Tác giả không cho phép, không được kinh doanh karaoke?
Các Website khác - 12/09/2005

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ phát biểu tại họp báo
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nhận được nhiều lời cảm ơn từ các nhạc sĩ sau 3 năm hoạt động thực thi quyền tác giả âm nhạc tại VN.

Một tổ chức bảo vệ bản quyền theo kinh nghiệm nước ngoài, muốn hoạt động tốt trước hết phải có đội ngũ nhân lực, có hành lang luật pháp và sự hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ. Nhạc sĩ Trọng Bằng nhắc lại 3 điều kiện này trong cuộc họp báo nhằm thông báo kết quả 3 năm hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.

Nhưng nội dung chính của cuộc họp báo sáng 9-9 tại HN là bày tỏ phản ứng của các nhạc sĩ về công văn số 3422 của Bộ VH-TT. Công văn này chỉ đạo các Sở VH-TT ngừng việc thu tiền bản quyền tác giả đối với các hộ kinh doanh (karaoke) coi như một điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh, những trường hợp đã thu cần sớm làm thủ tục hoàn trả.

Số tiền điều kiện này là 750.000đ “truy thu” một năm tiền bản quyền, tương đương với 2.000đ/ngày sử dụng ca khúc để kinh doanh karaoke.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương dùng từ “gây sốc” để nói về công văn của Bộ VH-TT: “Một đằng nói về Sở VH, một đằng cho rằng việc thu bản quyền âm nhạc là sai, Nhà nước chưa có quy định. Cách công văn đưa là giết chúng tôi! Chưa kể lại còn bắt trả lại tiền đã thu. Không khác gì cái cây con vừa trồng xuống lại bị bắt nhổ lên chỉ vì người trồng giúp không phù hợp. Tinh thần của công văn: không cấm Trung tâm, thu bản quyền là đúng, mà chỉ cấm Sở… như thế quả là tai ác!”.

Trả lời câu hỏi của nhà báo, biểu giá của Trung tâm có thông qua Bộ Tài chính và Ủy ban Vật giá không, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định: “Đây là một sự hiểu lầm ghê gớm, ngay trong một số cán bộ của Bộ. Việc định giá của Trung tâm dựa trên tinh thần cơ bản của Bộ luật Dân sự nằm trong hai chữ “thỏa thuận”: thỏa thuận giữa người có tài sản và người sử dụng nó. Đây là mối quan hệ dân sự, không thể do Bộ Tài chính hay Ủy ban Vật giá quy định được. Mới nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng thứ nhất, không đúng luật, thứ hai, làm chậm tiến trình bảo vệ tác quyền…”.

Ông Phương cho hay có rất nhiều trường hợp phải trả tiền tác quyền, kể cả nhạc chuông ĐTDĐ, nếu chờ ủy ban định giá phải mất ít ra 5 năm nữa mà lại không đúng luật.

Kinh nghiệm của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người từng hai lần làm biểu giá tiền bản quyền cho Bộ VH-TT không thành: “Một khung giá theo quy định sẽ không bao giờ có. Việc định giá như vậy cũng không đúng và không theo sát với thực tế cuộc sống. Nếu không đạt được sự thỏa thuận thì bên kia đừng có dùng, bên này đừng đưa ra!”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương “bồi” thêm: “Phí của Nhà nước, ví dụ phí cấp phép, phí cầu đường... Nhà nước mới quy định. Tiền sử dụng âm nhạc không phải một loại phí! Việc nội bộ của Bộ VH-TT chúng tôi không có ý kiến nhưng đây là việc ra công văn ngăn cản, làm ảnh hưởng tới việc chúng tôi đang làm.

Sở Văn hóa giúp chúng tôi có gì sai?! Bộ có thể nhắc các Sở, giúp Trung tâm phải lưu ý giải thích cho đối tượng, đây không phải Nhà nước thu”.

Ông Phương coi việc thu giúp của Sở là động thái tích cực của cơ quan Nhà nước ủng hộ đưa luật pháp vào đời sống.

Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ cuối cùng “đứng lên” trong cuộc họp báo nói: “Đã làm thì có đúng có sai, thà như thế còn hơn không làm gì! Bộ làm thế là chưa dựa vào luật. Trung tâm thu theo quy định pháp luật.

Nhà nước chỉ làm việc lớn, chỉ ra chủ trương. Từ trước tới nay, các cơ quan Nhà nước chỉ mới ủng hộ quyền tác giả bằng văn bản chung chung, chứ chưa ra được văn bản làm thế nào để hỗ trợ cho các tác giả thu được tiền bản quyền!

Sở VH theo quy định không có chức năng thu tiền nhưng phải ra văn bản thu tiền. Còn nếu không thu được tiền- dừng lại không dùng bài của các nhạc sĩ - thế mới công bằng!”.

Một nhà báo hỏi riêng ông Trương Ngọc Ninh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, tóm lại là việc Sở thu giúp Trung tâm có gì sai không. Ông lắc đầu: “Không, chả có gì sai cả!”.

Phần phát biểu của bà Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền Tác giả Văn học VN dường như đã lật ngược thế cờ: “Theo tôi, không có sự cho phép của các tác giả mà Trung tâm là đại diện, Sở VH không đủ điều kiện cấp phép kinh doanh! Việc nộp tiền bản quyền không phải là điều kiện bắt buộc là hoàn toàn sai, phản lại quyền tác giả. 700 nhạc sĩ đã đăng ký với Trung tâm cần thể hiện quyền của chủ thể không cho phép sử dụng tác phẩm của mình. Kể cả tác giả chưa đăng ký, Trung tâm cũng có quyền bảo vệ vì đây là quyền đương nhiên! Vì thế, Bộ nên ra công văn khác: chỉ cấp phép kinh doanh khi có sự cho phép Trung tâm”.

Đến đây, ông Phương cho hay: “Việc Trung tâm được đại diện cấp phép sử dụng tác phẩm, chúng tôi đề ra mấy năm nay nhưng luôn bị một vài cán bộ của Bộ gạt đi”.

Tới đây khi VN tham gia công ước Paris, còn phải đảm bảo quyền của người biểu diễn. Đại diện của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN tại cuộc họp báo cũng đăng đàn đòi quyền của nhà sản xuất.

Tình hình vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay đòi hỏi những cơ quan như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cần phải nỗ lực hơn nữa, mà cụ thể cần có các đại diện tại địa phương để khỏi phiền đến các Sở VH-TT.

Theo Tiền Phong