Công nhân chán việc
Các Website khác - 26/11/2008

 

 Anh H.V.Q., công nhân Công ty HM, Đồng Nai, đã năm năm làm việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Anh thường xuyên đau đầu, đau vùng cổ, thẫn thờ, ít tiếp xúc, khả năng miễn dịch của cơ thể giảm rõ rệt... do cường độ làm việc quá căng thẳng.

Chăm sóc sức khỏe công nhân hiện nay là vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp. Trong ảnh: bữa ăn trưa đủ chất của công nhân Công ty cổ phần Việt Hưng, Q.12, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Tốt nghiệp sư phạm nhưng không xin được việc, chị H.A.T. đành đi làm kế toán cho Công ty X ở Đồng Nai. Do không đúng tay nghề cùng với sự mặc cảm, tự ti, sau hai tháng làm việc chị thường tỏ ra chán chường, cáu kỉnh với đồng nghiệp, ít nói chuyện hơn, thậm chí có lúc xảy ra xung đột chỉ vì một lý do nhỏ.

Hiện nay các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều, số lượng công nhân tăng rõ rệt nhưng việc bố trí công việc không phù hợp chuyên môn, sức khỏe như hai trường hợp nêu trên là vấn đề cần quan tâm.

Thực tế cho thấy doanh nghiệp nào tổ chức lao động kém, kinh doanh không hiệu quả, đối xử không tốt với người lao động thì ở đó sức khỏe tâm thần có vấn đề, các bệnh tâm thần càng phát triển. Stress là biểu hiện rõ rệt nhất.

Công ty N., Bình Dương là một trường hợp. Thời gian gần đây công nhân phải làm nhiều hơn so với quy định, chất lượng bữa ăn kém không đảm bảo sức khỏe. Vì vậy xảy ra đình công và không ít trường hợp xảy ra xô xát gây chấn thương giữa công nhân và bảo vệ. Phần lớn công nhân làm việc ở đây luôn tỏ ra ức chế với thái độ của ban giám đốc cũng như các bộ phận quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp.

Dễ nghiện ngập

Theo điều tra của các nhà tâm lý học, số công nhân có việc làm nhưng không phù hợp khả năng hoặc do trình độ, tính chất tổ chức lao động thiếu khoa học ở các doanh nghiệp, mắc bệnh tâm thần chiếm 10% (bao gồm trầm cảm, buồn chán, hẫng hụt...).

Stress đã làm không ít công nhân không tự chủ để kiểm soát được hành vi của mình, họ dễ sa vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút hoặc đánh nhau. Một số người do cường độ lao động quá cao thường dẫn đến hay lo lắng, thẫn thờ, trầm cảm, ốm đau... Những kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà tâm lý học, tiến hành trên 200 công nhân cho thấy có trên 50% cho rằng lao động quá tải và hậu quả là 17% đau đầu, 20% đau vùng cổ, 35% bị stress ở các mức độ khác nhau.

Hơn nữa phần đông công nhân ở doanh nghiệp đều xuất phát từ nông thôn, nên khi vào môi trường mới thường khó thích nghi. Họ thiếu kiến thức, kỹ năng, thậm chí không được đào tạo nên quá trình làm việc không hiệu quả dẫn đến chán nản, mất hứng... Biểu hiện rõ nhất là không ít công nhân muốn bỏ việc trở về với làng quê.

Một trong những nguyên nhân nữa là do bầu không khí không lành mạnh, thiếu tính đoàn kết, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, duy trì kỷ luật kém, không chú ý vấn đề an toàn của công nhân, vì vậy xung đột thường xảy ra.

Chọn việc hợp người

Chăm sóc sức khỏe công nhân hiện nay ở các doanh nghiệp là vấn đề cần quan tâm. Ngoài việc Nhà nước sớm hoàn thiện những văn bản pháp quy về đảm bảo sức khỏe của công nhân, mỗi doanh nghiệp cần có đội ngũ những nhà chuyên môn để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, có những nhà tâm lý hỗ trợ kịp thời giúp công nhân giảm bớt khó khăn vướng mắc về tinh thần. Họ thật sự là những người xây dựng bầu không khí dân chủ, kỷ luật, đoàn kết gắn bó trong tập thể công nhân. Đồng thời công nhân lựa chọn công việc phù hợp với chuyên môn, khả năng, tránh công việc quá sức, quá khả năng dẫn đến phải chịu áp lực và gây nên những căn bệnh về tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của chính bản thân.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên tâm lý học)