác của người chồng, qua diễn xuất của anh, chỉ có thể thốt lên: “Không thể nói gì hơn”. Đạo diễn Vinh Sơn còn phải nửa đùa nửa thật: “Tôi sợ nhất đem phim về Huế chiếu, đàn ông Huế chắc đánh tôi mất!”. Trong bình diện chung khi mà các nam tài tử của chúng ta rất vất vả để thể hiện chất đàn ông của mình trong vai diễn, thì vai diễn “phản đàn ông” này càng trở nên đáng ghi nhận.
Chắc hẳn nhà quay phim Trinh Hoan sẽ rất buồn khi biết những thước phim cực kỳ công phu của anh lại không được đón nhận nồng nhiệt bằng những cảnh quay “sống sít” như phim tài liệu, với một camera cầm tay của đồng nghiệp trong phim Cú và chim se sẻ. Ở đây không nói về tay nghề của quay phim, mà nói về cách lựa chọn và xử lý của đạo diễn Stephane Gauger khi quyết định quay bộ phim này chỉ trong 15 ngày, với phong cách quay phim tài liệu. Vô số sạn, vô số “lỗi văn hóa” có thể nhặt ra được ngay từ lần xem đầu trong Cú và chim se sẻ, nhưng cái ấn tượng về sự hồn nhiên, về cảm giác “thật”, về cái không khí cuộc sống hiện đại phả trực tiếp vào người xem đã khiến phim vượt qua được sự e dè ban đầu với những câu thoại lơ lớ và những cú máy kém chỉn chu.
Hai nhân vật người lớn (Hải - nhân viên sở thú - vai diễn chính thứ ba liên tiếp của Lê Thế Lữ, và Lan - chiêu đãi viên - diễn viên Việt kiều Cát Ly) nhiều chỗ hụt hơi và sượng, nhưng vai bé Thủy (Phạm Thị Hân) thật khá. Rất nhiều nhà báo đã chấm phim này cho giải báo chí. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - giám khảo - bày tỏ: “Tôi thích cách đặt vấn đề của phim này, cách xử lý hình ảnh kiểu tài liệu tôi cũng thích. Vai em bé rất tốt, không biết đạo diễn đã tìm được em ở đâu?”.
Vậy là “Trăng” sẽ phải đọ trực tiếp với “Cú”. Kể cũng buồn vì đó đều là hai phim… không vui. Mạch chậm và buồn có vẻ là đặc tính cố hữu của các phim VN mang đi thi thố xứ người. Liệu đến bao giờ mới có một phim được coi là “nghệ thuật” vừa mãn nhãn, vừa hóm hỉnh mà lại không bị buồn buồn chầm chậm?
VIỆT HOÀI
▪ HTV AWARDS 2008: Những bất cập ở mùa giải thứ ba (25/02/2009)
▪ Thảo Nhi lần đầu lên sân khấu (25/02/2009)
▪ Paris Hilton ghen với tình cũ (25/02/2009)
▪ Kim Hye Soo không muốn lấy chồng (25/02/2009)
▪ Linh Nga: thanh thản múa trên quê hương (25/02/2009)
▪ Thuỷ Top có mặt tại lễ trao giải "Tứ Đại Thần Khí" game TLBB (25/02/2009)
▪ Hoàng Thuỳ Linh "hẹn hò" với game thủ Linh Vương (25/02/2009)
▪ Những nụ hôn tại Oscar (24/02/2009)
▪ Nghe "người đẹp khóc" tâm sự chuyện tình yêu (24/02/2009)
▪ Jennifer Phạm và Thúy Hạnh: Hai người mẹ, một mong ước (24/02/2009)