Triển lãm ảnh quốc tế VN05 tại VN: Những khác biệt từ hai góc nhìn
Các Website khác - 12/09/2005

Tác phẩm Portrait của Poluektov Witaliy, Ucraine
Cuộc thi ảnh quốc tế VN05 do Hội NSNA VN (VAPA) tổ chức, được Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới (FIAP) bảo trợ vừa được công bố tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Đây là các tác phẩm được chọn lựa từ 7.228 tác phẩm của 1.416 tác giả từ 45 quốc gia gửi tới. Có thể nói, VN05 là sự kiện nhiếp ảnh lớn nhất năm 2005 ở VN...

41 giải thưởng chắc chắn là vấn đề gây tranh cãi, nhất là tác phẩm đoạt giải cao nhất của cuộc thi: bức ảnh đặc tả ba người ngồi bên bếp lửa, trong đó có một chú bé bụng ỏng, ở trần, cả ba có lẽ đang cảm thấy mệt mỏi trước ống kính...

Những bức ảnh khác trong bộ giải cũng khiến người xem VN khó có thể hiểu tác giả muốn nói gì: Pedraza (của Maria De Lezo, Tây Ban Nha), Forte Olhar (Marcia Chal, Brazil) hay Mallik (Guy B.Samoyault, Pháp) hoặc Điểm tâm (Nguyễn Văn Đảnh, Việt Nam)... Đó là những bức ảnh chụp một bóng người lướt qua một khu phố cũ, đôi mắt trừng trừng nhìn vào ống kính, một quán ăn với những gương mặt ngây ngô...

Bức ảnh "Lo lắng" của Hoàng Trung Thuỷ có thể bắt diễn viên diễn nhiều lần để chụp, đẹp nhưng dễ thực hiện. Cảm xúc được diễn nên không gây xúc động
Nhưng điều mà người xem quan tâm nhất có lẽ là trong cùng một triển lãm, cách nhìn của nhiếp ảnh VN và cách nhìn của các nhà nhiếp ảnh nước ngoài đồng hành như thế nào.

Bớt đi những cảnh lao động sản xuất, các công trình mới, nhưng ảnh VN vẫn hướng cái nhìn vào phong cảnh đất nước, trong đó thấp thoáng hình ảnh con người đang lao động, trẻ em đang vui chơi, cảnh làm việc trên ruộng muối, những đầm hồ...

Mặc dù đã được chọn từ 5.000 ảnh mà vẫn không ít bức bị trùng lặp trong việc khai thác địa điểm, đề tài. Chẳng hạn, cảnh đồi cát ở Mũi Né có tới 12 tác phẩm; những người già, ngồi bên nhau, những đứa trẻ núp vào ông bà da dẻ nhăn nheo - khoảng 10 bức. Thuyền và biển, tung chài kéo lưới, dắt dê, dắt trâu về chuồng... - là những mô-típ quen thuộc - vẫn có mặt trong VN05.

Trong khi đó, ảnh "Tây" đặt vấn đề gần như khác hẳn. Trừ một vài tấm ảnh của một số tác giả ngoại quốc gốc Hoa và gốc Việt, có cái nhìn tương đối gần với nhiếp ảnh VN hiện tại như Thomas Lang (Mỹ), Khưu Kiến Long (Úc), còn lại hầu hết được chụp theo một cách nhìn rất "tự nhiên chủ nghĩa" như đã dẫn ở trên.

Phong cách "Tây" còn hiển hiện trong các ảnh triển lãm: San "Galgano" (Meindl Gunter, Áo) - chụp cô gái ngồi xổm trên một đường phố cổ. Black roof cottages (Ann Davies, Anh) - một ngôi nhà hoang, trên một cánh đồng hoang. Portrait (Poluektov Witaliy, Ucraine) - đặc tả một ông già chống gậy không rõ mặt vì đang cúi nhìn tay của chính mình...

Bức "Đừng làm bối rối" - Shyamal Das (Ấn Độ) là một khoảnh khắc đắt giá. Người mẹ cười, cười cả bằng mắt (chứ không phải "nhe răng để chụp ảnh" như một số ảnh trong triển lãm). Đứa con bế trên tay có một cái ngáp đúng lúc, mang lại sự sinh động và tính nhân văn cho bức ảnh
Những bức ảnh đó, nếu của tác giả VN gửi đến một cuộc thi của VN thì gần như chắc chắn chúng sẽ bị loại ngay từ đầu. Nude, thể loại ảnh tế nhị ở VN, cũng có cơ hội tham gia triển lãm lần này với số lượng hơn 10 tác phẩm. Ngoài một số khá đẹp như Roses (Lemeshko Natalya, Kazakhstan), Volatility (Jos Janssens, Bỉ), số còn lại hầu hết khá "thô" nên cũng khó có cơ hội được trình làng trong những triển lãm nhiếp ảnh tại VN...

Từ sự tương phản về cách nhìn gần như "mặt trăng với mặt trời" này, có người đặt ra một câu hỏi: Ban giám khảo 7 người, trong đó 4 người là các nhà nhiếp ảnh VN, giám khảo đã dùng cách nhìn nào để chấm ảnh? Liệu có chuyện các giám khảo VN, đứng trước một bức ảnh "nội" thì bỏ phiếu theo cách nhìn "nội" với ảnh "ngoại" thì vận dụng cách nhìn ngoại? Nếu thực sự có hai "thước đo" như vậy, thì đâu là giá trị đích thực của VN05?

Nếu VN05 đã tìm được những bức ảnh tốt nhất để triển lãm và trao giải thì "ảnh nghệ thuật Tây" đúng là rất khó nếu không nói là không hiểu nổi. The wall của Georgij Stoliarov (Litva) chụp bức tường cũ với cây đèn và chiếc gương cầu, hay Lonely in the Gobi của Johan Van De Wardt (Hà Lan) chụp chiếc xe bò cũ chất ba bao rác trên sa mạc Gôbi, là những ví dụ. Không có bóng dáng con người, không có triết lý nào, không có cả chút tạo hình theo những nguyên tắc căn bản, chúng vẫn đại diện cho hơn 7.000 bức ảnh để có mặt trong triển lãm.

Nên nhớ, VN05 được bảo trợ bởi FIAP - tổ chức mà VAPA là thành viên và rất tôn trọng, vậy thì nhiếp ảnh VN có cần phải học theo cách nhìn của FIAP như trong những tác phẩm vừa nói trên hay không, hay ngược lại - nhiếp ảnh thế giới cần phải học tập cái nhìn của nhiếp ảnh VN?

Chúng ta sẽ "hội nhập", hay tiếp tục giữ "bản sắc" của mình? Xem phòng ảnh VN05, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi ấy.

Theo Thanh Niên - Lao Động