Quần quật suốt 12 tháng, vậy mà cuối năm vẫn rơi vào cảnh túng thiếu, rồi lại được nghỉ Tết sớm, nỗi lo "đói ăn" khi ra giêng của người lao động nghèo lại thêm chất chồng.
"Mới 24 tháng Chạp mà hai vợ chồng em chỉ còn đúng 300 nghìn đồng, nồi thịt vẫn chưa mua, con gà cúng tổ tiên trong ngày xuân vẫn chưa có. Ra Tết không biết sống sao đây", xòe ví tiền mỏng te với xấp giấy bạc loại 10.000 đồng được xếp thẳng thóm, Huy, công nhân một xí nghiệp gia công đúc kim loại tại quận Tân Phú, TP HCM, rươm rướm nước mắt nói.
Tốt nghiệp hệ Cao đẳng Trường Đại học Công Nghiệp, chạy xin việc khắp nơi, cuối cùng, sau bao ngày mỏi gối chùn chân, Huy vào làm công nhân tiện cho xí nghiệp đúc pít tông xe máy. Lương trả theo ngày, mỗi ngày 50 nghìn. Ngày nào có làm có hưởng, ốm bệnh coi như vừa mất tiền thuốc thang lại vừa không có tiền thu được từ công việc.
"Năm nay hàng họ ế ẩm, mới 21 tháng chạp, công ty đã thông báo cho nghỉ Tết. Nghe quản đốc cất giọng hân hoan cho phép mọi người được nghỉ Tết đến 3 tuần mà em đau cả ruột", Huy nói.
Không riêng Huy, nhiều công nhân đang làm việc tại một số công ty vốn chỉ trả công theo ngày (công nhật), cũng cùng chung số phận không đủ tiền tiêu Tết bởi lương không nhiều, thưởng không có, mà còn bị cho nghỉ Tết sớm, nghỉ kéo dài cho đến giữa tháng Giêng.
"Họ nói, chúng tôi phải thông cảm vì tình hình chung, các hợp đồng mua bán chưa được ký lại, chúng tôi có vào làm thì cũng không có tiền trả lương nên tốt nhất nghỉ Tết lâu lâu rồi hãy tính", nhóm nữ công nhân đang làm việc tại một tổ hợp sản xuất túi xách và giày da tại quận 7 than thở.
Nghỉ sớm, lại phải đối diện với hàng trăm thứ chi phí ngày Tết, người lao động nghèo chỉ biết thở dài. Ảnh: Thiên Chương. |
Không có tiền về quê đã đành, những công nhân tỉnh lỵ về đất Sài Thành làm việc với mức thu nhập 30-40 nghìn đồng một ngày còn không có đủ tiền để có thể ăn uống sang hơn một tí trong ba ngày Tết.
"Ky cóp được vài trăm nghìn đồng gửi về cho gia đình là quý lắm rồi, còn lại một ít cố cầm cự với thùng mì, mươi ký gạo và mớ dưa kiệu, hy vọng cũng đủ ra khỏi mùng 10 âm", Thảo Nhi và nhóm nam nữ công nhân dệt may, quê ở Thanh Hóa cho biết.
Không riêng gì công nhân, lịch nghỉ Tết dài hơn tại một số cơ quan, công ty, xí nghiệp, đã khiến nhiều người sống bằng nghề mua bán bám víu vào công sở đã phải lo lắng vì thiếu tiền.
Lặn lội từ Cà Mau về Sài Gòn sống bằng nghề bán xôi trước cổng một trường học, chị Xuân những tưởng sẽ được buôn bán đến ngày cận Tết, nào ngờ mới 21 tháng chạp, trường đã đóng cửa nghỉ xuân. Vậy là số tiền dành dụm để mua quần áo mới cho các con đành phải lấy ra mua thức ăn hằng ngày.
"Người có tiền được nghỉ Tết dài ngày hạnh phúc sung sướng, còn chúng tôi, những người phải chạy từng bữa ăn, thì việc nghỉ Tết càng lâu lại càng thêm khổ", chị Xuân nói.
Để đối phó với cảnh phải ngồi không thất nghiệp, túi thì lép kẹp, mắt nhìn phố phường nhộn nhịp đón xuân mà lòng chẳng vui, không ít người đã chạy tìm việc làm với hy vọng kiếm tí tiền tiêu Tết.
"Giữ xe, bán hàng, khuân vác, hay làm gì cũng được, miễn sao đến ngày Tết cũng phải có hạt dưa, bánh tét, vài ba lạng mứt để tiếp bạn. Chỉ mong sao, năm sau kinh tế khá hơn, hàng họ của các công ty bán được, để Tết khỏi phải quá kéo dài như thế này", Dũng, 23 tuổi, công nhân xí nghiệp sản xuất bao bì, nói.
Cùng suy nghĩ như Dũng, nhiều lao động nghèo tại TP HCM đã tranh thủ thời gian lẽ ra dành nghỉ ngơi để làm thêm. Với họ, việc đi làm trong ngày xuân không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu xài nhỏ nhoi 3 ngày Tết, mà theo một số người, "là để có ít tiền phòng hờ nếu ra giêng chưa được công ty gọi đi làm lại thì còn có cái ăn".
May mắn cho họ, tại đất Sài Thành vốn nhộn nhịp khách tứ phương và nhiều hoạt động ngày Tết, họ vẫn có cơ may tìm được việc làm.
Theo VnExpress
▪ XKLĐ sang Hàn Quốc: Cửa vẫn mở (20/01/2009)
▪ Dân công sở 'sợ' Tết (20/01/2009)
▪ "Chật ví"... tiền thưởng Tết (19/01/2009)
▪ Công nhân không về tết (19/01/2009)
▪ 2009: Đề nghị tăng lương có khó không? (19/01/2009)
▪ Lao động tự do nhọc nhằn nỗi lo Tết (17/01/2009)
▪ Giới trẻ và nạn thất nghiệp (17/01/2009)
▪ “Chạy đằng trời không thoát Tết thiếu thốn” (17/01/2009)
▪ Nhiều đơn vị chung tay “thưởng Tết” cho giáo viên (16/01/2009)
▪ 8 nhóm ngành nghề tuyển dụng nhiều trong năm 2009 (16/01/2009)