Phát hiện bản Truyện Kiều lạ nhất từ trước tới nay
Các Website khác - 12/09/2005

Các cán bộ nghiên cứu bảo tồn, bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện một tủ sách cổ rất có giá trị tại Thư gia Vạn Ninh Đường của gia đình ông Lê Mai Bửu (ngụ tại thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Tủ sách có hơn 600 cuốn sách cổ chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt tại đây còn có lưu trữ một bản Truyện Kiều được xem là lạ nhất từ trước tới nay, có tên Kim Vân Kiều quảng tập truyện, kích thước 12 x 23,5cm, dày 207 trang trên nền giấy dó, in hai mặt.

Các trang nội dung được chia dọc thành ba phần, gồm phần chú, phần thơ chữ Hán và phần lục, được khắc in vào năm Giáp Thìn (1903) đời Thành Thái...

Được biết các nhà nghiên cứu và sưu tầm Truyện Kiều đã từng công bố hơn mười bản Kiều khác nhau, và bản vừa được phát hiện là bản mới nhất nằm ngoài tất cả các bản đã từng được công bố.

* Kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du

Ngày 10-9, tại Nghệ An, Tỉnh ủy Nghệ An và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây (Hội Khoa học Đông Nam Á Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Phan Bội Châu và phong trào Đông Du".

Trên 40 tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, được gửi đến và trình bày tại hội thảo thêm một lần nữa khẳng định, Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn, nhân vật trung tâm của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc VN đầu thế kỷ XX.

Phong trào Đông Du là điểm nhấn, một nhịp cầu đấu tranh giải phóng dân tộc nối liền hai giai đoạn Cần Vương chống Pháp thất bại đến với giai đoạn chống Pháp thắng lợi do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo sau này.

Năm nay, nhiều nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, trường đại học kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo. Ở Anh, một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam đã mở một trang web để đăng tải các bài phỏng vấn, bình luận, trao đổi ý kiến về phong trào Đông Du. Tại trường Đại học George Mason, Mỹ, số đông học giả Việt kiều và thân hữu Mỹ, Nhật Bản cũng đã tổ chức "lễ kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du của Phan Bội Châu".

Hiện có một số đông người Việt và thân hữu ngoại quốc đang ráo riết vận động để UNESCO vinh danh cụ Phan Bội Châu là danh nhân văn hóa thế giới.

* Gia Lai bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Trung tâm Khuyến công tỉnh Gia Lai đã mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm ở xã Glar (huyện Đăk Đoa) cho 50 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số người Ba Na - một bước "khởi động" trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dệt thổ cẩm của người dân bản địa.

Thời gian của khóa học là 3 tháng và có 2 nghệ nhân của xã trực tiếp tham gia truyền nghề với các loại sản phẩm áo nam, váy phụ nữ, chăn (bành), khăn trải bàn, túi đeo vai, khố nam theo nhiều kích cỡ khác nhau.

Theo Thanh Niên - TTXVN