Sau "bùng nổ" hoa hậu là gì...?
Các Website khác - 26/06/2008
Với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, VN đã chính thức "nhập khẩu" công nghệ tổ chức hoa hậu, sau khi "tự cung tự cấp" hàng loạt cuộc thi trong nước. Một thời kỳ tràn lan danh hiệu và "bùng phát" hoa hậu ở VN đã được xác nhận, vấn đề là sau khi đầu tư quá nhiều cho các cuộc thi sắc đẹp, chúng ta có gì?


Không thể chỉ là "Hoa hậu một đêm"

Nếu coi sắc đẹp cũng là một loại tài nguyên (có thể sinh lời) thì VN đang phung phí tài nguyên sắc đẹp. Có người sẽ căn vặn: chúng ta đang tôn vinh, đang tìm kiếm, đưa sắc đẹp ra ánh sáng đấy chứ? Đúng là chúng ta đang mải mê "khai thác", nhưng tôn vinh thì e rằng chưa.

Đêm thi trang phục truyền thống (22/6) tại Hoa hậu Hoàn vũ 2008 (Ảnh: VTC)


Sau những lễ đăng quang (tức là tôn vinh trên sân khấu) thì các danh hiệu mà bao người đẹp có được lại trôi nổi giữa "chợ" các cuộc thi sắc đẹp ào ạt khác không ngừng nối tiếp ra đời.

Người đẹp thời "bùng nổ" hoa hậu của đêm trước chưa kịp tỏa sắc khoe hương, thực hiện nghĩa vụ từ danh hiệu cao quý thì đêm sau họ đã thành người cũ: nhà tổ chức đang ráo riết đi tìm gương mặt của cuộc thi kế tiếp! "Lượng" nhiều mà "chất" ít thì "lượng" đó khó có thể tồn tại lâu hoặc phải thu gọn lại để chuyển hóa thành "chất".

Chúng ta mất bao công sức để đưa một người đẹp lên ngôi vị cao nhất, nhưng chúng ta không tiếp tục "nâng" họ về sau, đứng bên họ để cùng thực hiện sứ mệnh chung: làm ngôi sao tỏa sáng nhiều đêm chứ không chỉ một đêm duy nhất.

Thị trường "thuận mua, vừa... ứng thí!"

Đáng lý với kiểu "kinh doanh sắc đẹp" (ở mức độ sơ khai) như hiện nay thì khi nhà tổ chức gật đầu chọn tôi đi thi thì phải trả một số tiền nhất định cho người thi hoặc ít nhất cũng có đài thọ chi phí. Dù gì thì mỗi thí sinh cũng phải trình diễn (như một người mẫu) cho cuộc thi mà anh đang kinh doanh suốt nhiều ngày, nhiều đêm (mà đa số phải về tay trắng).

Hãy xem, khi đại diện Việt Nam đến với đấu trường sắc đẹp quốc tế, không ai tự bỏ tiền túi, tự ý đi thi mà phải có phép và hoàn toàn được các công ty hậu thuẫn.  

Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ 2007 Riyo Mori (Nhật Bản) và Hoa hậu Hoàn vũ VN 2008 Nguyễn Thùy Lâm (Ảnh: Nguyễn Long)


Giải pháp ở đây là: Các công ty người mẫu, trung tâm đào tạo kỹ năng, nuôi dưỡng sắc đẹp đã có mặt khắp hai miền Nam - Bắc. Nhà tổ chức cuộc thi có thể tìm đến đây tuyển chọn người đi thi và rõ ràng là khi đã "chấm" ai thì phải trả một mức phí nhất định cho nơi đại diện hoặc theo một thỏa thuận nào đó.

Nghe có vẻ "thị trường hóa" kiểu "phí trao, người đẹp rước về" nhưng thực tế nhu cầu này đã có: Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN đã phải gửi công văn đến các công ty người mẫu như PL, Venus, Lala, trường John Robert Powers... để có thêm nhiều thí sinh tham dự. Cuộc thi Hoa hậu Du lịch VN đang diễn ra, vì quá "hẻo" thí sinh, đã phải đến các trường ĐH, CĐ để huy động những thiếu nữ từ 1m62 trở lên tham dự.

Khi các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, sống nhờ tài trợ đua nhau tổ chức các cuộc thi hoa hậu thì dần dần cũng phải chấp nhận với thực tế này. Anh không thể mãi "xài chùa"! Ví dụ đơn giản, để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, chúng ta đã phải chi hàng chục triệu USD (trong đó có phí bản quyền cực kỳ đắt đỏ).

Giá của sắc đẹp thời nay

Khi nhiều nhà tổ chức chỉ "hái măng" một lần rồi thôi, thi xong coi như hết trách nhiệm với hoa hậu, á hậu... mà mình đã tôn vinh thì tại sao đến khi "hậu" đăng quang, hoa hậu không đi làm từ thiện như đã "ứng xử", bỏ qua trách nhiệm của chiếc vương miện với cộng đồng như đáng lẽ cần phải có.

Các cuộc thi: Hoa hậu VN, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Hoàn vũ VN, Hoa hậu các dân tộc VN

Đứng vội trách họ mà hãy cảm thông hơn! Không phải ai cũng như Mai Phương Thúy - không phụ thuộc, biết biến giá trị "vô hình" của danh hiệu thành giá trị "hữu hình" để làm từ thiện khắp nơi, trở thành hoa hậu không chỉ của một ngày...

Vậy có nên "trách" nhà tổ chức - người đề ra mức giải thưởng ngày càng cao, làm nên chiếc vương miện ngày càng "nặng" (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, dù sức sống của nó ngày càng "nhẹ")?

Giữa thời lạm phát, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng trong tháng 6 và 7/2008 vẫn có tới 4 cuộc thi Hoa hậu diễn ra đồng thời tại VN:

Hoa hậu Hoàn vũ
(Công ty Hoàn vũ Unicorp là đối tác của tổ chức Hoa hậu hoàn vũ Thế giới - MUO), Hoa hậu Việt Nam (Báo Tiền Phong tổ chức), Hoa hậu Du lịch (Hãng phim Á châu tổ chức) và Hoa hậu Thời trang (Hội người mẫu Việt Nam và Công ty Cổ phần Hội chợ & thương mại Quốc tế phối hợp tổ chức).

Các cuộc thi đã diễn ra trước đó: Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu các dân tộc VN, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Trang sức, Hoa hậu các miền duyên hải, Hoa hậu Áo dài, Hoa hậu Điện ảnh, Hoa hậu Hoàn vũ VN, Miss Audition, Hoa hậu Bắc Ninh, Hoa hậu Hải Dương, Hoa hậu Những miền đất võ, Hoa hậu Đất Mũi, Hoa hậu Xứ Dừa, Hoa hậu Tây Đô, Hoa hậu Hà Nội, Hoa hậu ĐH Hà Nội v.v...

Thực ra khái niệm BTC các cuộc thi hoa hậu ở VN rất không đồng nhất. Cuộc thi nào cũng có sự bảo trợ của các cơ quan nhà nước, chính phủ, nhưng để "chạy" chương trình thì đó có thể là tòa báo (như Tiền Phong, Thanh Niên với Hoa hậu VN, Hoa hậu Thế giới người Việt; Tạp chí Thời trang mỹ nghệ kim hoàn với Hoa hậu Trang sức...) hay các công ty tổ chức sự kiện. Bên cạnh mục tiêu "tìm kiếm vẻ đẹp thể chất và tâm hồn" thì còn có mục đích kinh doanh.

Tùy trường hợp mà "mục tiêu" lớn hay nhỏ hơn "mục đích". Nếu đơn thuần chỉ với mục tiêu tôn vinh nhan sắc Việt, tìm người đi dự 3 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới là Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) và Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) thì chỉ cần một cuộc thi Hoa hậu duy nhất, có uy tín nhất trong một năm là đủ. Như nhiều nước đã thực hiện, theo thứ tự lần lượt, 3 người đoạt ngôi vị cao nhất là Hoa hậu, Á hậu 1 và 2 sẽ đi các cuộc thi này.

Nếu chỉ một hoặc một vài cuộc thi hoa hậu mỗi năm, với sự tập trung, có tôn chỉ rõ ràng như thế thì hẳn sẽ không "loạn" danh hiệu hoa hậu như bây giờ (sau sự thông thoáng đến không thể "thoáng" hơn của Quy chế tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT & DL ban hành). 

Sau "bùng nổ" hoa hậu là...

Bây giờ, các cuộc thi hoa hậu mới tiếp tục diễn ra ào ạt, hình thể lấn át trí tuệ, hình ảnh người đoạt ngôi vị cao nhất không còn "lung linh" như trước nữa thì sẽ dẫn đến một số khả năng trong tương lai gần:

1. Danh hiệu "hoa hậu" trở nên phổ thông, đại trà như danh hiệu "hoa khôi" nở rộ ở các trường ĐH ngày xưa. Và khi VN thiếu sân chơi, chỗ chơi thì người ta còn tổ chức các cuộc chơi quanh quẩn chiếc sân khấu. Với thực tế đó cộng với tâm lý và văn hóa thưởng thức của người Việt, thi hoa hậu sẽ giống như một loại "game show" (!) bình bình, nhạt nhạt, ít cay cú, ít đụng chạm, mang tính giải trí vui vẻ. (Ở nhiều nước châu Âu, dân chúng không quan tâm nhiều đến các cuộc thi hoa hậu).

Hoa hậu Mai Phương Thúy từng lọt vào "top 20" Hoa hậu Thế giới 2007


2. Các cuộc thi hoa hậu trở nên bão hòa. Khi đã "no xôi chán chè", công chúng ngày càng thờ ơ với nó. Càng nhiều cuộc thi diễn ra (rồi sẽ có cả hoa hậu các ngành nghề, ví dụ như Miss Báo chí Truyền thông...!), nhà tổ chức ngày càng đau đầu khi tìm kiếm thi sinh và nâng cao chất lượng cuộc thi. Quá trình bão hòa và sự sàng lọc của thị trường sẽ dẫn đến chỉ còn những cuộc thi có uy tín, ý nghĩa và tầm ảnh hưởng nhất.

3. Các cuộc thi sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp: VN có công nghệ tổ chức hoa hậu (nhờ kinh nghiệm xương máu từ bao cuộc thi đã "nổ" ra), có "lò" đào tạo hoa hậu đúng nghĩa để tự tin dự tranh ngôi vị Miss World, Miss Universe. Đồng thời với đó, sẽ có những "ông trùm sắc đẹp" kiểu tỷ phú Donald Trump - người nắm trong tay các cuộc thi Hoa hậu nổi tiếng thế giới (trong đó có "cỗ máy in tiền" Hoa hậu Hoàn vũ).

Sẽ không còn chuyện tổ chức các đêm thi phụ có "sạn", lùm xùm tranh luận chuyện Hoa hậu Thùy Lâm sẽ mặc áo dài của Võ Việt Chung hay Thuận Việt để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới hay chuyện tài trợ "độc quyền"... Khi đó, ai muốn cung cấp trang phục thì phải dự "đấu thầu" công khai, cái gì đẹp nhất, hợp nhất sẽ được duyệt.

Và áo dài VN khi đó sẽ không phải hoặc không chỉ dát vàng, dát bạc, đính kim cương theo kiểu "phú quy sinh... diêm dúa" mà sẽ đính cái gì mà thế giới chờ đón, người VN thấy hài lòng!

Phát triển theo chiều hướng thứ 3 là tốt nhất. Nhưng xem ra, thi hoa hậu ở VN sẽ chuyển biến theo cả ba khả năng trên, không nghiêng hẳn theo chiều hướng nào và "gói ghém" mỗi thứ một chút...

  • Bùi Dũng

Bài liên quan:
>> Ông trùm của giới "chân dài"
>> Võ Việt Chung: Bỏ tiền tỷ để mua... cảm xúc?