Chiếu chèo và cuộc giằng co giữa hiện đại và truyền thống
Các Website khác - 06/09/2005

Một cảnh trong vở chèo Hồ Xuân Hương

TT - Năm năm, một khoảng thời gian vừa phải nếu không muốn nói là hơi dư dả để các đoàn chèo trong cả nước chuẩn bị đem "gà nhà" ra thi thố với nhau.

Thế nhưng, trước thềm Hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 (diễn ra từ 7 đến 17-9-2005 tại Quảng Ninh), vẫn râm ran hoài cái băn khoăn của gần 20 năm trước: có nên hiện đại hóa chèo hay không?

Hồi đầu năm (5-1-2005), Cục Nghệ thuật biểu diễn có ra một qui chế khiến nhiều người giật mình: cấm các vở diễn đề tài dã sử, dân gian, cổ tích, huyền thoại, nhằm động viên các vở diễn về mảng đề tài hiện đại. Lý do: sân khấu chèo đã quá đủ những rườm rà, ảo não, hào nhoáng, những tuồng tích cổ xa rời thực tế. Vì vậy tiêu chí của hội diễn năm nay là hiện đại chừng nào tốt chừng ấy.

Ngay lập tức, qui chế đặc biệt này đã nhận được nhiều phản ứng gay gắt từ phía những người làm nghề. Bởi sở trường của chèo từ xưa đến nay là khai thác những mảng đề tài mà... cục vừa cấm, nếu tước đi những "bài tủ" đó thì sẽ có khá nhiều người phải ngồi chơi xơi nước. Vì vậy, trong 18 vở đăng ký ở hội diễn lần này, chỉ có bốn vở là thuận theo mong muốn của cục, số còn lại vẫn “ngoan cố” đến với mảng đề tài lịch sử, dân gian theo kiểu "chuyện đã rồi, làm gì nhau" (!) và tự an ủi rằng lần này không còn áp lực về huy chương (vì hội diễn năm nay chỉ trao một giải thưởng cho vở diễn xuất sắc nhất).

Nhưng có đề tài phù hợp chưa chắc đã xong chuyện, một vấn đề quan trọng khác là phải dựng thế nào. Có đạo diễn mạnh tay cắt bớt nhạc, bỏ nói vần, giảm phần múa, tăng tính kịch nhằm tải lượng thông tin nhiều hơn, khán giả thích xem nhưng đạo diễn bị liệt ngay vào thành phần... phá hoại chèo. Đó là chưa kể nhiều kiểu lai tạp hiện đại như: chèo - nhạc vàng, chèo - rock, chèo - opera, chèo - cải lương, chèo - tấu hài...

Dựng thế nào để vừa hiện đại gần gũi, hấp dẫn khán giả, vừa đảm bảo được những nguyên tắc cơ bản của loại hình kịch hát truyền thống là điều không dễ dàng đối với các đạo diễn chèo. Vậy nên mới có cảnh lèo tèo vài ba đạo diễn trong một hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc, quay đi quay lại cũng chỉ vài gương mặt quen thuộc: NSƯT Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Bùi Đắc Sừ, NSƯT Xuân Huyền.

Có người trót dựng nhiều vở cho nhiều đoàn khác nhau, đến khi cục ra qui định mỗi đạo diễn chỉ được dựng hai vở thì... đành thôi, nhờ ai đó đứng ra "che chở" hộ một ít "đứa con" của mình vậy.

Lại nhớ, năm 1988 đạo diễn Doãn Hoàng Giang bị coi là kẻ phá chèo nhưng lại khiến khán giả ùn ùn kéo nhau đến rạp để xem vở chèo Nàng Sita. Kỳ tích như vậy dù bị đánh giá là không chính thống vẫn khiến cả làng chèo mơ ước. Dù muốn hay không thị hiếu khán giả vẫn là yếu tố cần quan tâm, dù là loại hình nghệ thuật nào. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đầy tâm trạng khi đưa ra những qui chế mới thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa chèo.

Tuy nhiên lại vấp phải bức tường truyền thống quá kiên cố. Các đạo diễn cũng muốn góp phần "gần gũi hóa" chèo, nhưng lại ngán những bậc thang hàn lâm cao ngất ngưởng của nghệ thuật này. Trên báo chí, nhà nghiên cứu Hoàng Kiều (tác giả vở Quan Âm Thị Kính) ra sức kêu gọi: "Đừng biến chèo thành kịch nói phương Tây", trong khi đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang vẫn bình thản: "Tôi là thằng chèo gian, là kẻ phá chèo. Cứ chửi đi, nhưng có đoàn chèo nào không mời tôi đâu! Làm như phá, mà lại... được thiên hạ thích nên nhiều người ức là phải!".

Chẳng biết cuộc giằng co đó sẽ đi về đâu, vấn đề này đã được khơi mào từ mươi năm trước và chưa có gì hứa hẹn là sẽ ngã ngũ sau hội diễn lần này, có lẽ đó là chuyện của... mươi năm sau nữa.

HOÀNG ANH