Công nhân “chân đất” thời lãn việc: Tìm lối ra trong “bão”
Các Website khác - 21/02/2009
 “Cơn bão” thất nghiệp đã và đang ngày càng lan rộng. Tìm lối ra cho những người thất nghiệp, nhất là những lao động phổ thông, công nhân có trình độ thấp đang là vấn đề nóng bỏng.
Nó đòi hỏi không chỉ nỗ lực của mỗi cá nhân mà hơn hết là những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía các nhà quản lý.

Việc làm trong “bão”

Hiện nay dù khó khăn, vẫn còn nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng, nhưng họ thường kèm theo những yêu cầu rất khắt khe. Ông Vương Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm thanh niên tỉnh Bắc Ninh cho biết, mới đây Công ty Samsung – chi nhánh KCN Yên Phong, chuyên sản xuất điện thoại di động có nhu cầu tuyển 300 lao động. Họ yêu cầu rất khắt khe, chỉ tuyển công nhân nữ, độ tuổi từ 18- 23. Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng, các công ty thường tuyển công nhân nữ vì “dễ bảo” so với công nhân nam, ý thức tuân thủ kỷ luật tốt. Hơn nữa, họ yêu cầu độ tuổi thấp như trên thì cũng hạn chế được những vấn đề phát sinh do chuyện sinh đẻ của phụ nữ.
 

Những công nhân này rồi sẽ về đâu? Ảnh: Đ.K

Theo bà Hoàng Thị Thu Hải, Trưởng phòng lao động - việc làm, Ban quản lý KCN Bắc Ninh, đây đang là xu hướng chủ yếu của các doanh nghiệp. Họ thích tuyển công nhân nữ độ tuổi thấp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng không yêu cầu cao về trình độ. Với những công việc đơn giản, không đòi hỏi tay nghề, trình độ chuyên môn thì những người có trình độ thấp, ít được đào tạo lại thường được ưu tiên tuyển dụng. Bà Hải lý giải: Đơn giản là vì những người này thường có yêu cầu về lương thấp hơn và ít khả năng bỏ việc hơn.

Thực tế, qua các KCN ở Bắc Ninh, Hưng Yên thời gian gần đây, những nhu cầu tuyển dụng chủ yếu nhằm vào lao động phổ thông. Nhiều người thậm chí nộp đơn sáng, chiều đi làm luôn. Phong, 23 tuổi quê ở  Nam Định, đã tìm được công việc như thế. Cùng xóm trọ với Phong còn có nhiều công nhân may, cơ khí có nghề, nhưng cũng đang chịu cảnh ăn trực, nằm chờ đợi việc.

Nhiều người cho biết, có thể họ sẽ phải làm những công việc thời vụ, đơn giản... chờ qua thời kỳ khó khăn rồi tính tiếp. Thậm chí, có những người đã tính đến chuyện lên thành phố, kiếm các việc như trông xe, bồi bàn, xe ôm, hay nhập vào các chợ lao động.

Cơ hội để tái đào tạo

Trong khi người lao động đang gặp vô vàn khó khăn thì sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương là rất hạn chế. Ông Vương Quốc Tuấn cho biết, hiện nay hoạt động chủ yếu của trung tâm là cầu nối giữa doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và người lao động, nhưng cũng chỉ hạn chế với những lao động tìm đến trung tâm và thông qua các hội chợ việc làm được tổ chức thường niên. Ông Tuấn cho biết thêm, sắp tới đoàn thanh niên sẽ tiến hành chương trình mỗi tháng, mỗi xã giới thiệu việc làm cho 2 người. Ông tính toán, với tổng số 126 xã trong toàn tỉnh, mỗi tháng tỉnh sẽ có 250 thanh niên được giới thiệu việc làm.

Dù rằng vẫn còn nhiều điều phải làm khi xét đến tính khả thi của dự án này, nhưng vẫn khả quan hơn so với câu trả lời của ông Phó chủ tịch xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) Nguyễn Văn Bộ, khi được hỏi về chính sách hay hướng hỗ trợ việc làm cho thanh niên trong xã. Ông Bộ nói: “Xã chỉ có thể tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ giấy tờ để đi xin việc chứ còn biết làm gì nữa”(!?).

Trong bối cảnh này, người lao động phải tự mình bươn chải, tìm cách để thoát khỏi khó khăn. Trong lúc tìm kiếm việc làm khó khăn, không ít người đã chọn giải pháp đi học trở lại. Dù có thể chỉ là giải pháp tình thế, nhưng đây cũng là cơ hội để tái đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Hải, 21 tuổi, ở Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết, nhiều bạn cô, cùng làm ở công ty Canon, KCN Quế Võ, Bắc Ninh đã về nhà và tiếp tục đi học. Con gái thì học nghề may, con trai thì học nghề điện, cơ khí. Người nào có năng lực hơn thì học để thi vào các trường cao đẳng.

Theo nhiều chuyên gia, có một tác dụng của hiện tượng thất nghiệp là tái đào tạo và cơ cấu lại lực lượng lao động. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, theo lãnh đạo một trung tâm giới thiệu việc làm ở Hà Nội, vừa qua trong hội chợ việc làm của thành phố, nhiều công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển được người vì lực lượng lao động trình độ không đủ đáp ứng.

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu Chính phủ có chính sách hợp lý thì đây có thể là cơ hội để đào tạo lại và nâng cao trình độ của người lao động, cũng như cơ cấu lại lực lượng lao động trong nền kinh tế phù hợp hơn với định hướng phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng, thời gian tới nên chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề, không nên để các trường đào tạo nghề tư nhân phát triển tràn lan, nằm ngoài tầm kiểm soát. Mặt khác, cũng phải trú trọng đến chất lượng đào tạo nghề.

Theo Giadinh.net