" … trừ khi họ phải thực sự giỏi. Mà muốn giỏi thì buộc họ phải có một quá trình rèn luyện và được đầu tư rất nhiều. Nếu không làm nghề khác thì họ lấy gì để sống đến ngày ấy. Họ sẽ chết trên con đường đi của chính mình thôi", đạo diễn "Vũ điệu tử thần" Bùi Tuấn Dũng nói. Trong khi phần lớn các đạo diễn khác đang tập trung khai thác những đề tài nóng bỏng như đồng tính, tội phạm, người mẫu... tại sao anh lại chọn chủ đề liên quan tới chất độc da cam? Chất độc màu da cam đang là vấn đề nóng mà Mỹ và VN luôn quan tâm. Khi 2 quốc gia muốn bắt tay xây dựng một cái gì đó cho tương lai thì chúng ta phải nhìn lại và giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn tại trong quá khứ. Di chứng của chất độc màu da cam vẫn đang hiện diện và ảnh hưởng tới nhiều cuộc sống người Việt và một số người Mỹ. Thế nhưng không ít người Việt và rất nhiều người Mỹ vẫn chưa thực sự hiểu về nó. Tôi hi vọng bộ phim Hoa đại trắng sắp tới của tôi sẽ làm cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về chất độc màu da cam và nó được chiếu trong các hội thảo về đề tài này… Nghe như thể anh đang nói về một bộ phim tài liệu? Nó thực sự bắt đầu từ những nguyên mẫu trong cuốn phim tài liệu “Bức thông điệp dưới tán bồ đề” của đạo diễn Bùi Hồng Hà. Tuy nhiên, tôi làm lại bộ phim này vì muốn mọi người cảm nhận chiến tranh và những hệ lụy của cuộc chiến dưới cái nhìn thật hồn nhiên nhưng sâu thẳm và thật buồn. Tôi không nhìn chất độc màu da cam dưới những hình hài dị dạng, vẻ ngoài khủng khiếp của các nạn nhân. Nhân vật của tôi hoàn toàn bình thường. Họ rất đẹp, đẹp từ dáng vẻ bề ngoài tới cái cách nhân vật đối mặt với bệnh tật, với cái chết, với những sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng của họ. Như vậy, dường như tôi thấy đớn đau và chua chát hơn. Có cảm giác như tiết tấu của bộ phim anh đang làm quá chậm? Tôi phải kìm chế tốc độ diễn xuất của diễn viên để cho phù hợp với nội dung của phim và với cách sống của chúng ta. Xã hội VN khác với xã hội phương Tây. Người châu Âu muốn thay đổi để cuộc sống bớt nhàm chán thì người Việt thường hướng tới sự bình ổn. Trong khi phương Tây rất chuộng đồ ăn nhanh thì mỗi gia đình VN thường chuẩn bị những bữa ăn rất cầu kỳ, ngay trong cả bữa sáng. Tôi nghĩ sống chậm lại là cách cần thiết cho mỗi người. Nếu nhanh quá, người ta chỉ có thể hưởng thụ nhưng chẳng cảm nhận được gì. Có thể uống cả thùng bia mỗi ngày nhưng phải uống từng ngụm nhỏ mới có thể hiểu và phân biệt được bia này với bia kia, phải ngửi được mùi rượu để biết được hương vị của nho có được nắng trong mùa hè đó không và cảm nhận từng giọt sương trên mỗi quả nho... Vậy anh nghĩ sao khi phim Việt luôn luôn bị chê là có tiết tấu chậm? Phim Việt, bản thân nó không chậm mà nó bị rề rà. Nó nói nhiều thứ thừa thãi, không đem lại cho người xem thông tin mới. Nó bị chuội ra khỏi nội dung phim và không phục vụ cho bất cứ ý đồ nào của người đạo diễn. Chứ còn để tạo ra một bộ phim có tiết tấu chậm theo ý đồ thì không phải là chuyện đơn giản. Phim chậm là một phong cách, phim rề rà ngớ ngẩn là lỗi của các nhà làm phim. Anh đã từng nói rằng, mục đích cuối cùng mà bộ phim của anh muốn hướng tới là thỏa mãn nhu cầu của khán giả? Đúng thế. Phim của tôi có thể vẫn có xu hướng chính luận như phong cách hàn lâm mà những nhà làm phim Hà Nội bị ảnh hưởng. Tuy nhiên tôi làm phim là để đáp ứng những cái khán giả cần, khán giả muốn và khán giả thích. Đối với tôi, phim là một giấc mơ. Tôi làm phim nghĩa là đem giấc mơ của người khác đến cho công chúng để họ được thỏa mãn những khát khao, những điều mà họ không có hoặc không thể làm được được trong cuộc sống thực. Xưa nay thì quan niệm làm một bộ phim với tác dụng định hướng dư luận, định hướng khán giả đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều đạo diễn, khiến cho rất nhiều bộ phim trở nên cứng nhắc, giáo điều. Khi điện ảnh tư nhân phát triển, họ chú trọng nhiều hơn tới việc đáp ứng nhu cầu của khán giả, vì thế, nhiều người chỉ coi đó là những bộ phim giải trí mà thôi! Muốn nói gì, định hướng gì thì cũng phải khiến người ta xem phim của anh cái đã. Đề tài mới, diễn viên 'hot", đầu tư lớn và đội ngũ phát hành đầy trách nhiệm, điện ảnh tư nhân đã làm được điều mà điện ảnh nhà nước chưa thành công đó là kéo khán giả tới rạp. Mà cũng đừng có nghĩ rằng những nhà làm phim tư nhân là những kẻ chỉ biết làm phim sao cho bán được nhiều vé lấy tiền. Ai cũng muốn làm cho bộ phim của mình thật hay, chẳng ai muốn “tầm thường hóa” nó cả. Anh sẵn sàng bắt tay với các nhà làm phim tư nhân chứ ? Tôi bắt tay với tất cả những ai muốn làm một bộ phim hay. Nhưng có quá nhiều tiêu chuẩn để xác định đâu là một bộ phim hay? Một bộ phim hay là khi nó mang lại cảm xúc cho người xem để cho người ta thấy tin vào cuộc sống, thấy cần phải sống tốt hơn, sống đẹp hơn, thấy cuộc đời thật tuyệt vời hơn và ngay lập tức muốn làm một điều gì đó. Nó làm cho người ta muốn sống tốt hơn, nhân ái hơn… Bộ phim phải gây được cảm hứng sống, cảm hứng làm việc cho khán giả chứ bộ phim mà chỉ toàn có những cái bi ai, nặng nề, đầy tính ám chỉ và dạy bảo thì chẳng giải quyết được cái gì cả. Anh đã có cơ hội làm phim với rất nhiều diễn viên trong Nam lẫn ngoài Bắc, anh nhận thấy giữa họ có gì khác biệt? Miền Bắc thường có xu hướng chuyên biệt nên diễn viên khi xác định theo nghề này là họ chỉ làm nghề này thôi. Và tất cả thu nhập của họ đều trông chờ vào thù lao những lần đi quay. Trong khi đó, diễn viên phía Nam thì họ sẵn sàng làm tất cả mọi việc khác, công nhân, thợ may, nhân viên tiếp thị, thơ ký công sở... Nói chung là tất cả những nghề để có thể sống được để phát triển sự nghiệp và đầu tư không mệt mỏi cho nghề của mình. Sự khác biệt này có lẽ là do ở miền Bắc từ giáo dục trong trường học tới gia đình và xã hội, họ đều hướng tới con người ở sự bình ổn chứ không phải là sự năng động như trong Nam. Nghĩa là anh khuyến khích các diễn viên làm nghề tay ngang? Điện ảnh không đủ để nuôi sống diễn viên, trừ khi bạn phải thực sự giỏi. Mà muốn được trở thành diễn viên giỏi thì họ cần phải có một quá trình rèn luyện rất lâu và được đầu tư rất nhiều. Nếu không làm nghề khác thì họ lấy gì để sống đến ngày ấy? Họ sẽ chết trên con đường đi của chính mình thôi và chết bằng nhiều cách khác nhau. Có một đạo diễn trẻ, mới ra trường đã nói với tôi rằng: Anh ta khao khát được làm phim, nhưng chắc ở VN thì anh ta không thể làm được. Vì động tới cái gì cũng cấm. Sex: cấm, đồng tính: cấm...? Tôi cũng đã gặp nhiều người như thế, ở nhiều thế hệ khác nhau. Nhưng không thể gọi anh ta là đạo diễn được bởi anh ta đã làm một bộ phim nào đâu. Đấy chỉ là những nhà "ý tưởng học" thôi. Ở thời buổi này mọi thứ cũng dễ dàng. Nếu như anh ta cảm thấy không làm được ở VN thì sang nước khác làm. Chẳng có ai cấm đoán cả hay giữ chân anh ta cả. Chỉ có điều anh ta có làm được hay không thôi. Đừng có nghĩ chỉ ở Việt Nam mới cấm đoán. Ở nước nào thì người ta cũng có những luật lệ và quy tắc riêng mà người làm phim buộc phải tuân thủ. Tôi cũng đã đi nhiều nước nhưng tôi vẫn thấy, ở VN vẫn là ổn nhất. Theo Eva |