Cùng nhau, chúng ta sẽ làm được việc có ích
Các Website khác - 24/08/2005

Cùng nhau, chúng ta sẽ làm được việc có ích

Từ phải sang: Chị Phương Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm, chị Hiền Trâm, ba người bạn Mỹ (Robert, Neil và Fred) - Ảnh: Uyên Ly
TT - Gia đình liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhà văn Vương Trí Nhàn và những người bạn từng gần gũi với chị Trâm đều vui mừng khi được mời tham gia chương trình “Ngọn lửa tuổi trẻ” (ngày 26-8 tại công viên 30-4). Họ sẵn sàng chia sẻ ấn tượng về những tấm gương anh hùng, luôn lung linh và sống động trong ký ức.

Ngôi nhà nhỏ trong ngõ phố Đội Cấn của bà Doãn Ngọc Trâm (mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) cùng con gái út Kim Trâm luôn mở rộng cửa để tiếp người tới thăm, trò chuyện. Chị Phương Trâm (con gái thứ hai) kể: “Gia đình bây giờ đã thành gia đình mở rộng rồi. Cả nhà nghĩ rằng câu chuyện về chị Thùy không còn là chuyện của riêng gia đình nữa. Trong cuộc giao lưu sắp tới, câu chuyện sẽ giúp ích cho các bạn trẻ, gợi ý cho các bạn những suy nghĩ, ý tưởng thiết thực, có ích cho xã hội”.

Chị Kim Trâm rất tâm đắc với kịch bản chương trình giao lưu, cho rằng ý tưởng của đạo diễn Lê Quý Dương trùng hợp với những gì gia đình đã suy ngẫm nhiều ngày qua: “Dường như các liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cùng nhau quay về để tiếp tục thực hiện sứ mạng tâm linh với thế hệ trẻ hôm nay”.

Người thương binh - “ca mổ ruột thừa” được nhắc tới trong trang đầu cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm - anh Huỳnh Đoàn San cũng sẽ có mặt tại buổi giao lưu. Có một điều ít ai biết: trong gia đình anh San hiện cũng có một Thùy Trâm, anh đã lấy tên người nữ bác sĩ mà anh cảm phục để đặt tên cho con gái đầu của mình. Bất cứ lúc nào, hễ có ai hỏi anh về “chị Thùy”, anh sẽ miên man kể về chị như sợ rằng sẽ bỏ sót chi tiết nào đó.

Một hình ảnh khác về chị Thùy sẽ xuất hiện trong buổi giao lưu, đó là bức chân dung nữ bác sĩ của họa sĩ Phạm Mùi. Họa sĩ là người bạn đặc biệt của chị Thùy, ông là người đồng hành với chị từ khi chia tay Hà Nội vào Nam mùa Noel năm 1966 và thường xuyên liên lạc với chị trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Họa sĩ vui mừng nói ông có cảm giác như được trở về thời trai trẻ khi được mời giao lưu.

“Cảm ơn nhà tổ chức đã cho tôi cơ hội trò chuyện cùng bạn đọc” - nhà văn Vương Trí Nhàn, người biên tập cuốn nhật ký, đã nói với báo Tuổi Trẻ như vậy. Vương Trí Nhàn cho biết ông đã sẵn sàng chia sẻ những cảm nghĩ cá nhân với tư cách là người cùng thời với những liệt sĩ: “Tôi mong rằng cùng nhau, chúng ta sẽ làm được một việc có ích. Sau khi đọc sách và xem chương trình này, công chúng có thể sẽ tự đối thoại với mình. Những suy nghĩ và việc làm tích cực được gợi ra từ đó”.

UYÊN LY