Vẻ đẹp bên ngoài vở kịch
Vân Anh và Hòa Hiệp trong Chuyện tình mùa thu - Ảnh: T.T.D. |
Cô sinh viên múa trong kịch yêu hết mình. Mang thai. Rồi chấp nhận cho người yêu cưới con gái ông viện trưởng để anh được đi học nước ngoài. Hai người phụ nữ - vợ và người yêu - cùng mang giọt máu của kẻ "khôn ngoan" gặp nhau. Mơ mộng hạnh phúc của cả hai tan tác như lá vàng...
Sân khấu đẹp, mơ mộng và hiện đại. Một dàn diễn viên trẻ, đẹp đồng đều cho câu chuyện. Trong đó lần đầu tiên bật lên Vân Anh - vai người phụ nữ thứ ba. Vân Anh đóng vai bác sĩ Mai - con gái ông giáo sư viện trưởng. Thầm yêu bác sĩ trẻ Khương Hải vì biết anh có tài, và dù biết anh chẳng yêu mình bao nhiêu, vẫn hài lòng với đám cưới do cha mình dàn xếp. Một phụ nữ có bề ngoài khô khan lý trí nhưng bên trong tràn đầy lãng mạn, lòng tin.
Vân Anh diễn giỏi đoạn vô tình trở thành bác sĩ sản khoa cho người yêu của chồng. Đau đớn vô cùng, nhưng vẫn nhân hậu đủ để khuyên cô gái trẻ hãy giữ lấy đứa con của tình yêu. Cũng dồn nén như thế, Mai một mình chịu đựng đến cùng sự thật phũ phàng, vì vượt lên cảm giác ghen tuông tầm thường, Mai muốn bảo vệ một người trẻ có tài thật sự. Dường như Vân Anh chín chắn hẳn lên, biết hi sinh cơ hội "quăng miếng" để biểu hiện của nhân vật đằm hơn nhưng cũng sâu hơn, khiến những tích tắc diễn thêm hiệu quả cảm xúc.
Quyết liệt, xốc nổi đồng thời quá chông chênh, cô sinh viên múa Thu Hương (Thanh Vân) cũng thật đẹp, là một tương phản mạnh bên cạnh cô bạn Lan Anh (Thanh Thúy) quá sắc sảo, trải đời, một bà mẹ phó hiệu trưởng (Tú Trinh) khắc nghiệt, chỉ muốn áp đặt mọi thứ theo ý mình...
Kịch được đẩy lên cao trào, và bỗng... kết. Đó là khi Thu Hương sinh con, Mai đỡ đẻ rồi không chịu nổi phải nói ra sự thật. Người cha - ông viện trưởng - giận quá bèn cho gọi chàng rể về nước. Mất vợ, đi tìm người yêu cũng bị từ chối. Chàng ta một mình bơi trong dòng sông đen tối của sự cô đơn...
Được, là bởi sự khích lệ dành cho những phụ nữ lỡ đặt lòng tin lầm chỗ: cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp để sống để tin, hà cớ gì phải đau đớn lâu dài vì những kẻ tầm thường không xứng đáng. Nhưng chưa thỏa đáng, là bởi cái kết ấy sao mà đơn giản.
Nhận ra điều này trước tiên, may mắn thay chính là đạo diễn trẻ Đức Thịnh. Ngay sau buổi ra mắt, anh nhận ra nhân vật của mình còn thiếu. Rằng ngoài đời, một kẻ thủ đoạn như Khương Hải dễ gì chịu bó tay. Anh ta có tài, có học vị, chắc chắn sẽ leo cao hơn nữa, sẽ thách thức mọi thế lực muốn cản trở mình. Nhưng có tài mà bất nhân bất nghĩa, liệu có thể thành công? "Sẽ bồi đắp thêm để nhân vật đầy đặn, quyết liệt hơn, cho anh ta trở về với đủ danh vị như anh ta mong muốn, chỉ thật sự mất là những tấm chân tình đã từng dành cho anh ta. Đó là cách để vẫn giữ mảng xử lý cho anh ta ngụp lặn giữa dòng sông đen tối. Một cái kết không nhìn thấy được ngoài đời, trừu tượng, nhưng đồng thời lại rất thật vì tôi tin rằng sự mất mát những giá trị tinh thần là tổn thất thật sự ở bên trong mà con người ta phải trả giá khi chạy theo danh lợi, sẵn sàng chà đạp lên người khác...".
Sân khấu luôn cho phép việc tự chỉnh sửa để hoàn thiện hơn. Và những người trẻ chấp nhận sửa chữa để hoàn thiện tác phẩm, hoàn thiện mình. Đó cũng là một vẻ đẹp đáng được kể thêm, bên ngoài vở kịch...
(*) Tác giả Sĩ Hanh. Diễn thường xuyên tại sân khấu Kịch Phú Nhuận, TP.HCM.
HOÀI HƯƠNG
▪ Những lồng chim độc đáo (31/08/2005)
▪ Bjork trở lại màn ảnh rộng (04/09/2005)
▪ Cách nhìn mới của văn học trẻ (04/09/2005)
▪ Thụy Điển lần đầu tiên dựng kịch của Nobel (04/09/2005)
▪ Chương Tử Di - Thành công không phải dễ dàng (04/09/2005)
▪ Nghệ thuật sắp đặt: “Tiếng thét của tự do” (04/09/2005)
▪ Trương Ngọc Ánh đa dạng trong diễn xuất (04/09/2005)
▪ Hồn của đá (31/08/2005)
▪ Đài Tiếng nói VN hoà mạng 4 hệ phát thanh (31/08/2005)
▪ Bán đấu giá bộ sưu tập đồ gốm của Picasso (31/08/2005)