3 tháng, 5.000 lao động phải về nước trước hạn
Các Website khác - 13/02/2009
 Kể từ tháng 12/2008 đến đầu tháng 2 này, Bộ LĐ-TB&XH đã liên tiếp ban hành 5 quyết định thu hồi giấy phép của 5 doanh nghiệp ở Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Hà Tĩnh...
 
Các thông tin này đến với công chúng đã gây tâm lý lo ngại về sự đổ vỡ của thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Về vấn đề này, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, giấy phép XKLĐ được cấp là vĩnh viễn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nếu các doanh nghiệp có vi phạm đến mức phải thu hồi thì sẽ thu hồi giấy phép.

Các trường hợp bị thu hồi giấy phép vừa qua nằm trong hai loại: Thứ nhất là doanh nghiệp có giấy phép nhưng từ khi có giấy phép đến nay chưa hoạt động XKLĐ và chiến lược kinh doanh tới đây cũng không làm nữa nên tự nguyện xin rút lui. Thứ hai là doanh nghiệp chỉ thay tên nên giấy phép cũ được thu lại và sẽ cấp giấy mới theo tên doanh nghiệp mới.

Về bản chất, các hoạt động XKLĐ của doanh nghiệp này vẫn vậy. Như thế, vấn đề đảm bảo quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng gì. “Với gần 200 doanh nghiệp làm XKLĐ, trong những năm qua chuyện thu đổi giấy phép kiểu này không phải là ít, nhưng đó là hoàn toàn bình thường...”, ông Hải nói.

“Tính từ tháng 11/2008 tới nay, thống kê chưa đầy đủ cả nước có 5.000 lao động về trước hạn”, ông Hải cho biết. Theo các dự báo thì tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lao động trên toàn thế giới. Không riêng gì Việt Nam, các nước có lao động xuất khẩu khác cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lao động về nước trước hạn.

Điểm đáng lo ngại nhất là lao động ở các nhà máy lớn, các doanh nghiệp điện tử, sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện ô tô... Các doanh nghiệp kiểu này thường phải đóng cửa chứ ít có khả năng xoay trở. Như thế, người lao động sẽ bị mất việc làm. Song tại tất cả các thị trường đều có chính sách cho phép người lao động thay đổi nơi làm việc.

Các doanh nghiệp thông qua các văn phòng đại diện của mình phải tìm việc mới cho người lao động. Bản thân người lao động cũng nên nắm được các quy định này và chủ động cho công việc của mình. Trong trường hợp lao động vẫn phải về nước, doanh nghiệp phải cùng người lao động đòi quyền lợi từ chủ sử dụng lao động nước ngoài. Khi về trong nước, phải tiến hành thanh lý hợp đồng đúng quy định và giảm thấp nhất các thiệt hại cho người lao động.

Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của tình trạng lao động về nước trước hạn, đối với các hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký, Cục quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phải thẩm định lại hợp đồng. Nếu thấy có các dấu hiệu bất ổn và nguy cơ người lao động sang làm việc và phải về nước trước hạn thì cương quyết không đưa lao động sang nữa. Hợp đồng đó dù đã ký cũng phải hủy hoặc bảo lưu thực hiện sau.

Theo Giadinh.net