NSƯT Minh Châu: “Khó khăn dồn đẩy mình đứng lên”
Các Website khác - 08/09/2005

NSƯT Minh Châu
Minh Châu là một trong số diễn viên nổi bật của nền điện ảnh VN. Chị đã đoạt hai giải nữ diễn viên xuất sắc qua vai: Nguyệt trong phim Cô gái trên sông (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Liên trong phim Người đàn bà nghịch cát (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), vai chính trong phim Cỏ lau (đạo diễn Vương Đức) - phim đoạt giải vàng trong LHP quốc tế Bình Nhưỡng.

Với hàng trăm vai diễn lớn, nhỏ nhưng điều nổi bật của nữ diễn viên này là một gương mặt cá tính mạnh mẽ và tính cách dám sống đến tận cùng những gì mình cho là tốt đẹp và hạnh phúc.

* Nhiều diễn viên điện ảnh đã thành công ngay từ vai diễn đầu tiên và không ít đạo diễn cứ khai thác mãi hình tượng đầu tiên của người diễn viên đó. Với Minh Châu thì thế nào?.

- Cái nhìn đầu tiên của đạo diễn đối với Châu là: họ nghĩ Châu có thể đóng những vai dịu dàng, tốt bụng, chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Đạo diễn thường giao cho Châu nhiều vai buồn đau, khổ sở nhưng mình lại thích loại vai nổi loạn, đa chiều.

* Thế nào là một diễn viên có bản lĩnh?

- Người diễn viên khi diễn không tự tin sẽ cảm thấy gai gai khi diễn và lúc xem lại, thấy ngay là mình diễn giả. Người diễn viên có bản lĩnh thì khi diễn thế này không được phải tìm ra cách diễn khác để bật lên được tính cách nhân vật. Thực ra để tạo nên hình tượng của nhân vật, đó là công sức của tất cả các khâu trong đoàn làm phim. Làm diễn viên điện ảnh, tài năng phải gắn với may mắn, nếu đạo diễn không nhìn ra mình, thì mình chỉ được đóng những vai tầm tầm. Nghề này đòi hỏi phải có sự giao thoa giữa diễn viên và đạo diễn.

* Sự giao thoa nào giữa diễn viên với đạo diễn được xem là hiệu quả nhất?

- Có thể kể ra hai phong cách làm việc tiêu biểu: đạo diễn Đặng Nhật Minh đòi hỏi người diễn viên phải tuân thủ ý đồ của đạo diễn đến nghiệt ngã. Diễn viên có tính tự ái cao thì không thể làm việc được với anh.

Như khi quay cảnh Nguyệt (trong phim Cô gái trên sông) sau gặp anh cán bộ cách mạng, bị từ chối cô quay ra đường và bật khóc. Minh diễn cảnh này nhiều lần không đạt khiến đạo diễn phát khùng: "Nếu không làm được, tôi không cần diễn viên nữa. Tôi quay cảnh rồi cho tiếng vào”. Đến khi cảm xúc của mình bật ra như một nút chai bị nén mạnh thì đạo diễn mới hài lòng.

Thành công luôn đi kèm sự đau đớn, sự chịu đựng tưởng như khó vượt qua. Ngược lại, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn để cho diễn viên tự tung hoành, tự sáng tạo trong cách thể hiện tính cách nhân vật. Nhờ vậy diễn viên được buông lỏng thần kinh, không bị căng thẳng. Người diễn viên tự vắt kiệt sức mình chứ không phải do đạo diễn. Trong suốt thời gian làm phim Người đàn bà nghịch cát, tôi tưởng như mình bị bệnh thần kinh luôn.

* Mối quan hệ giữa đạo diễn với diễn viên đôi khi cũng mong manh, dễ vỡ. Gần dây dư luận cũng đề cập nhiều đến các diễn viên trẻ bị đạo diễn lợi dụng khi mới bước vào nghề, Châu nghĩ sao về điều này?

- Một vai diễn có đất diễn, sự ăn ý giữa đạo diễn và diễn viên rất dễ nảy sinh, cũng là lẽ đương nhiên. Người diễn viên say mê nhân vật hòa mình vào vai diễn, đạo diễn cũng say mê nhân vật của mình, chứ không hẳn là say mê cô diễn viên ấy. Nếu gặp ông đạo diễn có tính ham hố thì ông ta chỉ yêu chính mình thôi. Thực ra, theo Châu không phải quan hệ đạo diễn - diễn viên nào cũng mong manh, nhầm lẫn như thế.

* Người ta cho rằng cuộc sống của người diễn viên dễ có sự bấp bênh làm cho tình cảm, quan hệ hôn nhân dễ đổ vỡ, Châu có thấy như vậy không?

- Tình yêu đầu đời của mình chỉ là tình bạn và một chút thích nhau của tuổi học trò. Khi gặp Tuấn - một sinh viên kiến trúc thì đó là một tình yêu sét đánh, nó như là số phận, mình cảm giác được ngay người ấy sẽ là chồng mình. Tuấn cũng thế, anh đến với mình như một cơn bão. Một năm sau khi quen biết, hai đứa lấy nhau. Khi sống chung thì cuộc sống lại khác rất nhiều so với thời gian yêu nhau.

Châu thì thích ổn định, Tuấn sống nghệ sĩ hơn cả Châu, điều đó đáng yêu nhưng cũng làm Châu mệt mỏi. Tuấn mạnh mẽ như cơn lốc, đến khi chững lại, thấy bị hẫng. Tính mình thì thẳng thắn, gay gắt quá, sự tưởng tượng về người đàn ông của mình lại đẹp đẽ quá. Điều đó cũng làm khổ Tuấn. Khi đã yêu nhau, chung sống với nhau thì đáng lẽ ta phải chấp nhận cả cái tốt lẫn cái dở của nhau nhưng Châu và Tuấn như hai người đi trên cùng một con thuyền có... hai thuyền trưởng thật khó điều khiển. Có lẽ đó cũng là những rạn vỡ mà sau này mỗi lần nghĩ lại vẫn cảm thấy đau.

* Trong phim Chiếc hộp gia bảo, Kiều Linh - con gái Châu - đóng vai chính, Linh xinh, duyên cũng mặn mà như mẹ. Châu có định hướng sự nghiệp cho con?

- Từ lúc con còn bé, Châu đã có thói quen không áp đặt cháu. 15 tuổi, Linh được mời đóng phim, tôi thấy con cũng có năng khiếu nhưng chưa rõ nét. Trong phim này, Châu cũng đóng vai mẹ. Cảnh nào con bé phải khóc mà vắng mẹ là không thể quay được vì cháu không khóc được, thế là phải có mẹ khóc "mồi"cho cháu khóc theo.

Đó là những kỷ niệm vui của hai mẹ con trong nghề đóng phim. Hiện cháu đang theo học kiểm toán tại Mỹ. Khác mẹ, cháu chỉ coi nghệ thuật là một sân chơi bên cạnh công việc chính của mình. Hai mẹ con Châu lúc nào cũng như hai người bạn.

* Con gái Châu có mong muốn mẹ có hạnh phúc mới không?

- Con gái vẫn bảo mẹ rằng: Con thích mẹ có hạnh phúc. Nếu mẹ thích người đó mà con không thích thì con vẫn chấp nhận.

* Vậy người đàn bà thế nào là hạnh phúc, theo Châu?

- Mỗi người một quan niệm khác nhau. Hạnh phúc là cái mình muốn và làm được. Con cái thành đạt là tất cả hạnh phúc đối với tôi.

Theo Phụ Nữ chủ nhật