Công nhân “chân đất” thời lãn việc: Mặn mà nghề nông, quặn lòng… “công nghiệp”
Các Website khác - 18/02/2009
 Đến những địa phương mà người dân bị thu hồi đất để phát triển công nghiệp, những ngày này mới thấy được khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến họ như thế nào.
Giải quyết việc làm cho những người dân bị thu hồi đất luôn là một bài toán khó, trong bối cảnh này lại càng bức thiết hơn.

Nặng nề chuyện thất nghiệp

Đến xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm, Hưng Yên những ngày này, hỏi về chuyện công ăn việc làm, từ người dân đến lãnh đạo xã, đâu đâu cũng gặp những tiếng thở dài và những cái lắc đầu ái ngại.

Tiếp chúng tôi chiều 13/2, ông Đỗ Thế Phả, Phó chủ tịch UBND xã Trưng Trắc cho biết: “Từ chiều đến giờ tôi ký không biết bao nhiêu hồ sơ. Công nhân bị dừng việc, nghỉ việc nhiều lắm. Tiếng là họ cho nghỉ tạm thời, bao giờ có việc sẽ gọi nhưng mà biết bao giờ”.

Trưng Trắc vốn là một xã thuần nông. Người dân ở đây sống dựa chủ yếu vào trồng lúa và hoa màu nhưng từ năm 2000 đến nay phần lớn đất nông nghiệp của xã đã được giao cho các dự án KCN. Cá biệt có những thôn như Tuấn Dị, Trai Túc, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lên đến gần 90%.

Đất ruộng giao hết, những người già và trung niên, vốn chỉ quen việc đồng áng, nay chơ vơ vì không còn đất để làm. Họ cũng đã quá tuổi để được nhận vào các KCN. Con em họ, vốn chủ yếu làm công nhân trong các KCN, nay cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc, do kinh tế khó khăn, ngày càng nhiều nhà máy xí nghiệp giãn việc, giãn thợ.

Anh Đào Văn Tuấn, thôn Trai Túc, làm công nhân Công ty Tae Yang Vina cho biết, sau 4- 5 năm làm việc, nhiều đợt tăng lương, lương cơ bản hiện nay của anh là 1,1 triệu đồng/tháng, nếu làm thêm giờ thì sẽ được tăng thêm. Nhưng từ năm ngoái đến nay ít việc, không có làm thêm giờ, thu nhập cũng bị cắt giảm. Tuấn đã có vợ và hai con gái, cháu lớn 4 tuổi, nhỏ mới 17 tháng tuổi. Vợ Tuấn cũng làm công nhân may. Theo Tuấn, bình thường thu nhập hai vợ chồng cũng đủ nuôi hai đứa con, nhưng nếu con cái ốm đau thì rất vất vả. Mỗi lần đưa con lên viện, cả tháng lương của hai vợ chồng đi tong.

Nhưng anh cho biết, dù lương thấp, anh vẫn sẽ cố gắng bám nghề, bám việc, vì bây giờ bỏ việc cũng không biết làm gì. Tuấn nói: “Như anh trai em, trước cũng làm công nhân cho một công ty đá mài lương tháng 900.000 đồng, đợt rồi ít việc lương lại bị cắt giảm nên đã nghỉ ở nhà gần 4 tháng nay. Bây giờ cũng chưa biết sẽ đi làm gì”.

Theo ông Tôn Quang Bậu - trưởng thôn Trai Túc, hiện nay, người dân địa phương  đang ở trong tình cảnh vô cùng khó khăn. Những người 45 tuổi trở lên giao hết ruộng rồi, nay không biết làm gì. Còn những người đi làm công nhân, từ cuối năm ngoái nhiều người đã phải nghỉ. Số vẫn còn việc thì ngày làm, ngày nghỉ. Ông Bậu nói: “Họ không cắt hết. Nhưng một tháng chỉ làm 3- 4 buổi”.

Dù vì lý do gì thì, một thực tế là người dân ở đây đang gặp vô vàn khó khăn.  Cũng như người dân ở nhiều khu “công nghiệp hoá” khác, họ đang phải tự bươn chải để tìm lối đi cho mình. Có thể nhiều người sẽ tiếc, khi thấy trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những vùng quê giữ được đồng ruộng, giữ được nghề truyền thống lại đang “sống khoẻ”.

Niềm vui bám ruộng, bám nghề

Chúng tôi đã tìm đến làng Hoành Đồn, nơi thí điểm mô hình nông thôn mới của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, ông Trà, xóm 6, Hoành Đồn nói: “Dù kinh tế thế giới có thế nào thì chúng tôi vẫn sống khoẻ”.
 

Với nghề làm cạm chuột, ông Nguyễn Văn Bộ (Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình) có thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Đ.K

Ở Hoành Đồn, đất đai đồng ruộng nhiều, nhà nào cũng có vườn, có ao. Có hộ như nhà ông Trà có đến cả mẫu vườn. Bên cạnh nghề nông, người dân ở đây có nghề trồng cau. Năm nào cau đắt, mỗi hộ như hộ nhà ông Trà, có thể để ra cả 50- 60  triệu đồng. Ông Trà đã 54 tuổi, nhưng trèo cau vẫn khoẻ lắm. Mỗi vụ ông vẫn có thể trèo hái cau thuê kiếm thêm đến cả chục triệu đồng.

Từ khi huyện đưa mô hình nông thôn mới về, người dân ở đây lại được phổ biến thêm nghề phụ là trồng nấm, trồng cam và dệt vải. Theo ông Vinh, chủ nhiệm HTX, nghề trông cam đã có từ trước, nay chỉ cần khôi phục lại. Còn nghề trồng nấm, dệt vải cũng đang bắt đầu  tạo những biến chuyển mới về kinh tế của địa phương.

Nhưng theo ông Trà, sự chuyển biến về kinh tế thì chưa rõ rệt, nhưng đáng kể nhất là chuyển biến về văn hoá, tinh thần. Những giá trị truyền thống của người dân Việt Nam, nhất là tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái được đề cao và chú trọng phát triển.

Rời Hoành Đồn, chúng tôi đến xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, một xã nông nghiệp còn giữ được nhiều nghề truyền thống. Khi được hỏi về nghề nghiệp của thanh niên trong xã, anh Tùng, 27 tuổi, làm nghề sửa xe máy ở thôn Đoài đã nói vui thế này: “Chúng tôi có ba nghề: nghề đi xuất khẩu lao động, nghề đi làm công nhân và nghề làm dũa, làm cạm chuột. Nhưng bây giờ chỉ còn nghề làm cạm chuột, làm dũa là làm ăn được”.

Anh Tùng cho biết, em trai anh, làm thợ hàn cho một công ty ở Hải Phòng, nhưng về nghỉ Tết rồi nghỉ hẳn ở nhà cả tháng nay chưa thấy họ gọi đi làm. Kể cả đi xuất khẩu lao động, cũng có nhiều người phải về trước thời hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Phó Chủ tịch xã, trước đây trong xã có nhiều người đi nước ngoài cũng khá giả lắm. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ có người đi xuất khẩu lao động. Nhưng bây giờ thì khó khăn hơn nhiều, tiền đi cũng mất nhiều mà việc làm lại ít. Mới đây, xã có hai người đi Qatar đã phải về nước trước thời hạn.

Ông Bộ cho rằng, dù gì thì vẫn phải bám vào nông nghiệp. Hiện tại, người dân ở địa phương vẫn sống chủ yếu dựa vào nghề nông, ngoài ra còn thêm nghề phụ là làm cạm chuột và dũa cưa. Mỗi hộ làm nghề này cũng có thêm thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Đến nay, toàn xã có 4 xưởng rút thép. Có 15 hộ mua được máy băm dũa. Sản phẩm dũa cưa của xã đã được xuất đi khắp cả nước và cả nước ngoài. Nghề này thu hút được khoảng 1.500 lao động thường xuyên làm 8/12 tháng, nhưng ông Bộ cũng thừa nhận, nghề này chủ yếu chỉ thu hút người già và trẻ em còn hầu hết thanh niên trong làng không mặn mà với nghề này. Ông cho rằng, nguyên nhân là do thanh niên mặc cảm với chuyện bằng cấp, còn thực ra họ có thể hoàn toàn sống tốt với nghề này.

Khi được hỏi: “Nếu họ về đây lấy đất làm khu công nghiệp thì mình có đồng ý không?”, ông Bí thư chi bộ làng Hoành Đồn cười: “Đồng ý chứ, nhưng phải xem lấy thế nào và lấy bao nhiêu”.

Trong nụ cười của những người dân nơi đây vẫn còn điều gì đó ái ngại. Làng có 145 hộ thì chỉ có 450 khẩu, mà toàn người già và trẻ em. Thanh niên trai tráng trong làng đều thoát ly đi làm ăn xa. Họ không muốn bám làng, bám nghề nữa, bởi xét cho cùng nhu cầu của người dân bây giờ không đơn giản là no đủ nữa mà phải là giàu có, mà muốn vậy họ phải thoát ly.

Cũng như công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xu hướng tất yếu. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để tránh tổn thương cho những người dân lao động, người nông dân nghèo.

Theo Giadinh.net