ĐH Hội Nhạc sĩ VN lần thứ VII: Cần tạo nên những âm vang mới…
Các Website khác - 23/08/2005

Các nhạc sĩ trong phút giải lao của Đại hội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Gần 500 đại biểu, đại diện cho 934 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tham dự Đại hội lần thứ VII Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chính thức khai mạc sáng nay, 23-8, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội.

Một thời kỳ sôi nổi

Nhìn lại 5 năm của một nhiệm kỳ Đại hội Hội Nhạc sĩ, có thể thấy, đó là một thời kỳ khá sôi nổi của âm nhạc, một thời kỳ mà cả ba dòng nhạc: truyền thống, giao hưởng thính phòng và ca nhạc giải trí đều có những khởi sắc đầy ấn tượng.

Với sự kiện Nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới và được giới thiệu ở Liên hoan âm nhạc châu Á thể hiện sự đánh giá cao của nhân loại đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, những năm gần đây cũng liên tục “xuất ngoại”, đi biểu diễn ở Trung Quốc, Thái-lan và tham gia Liên hoan các dàn nhạc giao hưởng châu á tại Nhật Bản.

Sân khấu nhạc nhẹ “nở rộ” ở các thành phố lớn, thu hút đông đảo công chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Nhiều cuộc thi hát hằng năm do các đài phát thanh, truyền hình tổ chức để phát hiện các giọng ca trẻ đã gặt hái nhiều thành công, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ ca sĩ nhạc nhẹ.

Đã hình thành một đội ngũ sáng tác trẻ có tài năng và phong cách mới. Giao lưu âm nhạc trong nước và quốc tế được mở rộng, từng bước tiến đến chuyên nghiệp hoá và hội nhập. Đó là những kết quả đáng mừng, khẳng định sức sống, bước phát triển của nền âm nhạc nước nhà trong một giai đoạn nhiều chuyển động của xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận đáng mừng, những năm vừa qua cũng là một giai đoạn âm nhạc có quá nhiều vấn đề “nổi cộm” gây xôn xao dư luận xã hội, ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần người nghe, nhất là giới trẻ.

Tình trạng “nghiệp dư hoá”

Bức xúc và tâm huyết, nhiều nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc sẵn sàng bày tỏ quan điểm, không né tránh những vấn đề gai góc và nhạy cảm ngay trong hành lang Đại hội.

Có thể vì thời gian không nhiều, nên các đại biểu rất quan tâm đến diễn đàn của các phương tiện thông tin đại chúng. Thẳng thắn và gay gắt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VI, cho rằng: Một bộ phận nền âm nhạc của chúng ta đang bị nghiệp dư hoá. Không chỉ một số người viết hay một phần của đời sống nhạc nhẹ bị nghiệp dư hoá, mà điều đáng báo động hơn là tình trạng nghiệp dư hoá “tai âm nhạc” của một bộ phận không nhỏ công chúng trong xã hội.

Cùng có chung quan điểm, nhạc sĩ trẻ Giáng Son, đại biểu trẻ nhất của Đại hội (sinh năm 1975), bày tỏ nỗi buồn khi âm nhạc bác học của chúng ta đang “chìm” hơn so với nhạc trẻ. Trong khi, nhạc trẻ đang phát triển “nở tung” với tất cả những cái tốt và cái xấu, và dường như cái xấu lại chiếm phần nhiều. Đáng buồn là những tác phẩm dở được viết ra vẫn có công chúng đón nhận. Nhiều sáng tác ca khúc, mới nghe, không thể nhận ra đó là ca khúc Việt Nam bởi ca từ và giai điệu bị ảnh hưởng quá nhiều của nhạc nước ngoài, nhất là nhạc Hoa.

Cần phải nói rằng, không phải đến bây giờ, thực trạng đáng báo động về chất lượng của đời sống nhạc nhẹ mới được các nhạc sĩ và dư luận nêu ra. Với tư cách một hội nghề nghiệp, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã rất tích cực tìm biện pháp cải thiện tình hình. Chỉ trong một nhiệm kỳ vừa qua, đã có đến bốn hội thảo được tổ chức để bàn về việc nhìn nhận, đánh giá và nâng cao chất lượng ca khúc nhạc nhẹ. Song, dường như những hội thảo nghiệp vụ chứa đựng không ít chất xám và tâm huyết đó, lại có rất ít tác động đến đời sống âm nhạc.

Có hai lý do hạn chế “tầm tay” của Hội Nhạc sĩ: Một là, những người viết ca khúc nhạc trẻ, phần nhiều, lại chưa phải là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hai là, Hội không có những “công cụ” tuyên truyền đủ mạnh để định hướng dư luận xã hội. Hội đồng lý luận của Hội, tuy có chức danh, nhưng lại gần như tê liệt hoạt động. Theo một nhà lý luận phê bình âm nhạc có tiếng, thì hình như trong suốt nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Hội đồng này không hề có một phiên họp nào, nói gì tới những hoạt động nghiệp vụ.

Hội Nhạc sĩ cũng có một tờ tạp chí (Âm nhạc và Thời đại) nhưng chỉ phát hành ba tháng/số, và cũng chỉ bó hẹp trong đối tượng là các hội viên, mà không tạo được tiếng nói nghề nghiệp có trọng lượng.

Trong báo cáo tổng kết, Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ VI cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: “Sinh hoạt lý luận của Hội còn mờ nhạt, thường bị dư luận phê phán là thiếu nhạy bén hoặc còn lảng tránh trước những bức xúc trong đời sống âm nhạc xã hội. Phê bình chưa theo kịp thực tiễn đời sống âm nhạc, chưa định hướng có hiệu quả cho sáng tác và biểu diễn cũng như chưa định hướng được dư luận công chúng”.

Âm nhạc hàn lâm chưa có vị trí xứng đáng

Một trong những vấn đề bức xúc được Ban chấp hành nhiệm kỳ VI ưu tiên đặt lên bàn nghị sự của Đại hội là: vị trí của âm nhạc hàn lâm trong đời sống xã hội.

Dù các hoạt động biểu diễn khí nhạc thời gian gần đây có nhiều khởi sắc, với các chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn cùng các nhạc trưởng trong nước và quốc tế, nhưng âm nhạc bác học vẫn còn là một “địa hạt” xa lạ và khó hiểu với đông đảo công chúng trong xã hội.

Đã có một số dự án giới thiệu tinh hoa của loại hình âm nhạc này đến đông đảo người xem, thông qua hình thức giáo dục kiến thức, tạo một lớp công chúng trẻ. Hội Nhạc sĩ cũng dành nhiều ưu ái cho loại hình này bằng các hình thức đầu tư sáng tác và giải thưởng hằng năm, nhưng vốn là hình thức đòi hỏi sự đầu tư lớn không chỉ về kinh phí dàn dựng mà cả tài năng và trình độ của người sáng tác, khí nhạc Việt Nam dường như chưa có được những bước tiến đáng kể và cần thiết.

Dĩ nhiên, âm nhạc hàn lâm là loại hình kén người nghe, không thể đòi hỏi có được một lượng công chúng đông đảo như nhạc nhẹ, nhưng cần phải có một môi trường rộng mở hơn cho biểu diễn, và một vị trí xứng đáng hơn cho người sáng tạo.

Trong số gần 1.000 hội viên của Hội, chỉ có không đến 10% nhạc sĩ có tham gia sáng tác khí nhạc. Và con số này đang ngày càng rơi rụng dần. Một số nhạc sĩ trẻ, sau thời gian thử sức ở lĩnh vực này, đã không chống nổi vòng quay nghiệt ngã của “cơm áo gạo tiền” , đành gác lại những đam mê. Đã có cuộc thi tác phẩm giao hưởng quốc tế mời Việt Nam tham dự, nhưng Ban Chấp hành Hội đành phải ngậm ngùi từ chối, bởi không thể tìm ra được nhạc sĩ viết khí nhạc dưới… 30 tuổi như yêu cầu của ban tổ chức.

“Nếu coi ca khúc là truyện ngắn thì giao hưởng là tiểu thuyết”, giao hưởng là tượng đồng, là cái còn lại, cái để một nền âm nhạc hiện đại so sánh, giao lưu với một nền âm nhạc khác, nhạc sĩ, GS.NSND Trọng Bằng- Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ VN khoá VI đã từng khẳng định như vậy. Chúng ta đang tự khép chặt cánh cửa của chính mình, trong khi, mở cửa để hội nhập, giao lưu là nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại.

Nhạc sĩ, anh là ai?

Đặt ra câu hỏi này, lại là một nhạc sĩ- Đỗ Hồng Quân, ngay bên lề Đại hội. Theo ông, đây là câu hỏi cần đặt ra với mỗi nhạc sĩ Việt Nam và với tất cả công chúng yêu âm nhạc.

Hỏi, và tự trả lời: Nhạc sĩ, đó là máy cái, là quả tim của cơ thể âm nhạc. Người nhạc sĩ không chỉ đơn thuần là người sáng tạo âm nhạc, mà đó là một trí thức trong lĩnh vực nghệ thuật, phải có trình độ và nhận thức xã hội. Không thể lạm dụng danh hiệu nhạc sĩ, bởi bên cạnh năng khiếu và lòng đam mê, một nhạc sĩ chuyên nghiệp còn cần phải được đào tạo bài bản, không thể đi tắt được. Có thể có những người sáng tác được ca khúc được nhiều người nghe mà chưa hề qua trường lớp đào tạo bài bản, nhưng đó chỉ là những người viết nhạc. Khi đã xác định được đúng trình độ của từng người viết, thì tự họ có thể hiểu được nên dừng lại ở mức độ nào. Và xã hội cũng chỉ có thể đòi hỏi ở họ theo khả năng mà họ có thể.

Nhìn ở một góc độ khác, nhạc sĩ Vĩnh Lai ôn hoà: Tôi không muốn đánh giá các bạn đồng nghiệp, nhưng cách đi của tôi là dựa trên chất liệu dân gian, dân tộc, cả giao hưởng và ca khúc đều như vậy. Trong sáng tạo ca khúc, theo tôi, ca từ phải sang trọng và giai điệu phải mang âm hưởng dân tộc. Có lẽ, đây là cách đi không chỉ của riêng tôi mà chung của các nhạc sĩ “U60, 70”.

Và giải pháp?

Đề cập khâu yếu nhất của âm nhạc hiện nay- lý luận phê bình, TS Vũ Tự Lân bức xúc: Cách đây 5 năm tôi đã viết một đề cương để chọn lọc những sinh viên năm thứ hai có khả năng để theo một chương trình đào tạo riêng về lý luận phê bình. Đây sẽ là một nguồn bổ sung có chất lượng cho đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc còn thiếu tính chuyên nghiệp và tản mạn, lỏng lẻo hiện nay. Tuy nhiên, không thấy ai có ý kiến phản hồi…

Trên diễn đàn của Đại hội, các vấn đề nổi cộm đã được đặt ra và đưa ra giải pháp: Phối hợp hiệu quả với Bộ Văn hoá- Thông tin và các Hội Văn học Nghệ thuật trong các hoạt động; Tạo điều kiện cho các hội viên thâm nhập thực tế; Giới thiệu rộng rãi các tác phẩm được giải thưởng hàng năm của Hội; Chú trọng đầu tư sáng tác khí nhạc; Bồi dưỡng sáng tác cho các nhạc sĩ (nhất là lớp trẻ) như mời chuyên gia nước ngoài…; Tăng cường chức năng lý luận phê bình bằng cách thành lập trang web của Hội, thành lập CLB Lý luận phê bình sinh hoạt thường kỳ, và mở thêm các hình thức giải thưởng cho những tác phẩm phê bình có giá trị….

Có thể ngay cả những điều này chưa thoả mãn hay làm yên lòng những người trong cuộc, nhưng có lẽ, làm được hết những điều đó cũng đã là quý lắm rồi. Công chúng đang đợi chờ những thanh âm mới.

Theo Nhân Dân