Phim truyền hình VN: Trang phục tùy tiện
Các Website khác - 29/09/2008

 

 
Con nhà nghèo, nhưng My trong phim Một ngày không có em lúc nào cũng xuất hiện với những bộ trang phục mà chỉ những tiểu thư con nhà giàu mới có. Ảnh: Lasta

Hanoinet - Trang phục có thể làm đẹp diễn viên nhưng không phải lúc nào cũng thích hợp cho nhân vật. Lắm khi, trang phục tạo nên sự vô lý và làm giảm tính thuyết phục của hình ảnh nhân vật trên phim.

Là sinh viên năm nhất vừa học vừa làm với mục đích kiếm tiền giúp mẹ trả nợ, Mai là hình ảnh của một người trẻ dám nghĩ, dám làm và biết hy sinh hết mình vì tình yêu. Đó là một nhân vật trong phim Gia tài bác sĩ (đạo diễn Nguyễn Minh Cao, phát sóng trong giờ phim chiều trên HTV9) đang gây sự chú ý của khán giả, bên cạnh cặp diễn viên Việt Anh - Thanh Hằng. Sẽ không có gì đáng nói nếu nhân vật này không thường xuyên xuất hiện với những kiểu tóc, trang phục khá sành điệu. Khó có sự thương cảm ở khán giả khi nhân vật thể hiện tính cách, số phận một đằng lại được phục trang một nẻo.

Nghèo vẫn... chơi sang

Trong bộ phim Nữ sinh (đạo diễn Xuân Phước) phát sóng trước đó, ba nhân vật chính Xuyến, Thục, Cúc Hương cũng luôn diện những bộ quần áo thời trang bắt mắt. Cách ăn mặc của Thục (Minh Phương) đã không thể hiện được nét dịu dàng, e thẹn của nhân vật này. Gương mặt trẻ Thu Thảo (vai Xuyến) nói rằng vì mong muốn cho nhân vật thêm xinh xắn mà Thảo cùng các bạn diễn đã chọn những trang phục trẻ trung, nổi bật. Những diễn viên trẻ này không nghĩ rằng chính phục trang quá mốt đã phần nào làm giảm bớt vẻ giản dị, đáng yêu của các nhân vật nữ sinh của họ.
Trước đây, với phim Hoa dã quỳ (đạo diễn Võ Tấn Bình), người xem cũng không mấy hài lòng với cách tạo hình của nhân vật Ánh Nguyệt. Diễn xuất của người mẫu Ngọc Quyên không tệ, nhưng sự xuất hiện của nhân vật mà cô thể hiện luôn khiến người xem khó hiểu. Cuộc sống của Ánh Nguyệt không giàu có gì, phải đi làm dành dụm từng đồng để gửi về cho mẹ nhưng lúc nào cũng ăn mặc đẹp như người mẫu mà chỉ con nhà giàu mới có điều kiện. Một thời, phim Hương phù sa cũng bị khán giả phê phán khá gay gắt chuyện trang phục trên phim: các cô gái chèo xuồng mà phục trang như là các cô tiểu thư thành phố. Hay như phim Một ngày không có em của đạo diễn Danh Dũng cũng vậy. Trong khi bà Hương, mẹ của My, phải kiếm từng đồng từ công việc đan len để nuôi sống gia đình và ăn mặc rất giản dị thì My, dù là con nhà nghèo nhưng mỗi một phân cảnh, My lại xuất hiện với một trang phục mới mà những cô tiểu thư con nhà giàu có cũng chào thua...

Lạm dụng trang phục tài trợ

Có nhiều lý do khiến công việc phục trang của nhân vật trong phần lớn phim truyền hình Việt rơi vào tùy tiện: Nhận thức của đạo diễn, đòi hỏi được làm đẹp ngoại hình của diễn viên, sự chi phối của các nhãn hàng thời trang tài trợ cho phim. Đạo diễn Nguyễn Minh Cao biện bạch: “Khán giả có cái lý của họ khi nhận xét về vấn đề trang phục của nhân vật. Nhưng đạo diễn cũng có cách xử lý của riêng họ. Tôi kiểm soát phần phục trang cho phim Gia tài bác sĩ rất kỹ. Theo tôi, để cho nhân vật Mai ăn mặc như thế là hợp lý. Tôi muốn khắc họa một lớp người trẻ có cá tính. Ngay cả khi nhân vật này cùng mẹ đi trốn nợ thì trang phục của họ cũng không hề nghèo khổ, luộm thuộm. Hẳn nhiên, trang phục có vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện con người. Nhưng nếu cứ nhìn nhận theo một cách bài bản, nguyên tắc như vậy thì phim sẽ không còn là phim nữa”.
Có thể không nhất thiết cứ buộc nhân vật có hoàn cảnh khó khăn phải ăn mặc theo cách nghèo khổ, vất vả nhưng thử hỏi, một sinh viên năm nhất phải tự bươn chải kiếm sống thì liệu có đủ tiền để ăn mặc quá thời trang và sành điệu, như Mai?
Nhiều diễn viên vì muốn làm đẹp ngoại hình cho mình trước khán giả nên tự bỏ tiền túi ra để lo sắm sửa trang phục cho nhân vật. Đạo diễn cũng không quá khắt khe trong việc diễn viên tự chăm chút cho hình ảnh của họ. Một gương mặt trẻ từng “khoe” khi đóng vai chính trong một bộ phim quay ở Đà Lạt, cô đã “săn lùng” được cả hai vali quần áo. Và nhân vật trên phim của cô đúng là “ăn diện” hết mức có thể.

Phải theo logic cuộc sống

Không xuất hiện lộ liễu như những sản phẩm tài trợ khác, nhưng trang phục của các nhân vật trên phim cũng là một hình thức quảng cáo ngầm của các nhãn hiệu thời trang. Có được các nhãn hiệu thời trang tài trợ trang phục nhân vật là điều kiện để các nhà làm phim giảm được một phần kinh khí cho phim. Nhưng vấn đề là các đạo diễn sử dụng phục trang ấy cho nhân vật của mình như thế nào. Theo đạo diễn Đỗ Phú Hải, phục trang trong phim Việt đang phạm vào lỗi là “có gì xài nấy”. Thay vì may trang phục cho hợp với nhân vật thì đạo diễn cho sử dụng hẳn quần áo của nhãn hàng tài trợ. Lỗi này hoàn toàn có thể sửa đổi. Nhà làm phim không nên quá lạm dụng vào các nhãn hàng thời trang và cần xác định rõ tư cách của các nhân vật để có một sự lựa chọn trang phục cho phù hợp.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, người từng chăm chút rất kỹ trang phục cho các nhân vật trong phim Ngọn nến hoàng cung, nhìn nhận: “Việc xử lý trang phục cho dạng nhân vật hiện đại dễ hơn nhiều so với nhân vật của những thời đại trước. Hẳn nhiên, xã hội đã “qua thời nghèo đói” thì việc để các nhân vật ăn mặc đẹp trên phim cũng là một cách khai thác hình ảnh nhân vật của cuộc sống mới. Nhưng nhân vật trên phim thì cũng là con người của cuộc sống. Quan trọng nhất là phải thể hiện nhân vật cho đúng với môi trường, hoàn cảnh và theo logic cuộc sống”.

Khán giả có thể chấp nhận chuyện làm đẹp trên phim của diễn viên, nhưng làm đẹp không có nghĩa là quên mất sự hóa thân của mình vào vai diễn. Trang phục nếu dễ dãi, tùy tiện hoàn toàn có thể làm giảm bớt tính chân thật của nhân vật và sức hút của phim.


Nghệ thuật phải biết hy sinh

Ấn tượng đẹp về nhân vật không nằm ở trang phục mà chính là sự hóa thân của diễn viên. Phim truyền hình Việt không thiếu những vai diễn đòi hỏi sự hóa thân đến mức “hy sinh” của diễn viên. Minh Hằng từng chấp nhận tăng cân để tròn vai Phụng trong phim Gọi giấc mơ về; Ngân Khánh cũng hy sinh cả mái tóc dài để vào vai Tím trong phim Mây trắng ngang trời. Diễn viên Ngọc Hiệp cũng không ngần ngại làm xấu mình suốt hơn một năm rưỡi cho 169 tập phim Cô gái xấu xí. Nhân vật Trúc của Tăng Thanh Hà trong phim Bỗng dưng muốn khóc cũng mang nét đẹp từ sự hồn hậu và giản dị...

Theo NLĐ