Truyền hình VN: “Không lo xa ắt có buồn gần”!
Các Website khác - 07/09/2005

Hiện nay, khán giả tại TP.HCM xem được đài Hà Nội (ảnh) qua truyền hình số mặt đất

TT - Ông Nguyễn Trung Hiếu - một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành truyền hình, nguyên giám đốc Đài BTV - mới đây cho biết trước nhu cầu thưởng thức màn ảnh nhỏ tại VN hiện nay, nhiều thử thách và vận hội đang đồng thời xuất hiện!

Phỏng vấn dưới đây sẽ làm rõ hơn sự khuyến cáo này.

* Ông có thể phân tích kỹ hơn về điều được gọi là “bùng nổ kênh nước ngoài” ?

- Năm 1993 là năm đầu tiên các kênh truyền hình nước ngoài được phát trên hệ thống truyền hình có diện phổ biến hẹp đầu tiên của nước ta (truyền hình vi ba MMDS của Công ty truyền hình cáp Saigontourist). Đến nay, bên cạnh MMDS đã có nhiều hệ thống tiếp phát các kênh truyền hình nước ngoài như DVB-T của BTV, CATV của VTV phối hợp với Công ty SCTV, DTH của VTV, và mới đây là truyền hình cáp vô tuyến của HTV...

Hiện nay khán giả xem truyền hình các hệ thống trên còn là thiểu số, tuy nhiên tỉ trọng của nó đang tăng dần, và chỉ vài năm nữa các hệ thống truyền hình trên chắc chắn sẽ không còn là truyền hình ở phạm vi hẹp.

Ông Nguyễn Trung Hiếu
Sau hơn mười năm, tổng số lượng kênh phát trên các hệ thống truyền hình diện hẹp (nêu trên) đều tăng. Nhưng điều đáng lưu ý: các kênh truyền hình trong nước chỉ chiếm khoảng 1/3 so với các kênh nước ngoài! Và như vậy, các kênh truyền hình nội địa đang tiến dần đến việc phải cạnh tranh với các kênh truyền hình quốc tế để tìm kiếm khán giả.

Điều gì xảy ra trong vài năm nữa, khi các hệ thống truyền hình công nghệ mới này trở thành các hệ thống chủ yếu chuyển tải tín hiệu truyền hình đến khán giả? Đó là chưa kể còn có một số lượng lớn các kênh truyền hình nước ngoài khác không nằm trong số những kênh được tiếp phát (nêu trên), mà đến sẵn trên nóc nhà khán giả chúng ta qua thiết bị thu xem (ăngten parabol) ngày càng rẻ, càng nhỏ, càng đơn giản, dễ mua, dễ lắp đặt, dễ sử dụng.

Điểm qua những kênh phát trên các hệ thống truyền hình phạm vi hẹp hiện nay sẽ thấy ngay điều đáng lo. Các kênh trong nước đầy rẫy phim nước ngoài, chương trình truyền hình sản xuất nội địa chỉ còn khán giả chủ yếu ở các chuyên mục như sân khấu, ca nhạc... Sức cạnh tranh đang kém đi.

* Theo ông, tăng cường nội lực kênh trong nước, cách nào?

- Tất nhiên không thể giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản là cắt giảm, điều chỉnh tỉ lệ các kênh truyền hình nước ngoài xuống thấp dưới số lượng các kênh truyền hình trong nước. Hướng giải quyết phải là tăng cường nội lực: tăng số lượng, nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình trong nước, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trực diện giữa các kênh truyền hình trong nước và truyền hình nước ngoài ngay từ bây giờ. Đây thật sự là một vấn đề lớn. Không loại trừ khả năng sẽ có các kênh truyền hình nước ngoài nói tiếng Việt phát xuống lãnh thổ nước ta. Chúng ta đang mở cửa để nhân dân ta nhìn ra thế giới, nhưng chúng ta không được quên là phải đương đầu, quyết thắng để giữ vững trận địa tư tưởng văn hóa mà lịch sử đã giao phó.

Chúng tôi nghĩ đến ba nhóm biện pháp tăng cường nội lực truyền hình VN, cần được triển khai ngay từ bây giờ:

1/ Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để gia tăng nhiều kênh sóng truyền hình trong nước, mở rộng đối tượng tham gia phát triển sự nghiệp truyền hình bằng các phương thức thích hợp.

Một dẫn chứng: gần đây VTV đã triển khai chủ trương liên kết với các hãng phim, kể cả hãng phim tư nhân, xã hội hóa sản xuất phim truyện truyền hình. Nếu tiến trình này được mở rộng ra nhiều thể loại, kênh sóng... chắc chắn nội lực truyền hình sẽ tăng đáng kể.

2/ Nghiên cứu xây dựng các tập đoàn truyền thông lớn, như chủ trương mà Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày báo chí cách mạng VN. Có thể bắt đầu ngay từ một số tờ báo có số phát hành cao, sẵn tích lũy tài chính và cơ sở vật chất, để đầu tư phát triển thêm mảng truyền hình.

3/ Tạo thuận lợi để một vài đài truyền hình địa phương phát triển khán giả ở mọi miền đất nước bằng các phương thức kỹ thuật truyền dẫn thích hợp. Vừa qua, trên hệ thống truyền hình số mặt đất, khán giả ở TP.HCM đã có thể xem chương trình truyền hình Hà Nội và khán giả Hà Nội đã có thể xem HTV9 của truyền hình TP.HCM. Tại sao chỉ dừng lại ở đó?

Các trung tâm truyền hình VN tại các TP lớn và nhiều đài truyền hình địa phương có chương trình phong phú chắc chắn thích hợp cho tiến trình trao đổi chương trình truyền hình này. Hệ thống DTH mà chúng ta đang có hoàn toàn có thể giúp khán giả Cà Mau, Rạch Giá... xem được chương trình truyền hình Quảng Ninh, Hải Phòng… và ngược lại. Người xưa có câu “không lo xa ắt có buồn gần”. Xin đừng để cảnh “nước đến chân” rồi mới tính.

ANH THƯ thực hiện